Thử thách của bà mẹ dốt công nghệ khi con học online

04/11/2021 - 10:30

PNO - Nghe con than chuyện kiểm tra giữa học kỳ, tôi giật mình. Mới đó mà chúng ta đã “chiến đấu” được một phần của đoạn đường cam go rồi sao?

Nhà tôi có hai học sinh, một đầu cấp II, một giữa cấp III. Lúc bắt đầu năm học, với sự kết nối của giáo viên chủ nhiệm, tôi tham gia hai group phụ huynh trên Zalo để nắm thông báo của nhà trường và tình hình học hành của hai con. 

Trên group Zalo lớp Sáu, có chị phụ huynh khẩn khoản: “Ba mẹ nào có kinh nghiệm gì để quản lý và giúp con học online thì chia sẻ cho em với? Em lo quá không ngủ được!”. Tôi không thấy ai hồi đáp tin nhắn đó. Tôi trộm nghĩ, ai cũng đang canh cánh như chị, nếu có tự tin với khả năng độc lập, tự giác của con trong chuyện học online chăng nữa thì cũng phải đợi “đường dài mới biết ngựa hay”.

Học trò thời 4.0, ngầm ngầm nổi loạn lúc nào không biết, ai dám nói đứa trẻ nào khôn ngoan bền vững. 

Nhiều cha mẹ căng thẳng khi con học online - Ảnh mang tính minh họa
Nhiều cha mẹ căng thẳng khi con học online - Ảnh mang tính minh họa

 

Thủ thỉ với con

Nhà chỉ có một cái laptop cũ, trước nay hai anh em dùng chung. Ngay ngày khai giảng, con gái nhanh tay giành máy. May thay, cậu em trai tôi dư chiếc máy tính mới toanh, nên con trai tôi vui mừng chọc: “Nhờ em mà anh có máy xịn”. 

Hồi tháng Tám - Chín, lúc còn đang siết chặt giãn cách, vận chuyển khó khăn, tôi đặt mua cái camera rời để gắn vào máy tính cho cậu anh trình diện dung nhan với thầy cô. Vậy mà mấy mẹ con trông đứng trông ngồi cả tháng mới nhận được. Dù sao thì phần thiết bị nghe, nhìn và đường truyền internet là ổn. Tập chưa mua được dùng tập cũ còn giấy trắng. Sách chưa mua được thì dùng sách online.

Không đầy đủ cũng là do thời dịch, không thầy cô nào bắt lỗi.

Tôi không chủ trương ngồi kè kè bên con. Cậu học sinh lớp 11 nhà tôi bước vào năm học mới với bạn bè cũ, lại có vài tháng học online trong năm học trước (COVID đợt ba) nên chỉ “chạy rốt-đa” một tuần thôi thì đủ “nóng máy”. Quan trọng là giới hạn thời gian sử dụng thiết bị của các con và định hướng nên xem gì phù hợp độ tuổi khi lướt nét. Cô nàng lớp Sáu hằng ngày tôi phải chỉ vẽ, thủ thỉ nhiều hơn.

Trường mới, bạn mới, cách học mới đã đành, cái đứa hoạt ngôn và thích chạy nhảy mà phải ngồi một chỗ đeo tai nghe nên con bé dễ bị “tuột mood” vì cảm giác thầy cô thiếu thân thiện, bài học khô khan.

Chưa kể, con phát biểu mà không được cô mời, bạn chat linh tinh trong giờ học hay đang học thì bị rớt mạng con cũng cáu. 

Các con học online tại nhà
Các con tôi uể oải khi học online tại nhà

 

Phải “mưa dầm thấm sâu”, động viên kiên trì nhẫn nại, tư duy tích cực, con bé đã từ từ nhận ra: Cô chủ nhiệm rất dễ thương, thầy công nghệ hình như thích gọi mấy đứa để hình avatar là nhân vật truyện Conan phát biểu, cô môn toán dạy được hơn tháng thì nghỉ sinh, cô khác dạy thay cũng không ảnh hưởng gì… Bạn bè mới, còn nhiều thời gian để thiết lập quan hệ, cứ giữ liên lạc với bạn bè lớp cũ đã.

Hốt hoảng khi nghe… ting ting

Bà mẹ “dốt IT giàu nữ tính” như tôi lúc đang làm việc, đang nấu cơm mà thấy tiếng ting ting của tin nhắn cô giáo gửi link cài đặt chương trình này kia, tôi đều phải réo con trai làm giúp. Còn các kiểu điền đơn này, phiếu nọ kèm deadline (thời hạn) thì cứ phải ưu tiên xử lý trước kẻo va vào việc khác lại quên. 

Tối đến, chưa kịp ngả lưng thì con nhờ mẹ quay clip môn thể dục dùm để nộp. Hỏi sao con không nhờ anh Hai quay ban ngày cho sáng sủa, con bảo: “Quay cho con, anh Hai cứ cười, con không tập được!”. Rồi tôi đành làm cameraman hứa với con không cười, nhưng nhìn con thực hiện bài tập theo hướng dẫn online của thầy bộ môn, tôi không kìm được tiếng cười trong bụng. 

Cả tuần nay, từ sau khi con bé bảo sắp kiểm tra giữa học kỳ I, mấy hôm liền 21-22 giờ mà điện thoại còn ting ting tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm. Nào là danh sách các em chưa nộp bài tập môn địa, danh sách các em chưa nộp clip môn thể dục… Hỡi ơi, cứ thấy có tên con mình trong group phụ huynh, tôi như tỉnh cơn buồn ngủ. 

Như con tôi, đêm đó quay clip xong nộp luôn, nhưng rồi cô bảo cô nhận mà không mở file ra xem được. Thế là mấy mẹ con lại cuống quýt tìm cách gửi lại. Chat với cô thể dục hơn 22 giờ, cô phân trần: “Mong phụ huynh nhắc nhở bé nộp bài đúng thời hạn như đã báo trên classroom để giáo viên kịp nhập điểm vào hệ thống. Trễ, hệ thống nhập điểm đóng lại, em cũng chịu thua”.

Có hôm nghe ting ting, phụ huynh hốt hoảng vì điểm kiểm tra trắc nghiệm môn sử - địa của tụi nhỏ toàn 2-3-4. Thì ra có 2-3 câu mở cô chấm riêng nên phần điểm thể hiện chỉ của trắc nghiệm thôi. Mà bài kiểm tra này chỉ là nháp, điểm số không tính.

Có anh phụ huynh hiểu ra, “tự thú” rằng: “Không có thời gian đọc email, chỉ thấy điểm 1 và 2. Sốc quá, tôi đã lôi thằng nhỏ ra xử!”. Sau đó là hàng loạt icon mặt cười “ha ha” của các phụ huynh khác. 

Ảnh mang tính minh họa
Nếu có một đàn con học online, bạn sẽ hiểu hết nỗi vất vả phân xử khi chúng chí choé tranh giành thiết bị, tranh giành không gian- Ảnh mang tính minh họa

 

Có gì mà căng?

“Cứ bình tĩnh và cười cái đã” thì mới đỡ căng thẳng, không làm các con thêm áp lực. Đó là điều tôi tự rút ra. Học online cũng là cách học sinh/giáo viên thích nghi với thời dịch. Tụi nhỏ vất vả một, phụ huynh nhọc nhằn hai, thầy cô và nhà trường càng không dễ dàng gì để dạy tốt và vừa lòng tất cả. 

Con đường mới mở ra chưa thể láng lẩy, song bằng cách chia sẻ, nhẫn nại và động viên nhau từng chút, tam giác phụ huynh - học sinh - giáo viên sẽ có thể cùng tiến bước. Kết quả học tập không phải là tất cả. Nỗ lực mới là điều cần ghi nhận. 

Tôi luôn nói với các con tôi thương các thầy cô vất vả biết bao trong năm học này. Mẹ tin các thầy cô cũng hiểu và thương học trò các con như vậy.

An Nguyên 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI