Thế giới bao la trong căn phòng trọ nhỏ

15/09/2021 - 06:00

PNO - Ba thế hệ quây quần ấm cúng nên con ít than vãn cảnh “bị nhốt” trong nhà, không nghe con đòi gọi điện thoại cho bạn. Đôi lần, con thỏ thẻ: “Con mong mau hết dịch để được đi học lại”.

“Con ráng học, lớn lên đi làm người mẫu, có tiền mua nhà lầu ba tầng. Con sẽ ở tầng cao nhất, có ti vi bự nhất, có tủ kính, có giường, gấu bông, nuôi mèo hoặc chó. Hai tầng dưới thì cha, mẹ, cậu Hai và bà ngoại ở, phòng nào cũng có ti vi nhỏ hơn một chút” - bé Nguyễn Ngọc Phương Trinh (9 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) hào hứng phác thảo bức tranh tương lai.

Nụ cười ngây thơ, hồn nhiên và dự tính tươi đẹp của con mang lại sinh khí cho cả nhà trong những ngày giãn cách.

Sáng ngủ dậy, bé cùng cậu Hai chia nhau mỗi người một góc trong căn nhà trọ nhỏ để tập thể dục, vừa tăng sức khỏe chống vi-rút, vừa giữ gìn “sắc vóc”.

Chiếc giường có khi bị “người mẫu nhí” tạm chiếm để làm trò sải bước biểu diễn hay khoác mền, choàng khăn, nhảy múa tưng bừng. Những lúc ấy trông bé tinh nghịch, sôi nổi khác hẳn với vẻ thùy mị, nhu mì ngày thường. Đây cũng là cơ hội để bé chia sẻ với mẹ cha quan niệm về đẹp và kể tên những thần tượng.

Bé Phương Trinh và mẹ Yến Linh “tranh tài” lùa bánh từ trán xuống miệng
Bé Phương Trinh và mẹ Yến Linh “tranh tài” lùa bánh từ trán xuống miệng

Thấy ti vi chiếu trò gì vui vui hay hay, bé liền triển khai. Có khi cả nhà hồi hộp cổ vũ cho trò thử thách ăn bánh: ngửa mặt, để miếng bánh trên trán và khéo léo cân bằng, nhẹ nhàng, nhanh chóng lần miếng bánh xuống miệng mà không sử dụng tay.

Không biết Phương Trinh có lén tập luyện cho thuần thục hay không mà chơi ván nào cũng ăn (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Miếng bánh của mẹ Yến Linh toàn rớt vèo xuống nệm còn Phương Trinh thì liên tiếp lùa gọn, nhai nuốt ngon lành. Cứ mỗi khi “buồn miệng” là con lại rủ mẹ chơi...  

Hết trò lắc bánh, bé lại làm điệu cho mẹ. Mái tóc dài mượt mà của mẹ, bé khéo léo thắt được bím “đuôi cá”, chỉ với lời hướng dẫn đơn giản của mẹ là “chia tóc ra làm ba, đưa tóc bên trái qua phải, phải qua trái, xen kẽ nhau”.

Lần đầu còn lọng cọng, các lần sau, bé thắt nhanh và suôn đẹp, cân đều. Chỉ tiếc là đang mùa dịch, mẹ không có cơ hội ra ngoài để khoe “siêu phẩm”. Nếu người lớn không chơi chung, bé cũng “đâu rảnh để mà giận”.

Có em búp bê luôn chờ chị Phương Trinh lựa cho áo mới, rồi bộ xếp hình... Quyển sách thiệt bự cha mua hờ để dành tô màu suốt mùa dịch nhưng chỉ một buổi là bé đã xử xong. May là có số tập lãnh thưởng hồi cuối năm, bé tự vẽ, tự tô màu, cũng thú vị chuỗi ngày ở nhà tránh dịch. 

Mấy tháng qua, cô bé bội thu về học, không chỉ đọc trước bộ sách lớp Bốn mà còn học gõ bàn phím máy vi tính, học tiếng Anh, thuộc nhiều bài hát hay.

Khả năng thẩm âm và nhận xét, đánh giá của bé cũng được nâng tầm khi hễ cha hoặc cậu Hai ca thì bé nhăn mặt kêu “đừng” còn mẹ Yến Linh cất giọng thì bé chăm chú lắng nghe (mẹ vốn đi hát cải lương và dòng nhạc đồng quê). 

Bé có một quyển album rất quý, cất riêng một nơi đặc biệt, thỉnh thoảng lại giở ra xem. Thật ra chỉ là hình bé lúc nhỏ, các chặng đường từ sơ sinh, học mẫu giáo…

Bên bà, bên cha mẹ, bé nũng nịu chỉ vào hình, hỏi đi hỏi lại những câu quen thuộc: “Hồi mới đẻ, con được mấy ký, con có khóc không, con có ngoan không, tấm hình này là lúc con mấy tuổi?”.

Trẻ em thường thích xem hình cô dâu chú rể rồi giận dỗi sao cha mẹ làm đám cưới mà không thấy con, Phương Trinh thì thích ngắm mình thôi. Cũng như chỉ quan tâm những câu chuyện kể từ khi mình chào đời. Chắc chắn rồi, khi có “cục vàng”, gia đình vui nhộn hơn hẳn.

Ba thế hệ quây quần ấm cúng nên con ít than vãn cảnh “bị nhốt” trong nhà, không nghe con đòi gọi điện thoại cho bạn. Đôi lần, con thỏ thẻ: “Con mong mau hết dịch để được đi học lại”.

Nhắc đến trường lớp, mẹ ôn lại kỷ niệm “khó đỡ” lần mẹ rước con đầu tiên cũng là lần duy nhất cho đến thời điểm này dù con đã có “thâm niên” năm năm đi học, tính cả hồi mẫu giáo. 

Mẹ không biết chạy xe máy nên vào một buổi chiều, cha - người chủ lực rước con - lại bận đột xuất nên mẹ đi bằng xe buýt. Đến trường, đúng giờ đánh trống, học sinh ùa ra như ong vỡ tổ, mẹ không biết tìm con ở đâu, chẳng biết con thuộc lớp Ba mấy, lại quên mang điện thoại để gọi hỏi cha.

Đến khi sân trường thưa thớt, mẹ nghe tiếng gọi: “Mẹ, con đây nè! Nãy giờ con đợi quá chừng. Con đứng ở góc này, ngay cây cột. Cha dặn con đứng đây”. Dù mẹ xin lỗi rối rít nhưng con vẫn ấm ức trên đường về… 

Mới mấy tháng, không phải đã quên mà con gái cưng đã bỏ qua “chuyện nhỏ”. Mẹ lại xin lỗi con và hứa sẽ không thờ ơ, vô tâm vậy nữa. Hai mẹ con mỉm cười, lại bày trò chơi chung. 

 

Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI