Tặng quà cho giáo viên là... hối lộ?

17/11/2020 - 05:35

PNO - Tôi là một bà mẹ, cũng là một giáo viên. Tôi không phản đối chuyện ngày Nhà giáo Việt Nam học sinh tới thăm thầy cô, mang theo những gói quà nhỏ.

Nghề giáo được nghỉ hè vẫn có lương, nghề giáo so với các cơ quan hành chính sự nghiệp khác thì lương bổng có vẻ ổn hơn. Ai cũng nói vậy, mà cũng đúng vậy thiệt. Nhưng mấy năm nay, nghề giáo bị soi mói quá nhiều, một hai trường hợp không tốt đẹp được phanh phui, và người ta sẵn sàng “chụp mũ” cho một đội ngũ.

tác giả  ( ảnh nhân vật cung cấp)
Tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn trên bục giảng (ảnh nhân vật cung cấp)

Ngoài những ưu tiên vừa kể, giáo viên cũng có cái khó của mình. Giáo viên bây giờ lên lớp không dám la mắng học sinh, giáo viên sợ phụ huynh chặn đường, giáo viên sợ dư luận, sai một ly, bị nâng quan điểm cho đi… một dặm.

Giáo viên, công việc “kỹ sư tâm hồn” đâu phải chuyện dễ, đó là chưa kể bao nhiêu việc không tên bên cạnh dạy dỗ, rồi bao nhiêu trăn trở khi học sinh lầm đường lạc lối. Thầy cô chỉ một lòng một dạ muốn học sinh của mình được phát triển tốt đẹp nhất.

Vậy thì một món quà trong ngày Hiến chương nhà giáo, sao chúng ta lại nghĩ nhiều đến chuyện tiêu cực?

Tôi chẳng tin vì một món quà nhỏ, giáo viên có thể biến điểm 0 thành điểm 10. Nhiều lúc tôi cứ ước hãy để ngày 20/11 tự nhiên như ngày xưa. Ngày tôi còn là học sinh (những năm 1990), cứ đến tháng 11 lại nao nức bồi hồi bởi những lời ca, giai điệu viết về nhà giáo. Rồi ngày 20/11 chúng tôi rủ nhau đến thăm thầy cô, chẳng còn khoảng cách nào nữa, cô trò nói chuyện, đùa giỡn rất vui. Và cho tới bây giờ, nó đã trở thành những hồi ức đẹp đáng nâng niu.

Nhưng rồi mấy năm nay, trước ngày 20/11 giáo viên lo dặn học sinh đừng tặng quà cho thầy cô. Mới hôm qua đây, con trai tôi về nói: “Mẹ ơi, thầy cô dặn 20/11 đừng tặng gì, sao vậy mẹ?”. Tôi trả lời bây giờ người ta không cho học sinh tặng quà thầy cô trong ngày 20/11 nữa, lý do vì sao mai mốt lớn con sẽ hiểu.

Cô chị họ nhà bên đang học lớp 12 nói thêm vô: “Năm ngoái lớp cháu mua con gấu nhỏ nhỏ xinh xinh đem lên lớp tặng, mà cô giáo cũng nhất định không nhận, cô từ chối làm cả lớp buồn hiu luôn”.

Cô Nhàn chấm bài bằng đèn dầu trong cơn bão số 12 năm 2020
Cô Bích Nhàn chấm bài cho học sinh bằng đèn dầu trong cơn bão số 12 năm 2020

Tôi không quan niệm nhận quà của học sinh là nhận “hối lộ”. Vì từ khi trở thành cô giáo vùng cao, từ cái thời quà cáp chưa bị lên án, cho đến ngày kêu gọi 20/11 chỉ được tặng hoa, thì tôi và cô đồng nghiệp thân thiết của tôi đều thống nhất ý chí: học trò tặng gì nhận nấy, từ cục xà bông tắm, cái hoa nhựa, cây bút, quyển sổ, chiếc khăn len đến bộ bình ly đất…

Nhận quà, tôi vui vì nghĩ học trò vui, và thấy hạnh phúc vì mình may mắn là một nhà giáo được học sinh yêu mến.

Tóm lại, tôi hoàn toàn ủng hộ việc quy định đừng tặng quà cho thầy cô nhân ngày 20/11. Không được để món quà mang giá trị tinh thần lại thành cái cớ để “hối lộ” giáo viên. Nhưng nếu cứ sát rạt nghĩ, hễ giáo viên nhận quà của học trò là có âm mưu “bất chính”, thì tội giáo viên thật.

Tôi là một bà mẹ, cũng là một giáo viên. Tôi cũng không phản đối chuyện ngày Nhà giáo Việt Nam học sinh tới nhà thăm thầy cô, mang theo những gói quà nhỏ. Sao ta không nghĩ những phút giây hiếm hoi thầy/cô và học trò nói chuyện trong tâm thế thoải mái, cởi mở như vậy sẽ có lợi cho mối quan hệ thầy - trò ?

Còn quà, các em tặng thầy cô quà gì thì nên là sự sắp xếp của phụ huynh. Hành động đó của cha mẹ cũng đã gián tiếp dạy con đạo lý “Trọng thầy mới được làm thầy”, và giúp con hiểu “giá trị của món quà chỉ nằm ở cách tặng”. 

Nguyễn Thị Bích Nhàn

(Giáo viên Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI