Học online, nên chăng giảm tải những môn chuyên biệt?

22/10/2021 - 08:57

PNO - Tò mò, tôi nán lại xem cuộc học online của cháu thế nào. Lớp học diễn ra hết sức tẻ nhạt, quanh quẩn chỉ bên trái, quay, bên phải.

Cách đây một tuần, tôi lên nhà mẹ chơi, thấy cháu gái lớp Ba đang học online trong phòng riêng. Đầu tiên là tiếng cậu lớp trưởng vang vang trên máy tính: “Bên trái, quay, bên trái, quay, bên trái, quay…”.

Cháu gái tôi đứng trước camera xoay người theo khẩu lệnh của lớp trưởng. Tò mò, tôi nán lại xem buổi học online của cháu thế nào. Đến phút thứ 10, tôi… chán quá, đành bỏ ra ngoài.

Trong vòng 10 phút, lớp học diễn ra hết sức tẻ nhạt, quanh quẩn chỉ bên trái, quay, bên phải, quay, hay “Bạn A. quay không đúng quy cách, quay lung tung…”. Tôi hỏi cháu: “Con có thích học online những môn này không?”. Con bé cười mủm mỉm: “Con thích học ở trường thôi.”

Học sinh cả nước đã học online được gần hai tháng
Học sinh cả nước đã học online từ tháng 9

Hiện nay, trong chuyên môn, ngành giáo dục gọi môn phụ là môn chuyên biệt. Chủ trương cũng là không phân biệt chính, phụ, môn nào cũng quan trọng như nhau, đều cần thiết cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện ngay từ khi còn nhỏ.

Nhưng trong bối cảnh học qua mạng thì sao? 

Một tuần sau, trên group địa phương, tôi thấy rộ lên việc các phụ huynh tranh luận về môn chính, môn phụ, và càng lúc, cuộc tranh luận càng “nóng”, khi không chỉ có phụ huynh, nhiều giáo viên cũng tham gia.

Theo dõi cuộc tranh luận, có thể thấy ý kiến chia làm ba phe: Phe chỉ trích, phe giải thích và phe… “thấy cũng tội nhưng thôi cũng…kệ”…

Phe chỉ trích cho rằng một số trường dành thời gian cho môn phụ nhiều quá, đến mức ép các con phải học lấn sang cả thứ Bảy và Chủ nhật. Các con theo đó cảm thấy rất mệt mỏi, vốn do việc học online chưa quen và chưa tạo được hứng khởi cho trẻ.

Nhiều phụ huynh than trời việc học với tình trạng “mạng” chập chờn, hết giáo viên rồi đến học sinh bị “văng” ra khỏi lớp. Rồi tình trạng bố mẹ đi làm, trẻ không có người kèm học online, lợi dụng giờ học để xem Youtube, Tiktok.

Cũng theo phản ánh của các phụ huynh, các môn phụ, cụ thể là thể dục không chỉ khiến trẻ mất nhiều thời gian, mà việc thầy cô, nhà trường yêu cầu phụ huynh vẫn phải sắm đủ quần áo, dụng cụ thể dục, mà chủ yếu để… cất tủ cho mới, cũng khiến họ đau đầu.

Lại trong giờ thể dục, giáo viên yêu cầu học sinh chạy cự ly ngắn trong căn buồng… 3 mét vuông. Chính vì thế, họ đề xuất: Nên chăng bỏ qua các môn phụ, để trẻ tập trung học các môn chính cho hiệu quả. 

Phe giải thích cũng quyết liệt: “Môn phụ hay môn chính, môn nào cũng là môn học. Thầy cô được trả lương để dạy đầy đủ tiết và kiến thức cho học sinh. Phụ huynh không coi trọng giáo viên dạy môn phụ thì hỏi làm sao mà học sinh coi trọng giáo viên đó được?” 

Cũng có ý kiến: “Thầy cô được hưởng lương thì phải lên lớp, giờ giảm tải môn phụ thì biết phân công họ vào việc gì đây? Ngồi chơi mà hưởng lương thì không được, mà phân công việc không đúng chuyên môn nghiệp vụ cũng không được. Học online vốn đã là một bất cập, nên nó kéo theo nhiều bất cập khác.” 

Bên cạnh những ý kiến nên chăng giảm bớt môn phụ, cũng nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm tích cực: “Ban đầu mình cũng nghĩ như vậy, nhưng khi đi vào thực tế và mình nói chuyện với con mình, con nói các môn phụ rất thú vị, nên tiếp tục duy trì môn phụ, cũng là điều tích cực để con được học mà chơi.” Củng cố thêm cho ý kiến duy trì môn phụ, một phụ huynh khác cho biết: “Các con tôi rất thích đến giờ học âm nhạc, vì được hò hát vui vẻ.” 

Phe “ba phải” thì: “Thôi cố gắng khắc phục, chứ nhà trường cũng chịu nhiều áp lực lắm chứ, giáo viên cũng căng thẳng. Trước dạy trên lớp thì chỉ cô với trò, nay dạy online, nguyên một, thậm chí hai phụ huynh kè kè bên cạnh.”

Trên thực tế, nhiều nhà trường trên cả nước đã có kế hoạch giảm tải chương trình học để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Và cũng nhiều trường, giáo viên áp dụng các phương pháp bổ sung môn phụ cho học sinh hiệu quả, như môn thể dục thì thầy cô ghi hình các động tác chuẩn rồi gửi lên nhóm của lớp, học sinh có thể áp dụng và tập bất cứ lúc nào. Đó cũng là một cách để khắc phục những mặt hạn chế của việc học online.

 

Phạm Gia Hân (Hà Nội)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI