Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: “Chức năng giáo dục của gia đình ngày càng hạn chế”

29/06/2020 - 08:00

PNO - Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng cho rằng, sự phát triển quá nhanh của xã hội, khiến hai thế hệ không còn sự kết nối, khó lòng chia sẻ với nhau. Khả năng một người cha ngăn cản việc làm của đứa con tuổi trưởng thành là rất thấp.

Phiên toà xét xử bị cáo Thiên Hà - vụ giết người đổ bê tông khi tu luyện theo một giáo phái tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi trong dư luận. Cha của bị cáo nhận một phần trách nhiệm khi biết con gái tu tập, nhưng không thể can ngăn. Vậy gia đình đã ở đâu, để một con người bước vào con đường sai lầm như thế?                                               

Gia đình truyền thống đang lung lay

*Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, từ vụ án của bị cáo Thiên Hà, dư luận lại đặt câu hỏi lớn về trách nhiệm của gia đình. Theo ông, sự việc này có thể được cứu vãn hay không nếu gia đình kịp thời ngăn cản?

- Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: Tôi không lý giải trường hợp cụ thể của Thiên Hà vì không rõ quan hệ gia đình của cô ấy. Nhưng thực tế, chức năng giáo dục của gia đình ngày càng bị hạn chế.

Ngay cả trong trường hợp người cha có mối quan hệ bình thường tốt đẹp với con, thì khả năng ngăn cản những việc làm của đứa con cũng rất thấp, bởi ý thức tự ngã cá nhân của con người hiện đại ngày càng phát triển mạnh. Sự phát triển quá nhanh của một xã hội toàn cầu, khiến hai thế hệ không còn sự kết nối, khó lòng chia sẻ với nhau.                                                 

Một vấn đề hiện tại của gia đình là hiện tượng xã hội hoá ngược chiều. Trong mô hình xã hội truyền thống, gia đình là nơi diễn ra quá trình xã hội hoá thuận chiều, nghĩa là cha mẹ sẽ giáo dục con cái. Nhưng hiện tại, con cái có thể tiếp thu nhiều kiến thức hơn cha mẹ, “dạy” ngược lại con trẻ nên sớm hình thành nên tư tưởng độc lập, phát triển ý thức đề cao tự ngã.

Điều này xuất phát từ những việc lặt vặt thường ngày như mẹ học hỏi con gái cách ăn mặc, trang điểm, thời trang thẩm mỹ, còn con trai dạy cha sử dụng máy vi tính… Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt này tác động rất lớn đến ý thức, sự nhìn nhận của con cái trong mối quan hệ với gia đình. Cũng từ đó, tư tưởng xem thường cha mẹ dễ hình thành trong đầu con trẻ. Bản năng đứa con vẫn lệ thuộc vào cha mẹ nhưng tinh thần dần dần thoát ly các “phần mềm cài đặt” của truyền thống. Vì thế, việc cha mẹ giáo dục con cái ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng

*Nghĩa là, chức năng bảo vệ, kết nối của gia đình cũng theo đó mà lỏng lẻo, phải không ông?

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007.

- Mô hình gia đình truyền thống đang lung lay, mọi người đang nhắc đến nó với một sự nuối tiếc, hơn là một thực thể đang tồn tại thực sự, điều làm cho họ lo lắng. Gia đình hiện nay chủ yếu còn kết nối những cá nhân bên trong nó chủ yếu là nhờ các “phần mềm” di truyền, mang tính sinh học. Cá nhân trong quá trình trưởng thành thường được bảo vệ hai tầng (cha mẹ và ông bà) trong mô hình gia đình truyền thống tránh khỏi những tác động tiêu cực của xã hội bên ngoài (vốn không đa dạng và phức tạp như các thách đố hiện nay), nhưng trong mô hình gia đình hạt nhân hiện nay lớp bảo vệ đó có thể không còn hoàn toàn chắc chắn nữa.

Không riêng vụ việc của bị cáo Thiên Hà, gần đây còn có vụ án bà nội giết cháu vì giận con trai, hay những trường hợp cha mẹ bạo hành con ruột, đã thực sự cho thấy một trong những hệ quả tiêu cực phát sinh từ mối liên kết ngày càng lung lay trong gia đình hiện đại.

Ngày trước, cuộc sống gia đình khá đơn giản. Thường xong việc đồng áng, mọi người sẽ tụ họp ăn cơm, trò chuyện, nên thời gian tương tác với nhau rất nhiều. Nhưng hiện tại,ai cũng  bị chi phối bởi nhiều thứ: thiết bị công nghệ, đi học, giải trí, mua sắm… Quỹ thời gian vẫn như thế, nhưng bị lấy đi bởi nhiều hoạt động đa dạng hơn. Các thành viên trong gia đình càng ngày càng dành ít thời gian cho nhau hơn.

*Vậy theo ông, trong cơ chế phát triển hiện tại, mô hình gia đình truyền thống đang lung lay, thậm chí có thể biến mất?                                                                     

- Mô hình gia đình truyền thống ở Việt Nam thường có 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cháu. Con người phát triển trong môi trường này dễ đạt được sự cân bằng vì liên tục được điều chỉnh, học hỏi lẫn nhau. Ví dụ, một đứa trẻ khi bị cha mẹ la mắng, ông bà sẽ bênh vực. Cha mẹ, ông bà thông qua tương tác với đứa trẻ cũng nắm bắt được nhu cầu, sự phát triển của chúng, bản thân tâm hồn của họ cũng được trẻ hóa, đồng thời tạo được niềm tin, sự gần gũi của con cháu. Đây là mô hình xã hội hóa thuận chiều. Cha mẹ và ông bà đóng vai trò hướng dẫn cho đứa trẻ hội nhập dần vào xã hội thông qua việc trang bị cho trẻ những kỹ năng và kiến thức cần thiết.

Nhưng hiện tại, mô hình gia đình truyền thống đã bị phá vỡ bởi mô hình gia đình hạt nhân (khởi sinh từ phương Tây, sau lan ra khắp toàn cầu), thường chỉ bao gồm vợ chồng và con cái. Trong nhiều xã hội phát triển, như châu Âu và Nhật Bản, thậm chí cá nhân còn không muốn kết hôn vì không muốn đương đầu với trách nhiệm làm cha mẹ do ý thức nhu cầu tự ngã quá lớn. Hiện tượng lão hóa nghiêm trọng ở các quốc gia này (đặc biệt là Nhật Bản) là một thách đố lớn.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: diện tích nhà, điều kiện kinh tế, áp lực tinh thần… Một buổi chiều đi làm về, đến việc tắm rửa, đi vệ sinh cũng phải xếp hàng chờ đợi đã đủ khiến con người ta nổi cáu, nóng giận. Họ cảm thấy phải chịu đựng nhau thay vì cảm giác yêu thương, sẻ chia trước đây.

Hơn hết, ý thức tự ngã cá nhân đang ngày càng phát triển rất mạnh. Điều đó khiến con người chỉ muốn thoả mãn nhu cầu của bản thân. Phần lớn người trẻ hiện tại có xu hướng khi lập gia đình phải ra ở riêng, chứ không chịu sống chung với cha mẹ. Chủ nghĩa cá nhân xâm lấn khiến khái niệm gia đình đã dần mất đi chức năng truyền dẫn vốn có của nó. Cũng vì thế, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo.

Chức năng, giá trị của gia đình truyền thống ngày cáng bị thay đổi mạnh mẽ hoặc suy yếu
Ngày càng ít các gia đình có sự tương tác 3 thế hệ. Đây là sự thiệt thòi và thiếu hụt cho cả 3 thế hệ. Ảnh minh họa

* Vậy liệu chúng ta có cơ hội điều chỉnh hành vi của con cái, giáo dục toàn diện hơn để tránh những vụ việc như bị cáo Thiên Hà?

- Rõ ràng, chúng ta không thể tác động hoặc kìm hãm sự phát triển của ý thức tự ngã cá nhân. Chính cha mẹ cần phải thay đổi nếp nghĩ của mình. Cha mẹ nên đánh giá lại chức năng truyền thống của gia đình. Trước đây họ nghĩ rằng nhiệm vụ của họ là dạy cho con kỹ năng, kiến thức, đạo đức để khi bước vào đời có đủ năng lực đối phó với nghịch cảnh. Nhưng hiện tại, cuộc sống có quá nhiều vấn đề đến mức không một cha mẹ nào có thể giải quyết hết được (kỹ năng sống/ kiến thức khoa học/ đạo đức trong phong cách sống) và điều đáng nói là con cái họ có thể tiếp cận với những nguồn truyền dẫn thông tin khác hoàn toàn phi truyền thống mà họ không hề tiếp cận được.                                                                                                 

Vì thế, thay cho việc truyền dẫn, cha mẹ nên hợp tác với con cái để cùng nhau phát triển. Trên cùng một con đường, chúng ta cũng sẽ dễ quan sát, học hỏi lẫn nhau để điều chỉnh. Điều này cũng giúp gia tăng sự kết nối, lòng tin của thành viên trong gia đình trong thực trạng hiện tại. Khi lòng tin bị bào mòn do hiện tượng xã hội hóa ngược chiều những vấn đề xung đột trong nhận thức giữa các thành viên trong gia đình có cơ hội phát sinh.

Trong những gia đình trung lưu tương đối có học tại những đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội, sự thay đổi trong nhận thức này tương đối dễ diễn ra hơn. Nhưng xu hướng đô thị hoá cũng đang diễn ra rất mạnh tại các vùng nông thôn, vì thế trong tương lai gần chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào sự chuyển biến này.

Tư tưởng sai lầm còn nguy hiểm hơn vũ khí

* Các bị cáo trong vụ án trên, có người có trình độ học vấn đại học, thạc sĩ. Dư luận không khỏi băn khoăn, liệu điều gì đã sinh ra những hành vi như thế?          

- Theo quan điểm của tôi, tinh thần tín ngưỡng, tôn giáo không có liên hệ nhiều với trình độ học thức. Năm 1995 tại Nhật Bản, Giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện những vụ tấn công bằng khí độc thần kinh Sarin tại 5 chuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo, làm chết 12 người và khiến hàng trăm người khác bị thương, đổ bệnh. Người giáo chủ thì ít học nhưng trong 5 môn đồ có người là PGS-TS của một trường đại học hay một TS hoá học.                            

Một điều nghịch lý là khi trình độ học thức tương đối cao, con người  càng có xu hướng bác bỏ cuộc sống hiện thực do được tiếp cận với nhiều sách vở, thông tin hơn so với người ít học. Một số người thì tin có sự tồn tại của một thế giới khác, phát sinh ra những tư tưởng kỳ dị nhằm phế bỏ hiện thực trước mắt. Một số đầu quân vào các phong trào hay giáo phái cứu thế, cho rằng ngày tận thế sắp đến… Tất cả đều khởi sinh từ sự bất mãn với hiện thực và mong muốn thay đổi nó bằng một “hiện thực” khác.

Người bình dân ít học thường có hành vi phạm tội vì những cơn bốc đồng trong lúc nóng giận. Họ hành động hoàn toàn do bản năng thúc đẩy. Sau đó, họ thường có xu hướng ăn năn, hối lỗi. Còn những người có học thức lại có xu hướng thực hiện những hành vi phản xã hội (anti-social behavior) phát xuất từ những ý tưởng. Họ thường bị ám ảnh bởi những ý tưởng nào đó (tôn giáo/ chính trị) hơn là do bản năng thúc đẩy phải thực hiện một hành vi cụ thể nào đó. Theo dõi phiên toà của bị cáo Thiên Hà, chúng ta cũng chỉ thấy cô ấy xin lỗi vì khiến gia đình nạn nhân bị tổn thương, chứ không thừa nhận rằng “giáo lý” mà cô ta đang tu tập là sai trái. Theo nhận xét riêng của tôi, thái độ của cô ấy có vẻ bình tĩnh chấp nhận hậu quả “sai sót” trong quá trình quản lý “tín đồ” hơn là sự hối hận vì bản thân đã sai lầm trong nhận thức.

* Theo ông, tác nhân nào chi phối để tạo ra những suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn như thế?

- Con người chịu sự tác động của 3 yếu tố: sinh học (yếu tố di truyền), xã hội (những chuẩn mực, quy tắc xã hội bắt buộc phải theo để tồn tại trong nhóm) và văn hoá (kiến thức và trải nghiệm tích lũy trong quá trình sống). Sự phát triển cá nhân chỉ bền vững khi 3 yếu tố này đạt được sự cân bằng. Bị cáo Thiên Hà có thể rơi vào sự lệch chuẩn ở yếu tố thứ ba, hình thành nên những tư tưởng lệch lạc so với văn hoá chuẩn mực, trở thành người vi phạm pháp luật. 

Bị cáo Thiên Hà chỉ xin lỗi gia đình nạn nhân vì gây ra tổn thương nhưng không thừa nhận hành vi của bản thân là sai
Bị cáo Thiên Hà chỉ xin lỗi gia đình nạn nhân vì gây ra tổn thương, chứ không thừa nhận hành vi của bản thân là sai

* Tôn giáo thường hướng con người đến điều thiện. Vậy từ trường hợp trên, có thể thấy người ta đang áp dụng sai, thưa ông?                                                                                      

- Tôn giáo chia ra nhiều loại: tôn giáo chính thống, giáo phái, tín ngưỡng dân gian… Con đường hình thành của chúng khác nhau, không hẳn khởi phát từ kinh nghiệm, bài học thực tế, đúng đắn mà đôi lúc từ những giấc mơ, ý thức chủ quan của con người… Mỗi tôn giáo lại chia thành nhiều nhánh nhỏ với những quan niệm, cách hành xử khác nhau.                                      

Một người cha dùng roi để đánh con để răn dạy. Ông ta cho rằng đó là việc tốt (thiện), nhưng trong mắt người khác, hành động đó có thể xem là hành vi bạo hành trẻ em. Khái niệm “thiện” sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào hệ quy chiếu đạo đức/ xã hội/ tôn giáo và cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người.

Khái niệm “tôn giáo” và “thiện” cũng rất đa dạng, phức tạp, không trong suốt, đơn nghĩa, cộng thêm yếu tố văn hoá được tiếp thu một cách chủ động, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những hành động phi chuẩn.

Trường hợp của bị cáo Thiên Hà, luật pháp chỉ có thể trừng phạt cô ấy về hành vi giết người. Chúng ta không thể kết tội tư tưởng của cô ấy trước khi tư tưởng đó phát sinh ra một hành vi phạm luật cụ thể. Nhưng có thể thấy, tư tưởng lệch chuẩn nguy hiểm hơn cả vũ khí. 

* Xin cảm ơn ông!

Trung Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI