Đàn ông cũng được quyền…khóc

24/08/2021 - 05:57

PNO - Anh nghiệm ra, cuộc đời là vô thường, hôm nay thắng ngày mai có thể sẽ thua, quan trọng là biết đứng dậy thế nào.

Sau ngày ra trường, anh bén duyên với nghề kinh doanh bất động sản. Nhà hư nát, anh mua rồi sửa chữa tinh tươm, bán lại rất hời. Lâu lâu họp lớp, bạn bè thán phục anh có tài, tầm nhìn xa. Từ lúc xảy ra dịch COVID-19, nhiều người bán tháo nhà đất. Anh ham rẻ, lại tin tưởng dịch sẽ qua, kinh tế sẽ phục hồi nên gom hết vốn liếng mua vào.

Rồi chính anh cũng không cầm cự nổi khi dịch kéo dài, người bán nhiều hơn mua. Lãi ngân hàng tháng nào cũng phải đóng. Vợ con tháng nào cũng cần tiền chợ, tiền học. Trước giờ anh luôn chu cấp rộng rãi cho ba má ở quê. Các cháu cần tiền mua xe, đóng học phí… anh đều đưa tay giúp đỡ.

Anh có một căn nhà ở vị trí đắc địa, để dành chờ giá lên vì lúc mua đã khá đắt, giờ đành bấm bụng bán lỗ. Anh gặp phải kẻ lừa đảo cao tay, vừa đặt cọc đã mang sổ đỏ đi cầm. Anh phải vất vả kiện tụng để đòi lại. Chưa bao giờ anh thấm thía mùi vị thất bại như lúc này. Cảm giác mình bất tài, kém cỏi khiến anh nhụt chí.

Vợ anh âm thầm cắt giảm chi tiêu. Thằng Út đòi ăn tôm hùm, vợ bảo: “Khi khác đi con”. Thằng lớn đòi mua điện thoại, vợ rầy: “Thời buổi khó khăn, con phải tiết kiệm”. Anh nóng mặt, gầm lên: “Là lỗi của anh, anh vô dụng nên mẹ con em khốn khổ chớ gì?”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vợ sững sờ nhìn anh, nước mắt lăn dài. Từ ngày ăn nên làm ra, anh và vợ ít khi trao đổi, nói đúng hơn là anh không có nhu cầu trao đổi với vợ. Chuyện làm ăn của đàn ông, đàn bà xen vào chỉ… rách việc. Giờ anh thất bại, nhìn cách vợ lặng lẽ thu vén, anh ngậm ngùi thương.

Trong lúc anh chạy đông chạy tây tìm cách cứu vãn tình thế thì khu phố anh ở bị phong tỏa, anh thật sự bế tắc. Anh gọi thằng bạn thân, mượn ít tiền. Anh không ngại kể bạn nghe khó khăn hiện tại. Bạn liền chuyển tiền cho anh.

Sau đó, không hiểu sao bạn kể lại với cô bạn trong nhóm. Cô bạn liền gọi anh nhưng anh đã tắt máy. Cô bạn liền nhắn tin lên nhóm hỏi xin số tài khoản của anh. Thế là cả nhóm nhảy vào hỏi anh bị gì, tình trạng ra sao? Bạn bè thông cảm, tới tấp chuyển tiền cho anh.

Tối đó mở điện thoại, anh giật cả mình. Cảm giác bẽ bàng khiến anh mất kiểm soát. Anh gọi thằng bạn, cay đắng: “Ông làm vậy khác nào giết tui”. Anh khóa máy, tâm trạng rối bời. Từ nay anh làm sao dám gặp bạn bè? Số tiền làm sao trả lại cho xuôi?

Vợ dường như biết chuyện, khẽ khàng bảo: “Bạn bè chỉ quan tâm anh thôi. Em còn ít tiền để dành, còn nữ trang có thể cầm cự một thời gian, chờ bán được đất. Tiền của bạn bè, đợi nhà họ có cưới gả, mình gửi tiền mừng nhiều chút, coi như trả ơn. Anh đừng quá lo”. 

Câu nói của vợ khiến anh bừng tỉnh, sĩ diện hão rơi xuống. Má cũng điện lên, nói: “Bây khó khăn sao không nói với má. Tiền bây cho trước giờ, má còn để nguyên đây, để mai má kêu con Út gửi lên. Đừng nghĩ bậy nghen con”.

Nhỏ Út thì dặn: “Nhắm không ổn thì về quê nghe anh Hai. Má nói còn mảnh vườn, chừa cho anh chị”.

Mấy cậu bạn thì nhắn tin: “Ai cũng có lúc thất bại, không sao, hết dịch thì làm lại”, “Tụi mình từng ăn chung một đĩa cơm, mặc chung cái áo mày không nhớ sao mà còn tự ái này nọ”, “Tiền tụi tao có cho không đâu mà lo. Chừng nào mày ngon lành, đãi lớp mình chầu ngon là được”…

Là đàn ông thì không nên khóc, nhưng lúc này anh nghe mắt cay cay, rồi nước mắt cứ thế lặng lẽ chảy…

Gia đình luôn ở đó, bạn bè luôn ở đó, cạnh bên anh; chỉ có anh bấy lâu luôn ảo tưởng mình đứng cao hơn mọi người.

Anh nghiệm ra, cuộc đời là vô thường, hôm nay thắng ngày mai có thể sẽ thua, quan trọng là biết đứng dậy thế nào. Và trong lúc thắng cũng phải chuẩn bị sẵn tâm thế cho ngày mình sẽ thua để luôn sống khiêm cung, sẻ chia và đồng cảm. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI