Theo cha thả trâu trong rừng

25/07/2022 - 21:26

PNO - Sau khi đã sắp xếp, lo liệu xong chuyện đồng áng, vụ mùa, những người đàn ông sẽ đưa đàn trâu của gia đình vào khu rừng gần nhà thả hoang vài tháng. Năm sau mới đón trâu về.

Con trâu là đầu cơ nghiệp. Cách đây hơn chục năm về trước, làng tôi nhà nào cũng nuôi trâu. Nhiều thì bảy, tám con, ít cũng hai, ba con. 

Trâu giúp người cày ruộng, kéo gỗ, lấy phân… Người xem trâu là bạn, trâu cũng rất hiểu ý tứ của người. Đúng với tên gọi, “thả trâu” chính là để cho trâu tự do, không chăm sóc, cung cấp thức ăn, nước uống.

Sau khi đã sắp xếp, lo liệu xong chuyện đồng áng, vụ mùa, những người đàn ông sẽ đưa đàn trâu của gia đình vào khu rừng gần nhà thả hoang vài tháng. Đến vụ mùa năm sau, khi cần sức cày sức kéo, mọi người mới vào rừng tìm đón trâu về.

 

Hồi ấy, mạn đông phía làng tôi có một cụm rừng mênh mông cây và rất xanh. Nhớ những lần, tôi theo cha vào rừng thăm trâu, tôi như vỡ òa bởi trước mắt mở ra một thế giới thiên nhiên hoang dã. Cha luôn đi trước, dùng tay hoặc rựa để vạt bớt cây về hai phía, lúc đó tôi mới có thể bám vào bóng áo nhấp nhô của ông mà đi sâu vào rừng. 

Chúng tôi đến bên cạnh một bờ nước. Mọi thứ đẹp như một bức tranh. Cha bảo đây không phải là con suối nhỏ mà chính là một nhánh thuộc thượng nguồn của con sông lớn. Cha ngồi lên một tảng đá lớn, tôi ngồi xuống cạnh bên.

Cha nhìn bóng mặt trời rọi xuống mặt nước rồi bắt đầu mở cơm nắm ra ăn. Bữa trưa của hai cha con đạm bạc, chẳng có gì ngoài những nắm cơm trắng, muối vừng, muối ớt được mẹ gói kỹ bằng lá chuối tươi.

- Cha ơi, tại sao nhà nào cũng đưa trâu vào rừng thả mà không sợ mất vậy? - tôi hỏi.
- Ừ con, cha cũng không biết rõ nhưng từ đời cố nội, ông nội đã nuôi trâu. Người đi trước họ đưa trâu vào rừng nhờ thần rừng trông hộ, thì thế hệ sau này cũng cứ vậy mà làm theo.

- Nhưng cả cánh rừng mênh mông thế này, nếu mình muốn đón trâu về thì biết trâu ở đâu mà tìm?

- Mỗi đàn trâu luôn có những khu vực quen thuộc để lui tới. Như trâu làng mình thì có Rào Trù, Rào Vịnh, Rú Lịnh, Rú Mốc… Đi chỗ này không gặp thì mình tìm qua chỗ khác…

 

Cha kể thêm về những lần trong làng có gia đình bị lạc mất đàn trâu gần chục con. Họ phải huy động người thân, làng xóm chia nhau ra tìm. Từng bờ suối, triền rừng đều bị xáo tung. Với sự giúp sức của nhiều người, đa số các trường hợp mất trâu đều tìm lại được. Những lúc đó không phải do bầy trâu đi xa, hay bị ai đó trộm mất. Chúng bận quanh quẩn mãi ở một khu vực để ngó nghiêng, hỗ trợ cho một con trong bầy gặp nạn. Có thể một chú trâu nào đó đã bị sập hầm hoặc một con trâu mẹ nào đó đến kỳ lót ổ, sinh con. Trâu phải tìm đến một nơi nào đó thật kín đáo, yên tĩnh để bảo vệ sinh linh nhỏ bé mới chào đời. 

Sau này, cánh rừng nguyên sinh gần nhà được chính quyền chuyển đổi thành rừng dân sinh. Những con suối bị lấp đi, những cây dây leo, cây bụi, cây lấy gỗ tự nhiên được thế chỗ bởi những tràm, rừng cao su chung màu xanh của một vài loài lá. 

Những ngày mới chuyển đổi, người nuôi trâu trong làng chưa quen. Mọi người vẫn để trâu đi hoang trong rừng thế là bị chủ rừng bắt nhốt, báo tiền chuộc lên đến vài triệu đồng mỗi con. Họ bảo trâu dẫm đất, trâu phá cây nên yêu cầu bồi hoàn kinh phí để gầy rừng trở lại. 

Tôi nhớ mãi lần đàn trâu nhà mình bị cột. Vì không thương thảo được giá chuộc nên ba định gả đi một chú trâu để có thể đón những chú còn lại về nhà. Đêm đó, mẹ lặng im, ba gác tay lên trán vẻ mặt suy tư như già thêm vài tuổi, ngoài vườn, xào xạc những cơn gió đêm…

 

Rồi, ba cũng đón được đàn trâu về mà không chú trâu nào bị gá nợ. Tuy nhiên, mãi những vụ mùa sau nhà tôi vẫn còn phải chịu cảnh bán lúa non. Áo đẹp, cơm ngon, sách vở đi học của mấy chị em được mẹ gói ghém, dè sẻn đến mức tối thiểu. 

Bây giờ, người nông dân quê tôi không còn cậy sức trâu để kéo cày làm ruộng, mọi đầu việc đã cơ giới hóa bằng máy móc. Vậy nhưng, tôi thật vui bởi mỗi lần về thăm làng vẫn nghe đâu đó tiếng mõ trâu đang đều đều gõ nhịp… 

Thi Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI