Thương tích

02/12/2020 - 05:06

PNO - Tôi lớn lên trong cảnh nhà rối rắm và quen với hoàn cảnh của mình đến mức tôi cũng tham gia diễn kịch để bên ngoài nhìn vào thấy gia đình tôi hạnh phúc trọn vẹn. Người ta nói giàu vì bạn sang vì vợ. Lẽ nào nhờ mẹ nhẫn nhục vô biên mà cha được làm sang?

Suốt thời thiếu nữ chứng kiến mẹ làm dâu và làm vợ chẳng khác gì tù khổ sai, tôi tâm niệm trong lòng sau này sẽ cố gắng đi làm kiếm tiền mua nhà rồi đón mẹ về ở với mình. Tôi sẽ giải thoát mẹ khỏi bà nội và cha. Mẹ sẽ không phải khóc nữa. 

Nghe tôi nói, mẹ bật cười dù đang giàn giụa nước mắt. Có lẽ giấc mơ hiếu thảo của tôi cũng an ủi được mẹ đôi chút. Nhưng tôi chưa kịp lớn khôn, chưa làm được gì thì mẹ đã ra đi. Tôi nghĩ mẹ mất vì buồn hơn vì bệnh.

Vậy đó, tôi lớn lên trong cảnh nhà rối rắm và quen với hoàn cảnh của mình đến mức tôi cũng tham gia diễn kịch để bên ngoài nhìn vào thấy gia đình tôi hạnh phúc trọn vẹn. Lẽ nào nhờ mẹ nhẫn nhục vô biên mà cha được làm sang? Tôi hay có những câu hỏi lẩn thẩn như vậy từ khi mẹ mất. 

Không còn mẹ, tôi chuyển sự quan tâm của mình qua đứa em gái. Giấc mơ về một căn nhà riêng vẫn nung nấu trong tôi. Tôi sẽ đón em về ở với mình. Tôi sẽ giải thoát em khỏi phải diễn kịch gia đình êm ấm, em không phải nói dối mắt mình đỏ hoe là vì bụi.

Nghe nói dạo này bà nội trước khi đi chợ hay hỏi em thích ăn gì, tôi cứ tưởng bà nội hối hận vì đã đối xử quá tệ với mẹ nên giờ đây bù đắp cho cháu. Nhưng rồi tôi hiểu ra chỉ là bà nội đang sợ cha sẽ rước về nhà một người phụ nữ-không-giống-mẹ-tôi. Đâu dễ để được là bà mẹ chồng quyền hành. Muốn có một nàng dâu hiền ngoan, trước hết chúng tôi phải ngoan hiền để người tử tế dễ xiêu lòng. 

Tôi sợ sự tính toán của bà nội quá đi mất. Tôi tự hỏi ngày trước bà nội đã diễn kiểu gì để mẹ lầm tưởng…


Bà nội và cha khiến tôi sợ hãi tự nhủ mình sẽ không lấy chồng. Tôi không muốn làm vợ, làm dâu ai hết. 

Nhưng rồi tôi gặp một người khiến trái tim tôi loạn nhịp. Trong đầu tôi nói “đừng” nhưng miệng tôi bật thốt đồng ý hẹn hò. Trong đầu tôi nói “không” nhưng những ngón tay cứ để yên cho người ta nắm. Tôi gồng mình trong nỗi chối từ mà đôi môi đón nhận nụ hôn… Ngày cưới tôi, em gái sụt sịt, chị cũng bỏ em mà đi như mẹ. Tôi khóc không ra nước mắt vì sợ nhòe son phấn cô dâu.

Hội bà tám ở công ty ngày nào cũng nhả ra một vài kinh nghiệm, như là mấy đứa đang yêu hãy cố tỉnh táo, đừng dại dột kể hết sự thật tệ hại của gia đình mình cho chồng nghe. Đường dài có khúc quanh co, biết đâu tới lúc chồng riết róng con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Vậy nên tôi giấu biệt.

Vậy nên chồng tôi cũng như thiên hạ ngoài kia chỉ thấy bà nội điềm đạm và cha đáng kính. Chỉ có em gái là ngủng ngẳng khó hiểu, em rạch ròi tỏ ra chỉ quan tâm tới chị mình thôi, ông anh rể chỉ là làn sương mờ lãng đãng. 

Chồng tôi nịnh nọt đủ kiểu, nào tặng sách, tặng vé xem phim, tặng phiếu mua hàng… để rồi em gái gửi cho tôi một tin nhắn hăm he: “Lấy lòng em vô ích. Nếu anh không tốt với chị thì sẽ phải bước qua xác em”. 

Tôi chìa tin nhắn cho chồng đọc. Anh cười ha ha, tưởng phải xây lâu đài trên cát hoặc mò ngọc dưới đáy biển sâu, chứ điều kiện chỉ là vậy thì dễ mà. Tôi xúc động muốn kể hết cho anh nghe điều khiến em tôi nặng lòng. Nhưng nhớ lời hội bà tám nên tôi nín lặng và bĩu môi cho anh thấy tôi chẳng tin vào lời có cánh của đàn ông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

*

Sáng Chủ nhật, tôi đang phân vân nên bày ra nấu nướng hay là dạo chơi mua sắm thì điện thoại reo vang, giọng em gái thất thanh: “Chị về nhà ngay đi”. “Có chuyện gì?”. Tôi hỏi. Em thúc hối: “Cứ về đi, đừng hỏi nữa”. 

Chồng tôi dắt xe ra cửa thì điện thoại lại reo vang như em gái vừa chợt nhớ ra: “Chị về một mình thôi, đừng cho chồng chị đi theo”. Trời, nếu em nói câu này từ khi nãy thì dễ, chứ lúc này chồng tôi đã đội mũ bảo hiểm và vui vẻ sẵn sàng chở vợ về thăm nhà, còn hỏi mình mua quà gì đây hả em. Thật là tiến thoái lưỡng nan.

Rồi tôi cũng nghĩ ra cách, đến trước cổng, tôi xuống xe và nói: “Hai chị em muốn được riêng tư cho nên anh đi chơi đâu đó, khi nào em điện thoại thì đón”. Tự dưng bị đuổi, chồng tôi che giấu nỗi hụt hẫng bằng miệng cười cười và trước khi phóng xe đi anh buông một câu vui vẻ: “Nói với em gái là anh không làm gì để phải bước qua xác ai đâu nghe”.

Tôi băng qua cổng. Xảy ra chuyện gì đến nỗi em gái biết là không nên để chồng tôi nhìn thấy. Nhưng còn gì tệ hại hơn những gì tôi từng chứng kiến trong ngôi nhà phong kín này? Tôi bước vào phòng khách. Bà nội đang lún người trong ghế bành, mặt mày xanh xám, tóc tai rối bù. 

Trước mặt bà nội là người đàn bà xinh đẹp mặc chiếc váy diêm dúa đang hướng đôi mắt kẻ chì đen khá đậm về phía tôi với miệng cười đỏ thắm: “Chào con gái”. Giọng bà ta ngọt ngào quá khiến tôi thoáng rùng mình. “Chào cô”, tôi đáp lễ. Người đàn bà cười khúc khích: “Chào dì mới đúng nghe con gái”. Kiểu nói năng này… 

Em gái tôi thập thò sau tấm rèm cửa ngăn giữa phòng khách và nhà trong. Nhìn thấy tôi, em vẫy tay lia lịa, mặt mũi thất thần. Khi tôi đến gần, em thì thào: “Người đàn bà này sáng nay gọi điện thoại cho nội, tự xưng là người yêu của cha và đang có thai. Bà nội giận dữ nói mấy câu rồi cắt nguồn điện thoại luôn để khỏi phải nghe. Rồi bà nội sai em kêu chị về để cả nhà cùng tính chuyện. Nào ngờ không gọi điện thoại cho nội được thì bà ta tới tận đây luôn. Còn xưng hô mẹ mẹ con con với nội nữa. Ghê quá!”.

“Cha đâu?”, tôi hỏi. Em gái lắc đầu: “Em không biết, dạo này cha hay đi hai, ba ngày mới về”.
“Mẹ à…”, giọng người đàn bà cao vút lanh lảnh khiến tôi và em gái giật mình cùng nhìn lại. Người đàn bà vừa nói vừa cười: “Nếu mẹ không đội trầu cau hỏi cưới thì cho con trăm triệu để phá thai với bồi dưỡng hay là đẻ cháu ra con sẽ giao cho mẹ nuôi. Suy nghĩ kỹ đi nghe. Chào mẹ”.

Vừa quay người ra cổng, bà vừa đưa tay vẫy vẫy về phía hai chị em tôi như một lời chào tạm biệt thân ái.

Chẳng biết nói gì làm gì, ai cũng thộn ra mà nhìn theo cho tới khi bà ta khuất dạng. Một lát sau, xoay trở người trong ghế bành như đã lấy lại được sinh khí, bà nội thở hổn hển: “Gọi điện thoại kêu ba tụi mày về đây ngay. Nhanh!”. 

Qua giây phút sững sờ, cảm giác hả hê dâng lên trong tôi khi chứng kiến bà nội cố tỏ ra quyền hành mà không giấu được sự luống cuống của nỗi kinh sợ. Sự xuất hiện của người đàn bà trâng tráo kia đã giáng một đòn chí tử có nguy cơ biến bà nội thành hạng hai và vỏ bọc bấy lâu sẽ rách toang. Hai người sẽ phải trả giá cho nỗi đau khổ triền miên của mẹ tôi.

Tôi mỉm cười. Tôi nhìn thấy miệng cười của mình trong đôi mắt của em gái. Nỗi oán giận thay mẹ tích tụ trong lòng tôi suốt bấy lâu đang nở thành nụ cười hả hê.
- Chị… chị cũng độc ác như bà nội và cha. 
Em gái kêu lên và đưa hai tay che mặt như để không phải nhìn thấy tôi. Rồi em bật khóc nức nở.

*
Chồng tôi hỏi sao dạo này em gái không đến chơi, có phải anh đã sơ suất gì không…

Không dễ băng bó vết thương do người thân cắt cứa, giờ thì tôi hiểu thấu. Tôi đang cố chữa lành vết thương mình gây ra cho em gái để tôi vẫn còn được là chị yêu của em. Và tôi nhận ra mình đã lấy cuộc đời đau khổ của mẹ làm kinh nghiệm để luôn xù lông nhím với chồng, luôn tỏ ra bất cần và sẵn sàng cho một cuộc chia tay không hối tiếc…

Tôi có đang gây thương tích cho cuộc hôn nhân của mình không? 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI