Tạm biệt mẹ con vào công ty

26/08/2021 - 05:16

PNO - Có bữa nửa đêm thức giấc, nghĩ mình chăn êm nệm ấm, con còn thức miệt mài làm việc, nước mắt tôi lã chã rơi, thương con đến xót lòng.

Công ty dược phẩm của con trai tôi thực hiện sản xuất ba tại chỗ. Tôi luýnh quýnh soạn đồ cho con mang đi. Không chỉ quần áo, xà bông, kem đánh răng… tôi còn mang dầu gió, thuốc cảm, tiêu chảy, vitamin C…

Ông xã tôi đi tới đi lui, nhìn bãi chiến trường tôi đang soạn sành, nhắc: “Mang cục sạc điện thoại cho con”, “Có đồ cạo râu chưa?”, “Đem tăm xỉa răng, băng cá nhân cho nó”… Nhìn va li chật căng, con tôi la trời: “Con đi 14 ngày, công ty cho ở khách sạn, đâu có thiếu gì, mẹ đem chi dữ”. Tôi gạt đi, cứ mang phòng hờ, khi cần thì có dùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công ty cách nhà hai chục cây số nhưng cảm giác tiễn con y hệt lúc xưa con đi học xa nhà: lo lắng, ngậm ngùi, thương xót. Nhìn con quyến luyến hôn em gái, dặn em ở nhà ngoan, lo làm bài tập, vài bữa anh Hai về… nước mắt tôi chực rơi. Con trai 24 tuổi, nhỏ gì nữa, nhưng rời vòng tay mẹ, thì bà mẹ nào không thấp thỏm lo, nhất là đang lúc dịch giã căng thẳng như thế này.

Tôi "lệnh" cho con 14 ngày này phải kiếm cho được con dâu: "Ăn ở làm việc cùng nhau, cơ hội này là để có bồ nhé con". Con cười khùng khục: “Mẹ làm như dễ lắm ấy”.

Con làm việc theo ca, khi ca ngày, lúc lại ca đêm. Ngày nào xuống ca con cũng gọi điện về nhà. Loanh quanh mấy câu hỏi: “Nhà có gì mới không mẹ?”, “Ba hết nhứt đầu gối chưa?”, “Mẹ đặt đồ ăn được không?”… Con gái Út líu lo kể có con mèo hoang ở đâu về nhà mình, đẻ 6 mèo con ngoài gốc mận, "tụi nó" có chút xíu thấy thương lắm. Bữa nay mẹ làm bánh ít trần nè, mà không có anh Hai ở nhà nhồi bột…

Chồng tôi kiệm lời, nhưng lần nào mấy mẹ con gọi Facetime cũng ghé mắt vào nhìn mặt con, hỏi: “Nay coi bộ ốm vậy con, có xuống kí không?”, “Mặt mài râu ria dữ vậy, sao không cạo đi?”…

Ngày nào mấy mẹ con cũng trò chuyện cả buổi, vậy mà có bữa gần đi ngủ, lại thấy con gọi. Tôi hốt hoảng hỏi: “Có chuyện gì không con?”. Thằng nhỏ cười, tỉnh rụi: “Con không ngủ được, gọi mẹ nói chuyện chơi thôi”. Biết nó nhớ nhà, lòng rưng rưng thương nhưng không dám chạm tới, sợ con mềm lòng. Có bữa nửa đêm thức giấc, nghĩ giờ này mình chăn êm nệm ấm, con còn miệt mài làm việc, nước mắt tôi lã chã rơi, thương con xót lòng.

Vài ba hôm, con nói “thèm bún riêu mẹ nấu”, khi thì “con thèm bánh xèo”, “ước gì giờ này có tô hủ tiếu”… Hồi ở ký túc xá, dù ăn uống kham khổ nhưng con thèm này thèm kia có thể chạy ù ra quán. Lúc này, muốn gửi đồ ăn cho con cũng đành bó tay.

Sắp hết 14 ngày, tôi đặt mua cua xay, giò heo, hải sản… chuẩn bị mọi thứ để thằng con háo đói về nhà thì nấu lẩu, bún riêu, đổ bánh xèo cho nó ăn cho đã cơn thèm. Đùng một cái, lại tiếp tục giãn cách, “ai ở đâu ở yên đó”.

Chồng tôi an ủi, khó khăn lúc này là của chung xã hội. Ngành dược của con càng phải đảm bảo sản xuất tốt. Con tôi thì cười tỉnh rụi: “Lãnh đạo công ty động viên tinh thần, CDC cũng qua kiểm tra thường xuyên, test cho mỗi tuần. Con nghĩ ở lại làm mới an toàn”. Tôi chảy nước mắt, con lớn thật rồi.

Những lúc dịch giã thế này mới thấy trân quý những điều bình thường: đi học, đi làm bình thường, ra đường tự do thoải mái. Giờ tôi chỉ mong sao sớm hết dịch, nhà nhà bình yên, để con trai tôi được về nhà ăn cơm mẹ nấu...

                                                                                                                                                                                                                                            Thuỳ Gương

   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI