Sự thật về một người cha "yêu thương" con

16/09/2016 - 14:35

PNO - Cha hơn 50 tuổi, con mới lên bốn, cha già con mọn bị chia cách vì người mẹ đã ôm con đi khi vợ chồng mâu thuẫn.

Nhắc đến chuyện mấy tháng ròng, đứa con trai bốn tuổi có dấu hiệu bị tự kỷ của mình không được đi học, không được cô giáo hỗ trợ tâm lý, rồi nghĩ đến chuyện vài ngày tới là sinh nhật của con, được cha tặng bánh kem chắc nó sẽ mừng lắm… người cha ấy chạnh lòng bật khóc. Cha hơn 50 tuổi, con mới lên bốn, cha già con mọn bị chia cách vì người mẹ đã ôm con đi khi vợ chồng mâu thuẫn

Quay clip để làm bằng chứng?

“Nghe nói vợ tôi bỏ đi, ai cũng cho là cô ấy dại. Cô ấy sung sướng thế mà không biết hưởng. Từ sau khi cưới nhau, về nhà mẹ tôi ở, vợ tôi không phải làm gì, tôi và gia đình tôi lo hết. Vậy mà cô ấy không biết giữ lời ăn tiếng nói, thường xuyên chửi chồng, cuộc sống chung rất căng thẳng. Ngày mới quen nhau cô ấy có vẻ nhẹ nhàng, biết điều, nhưng giờ thay đổi quá nhiều.

Cô ấy còn ghen tuông, vu khống tôi thuộc “thế giới thứ ba”, mê trai mà không thông cảm cho tôi vì công việc, vì đồng tiền nên phải luôn xởi lởi, vui vẻ với khách hàng nam. Sau khi bắt con đi, cô ấy còn nặng lời với tôi: “Tao không ly hôn mày, tao là… chó”. Người thô lỗ vậy thì đâu còn gì để luyến tiếc, nên tôi đã nộp đơn ly hôn. Người mẹ như thế cũng không thể giáo dục con tốt được” - anh Hoàng Khanh* (Q.3, TP.HCM) không tiếc lời chê trách vợ.

Anh còn mở những clip trong điện thoại để chứng minh mình “nói có sách, mách có chứng”. Sau khi vợ anh - chị Kim Châu, đưa con về nhà chị ở xã Bình Lợi (H.Bình Chánh, TP.HCM) anh đến thăm con thì chị tìm cách hạn chế không cho con tiếp cận với cha. Chị kéo con ra khi thằng bé với tay về phía ống kính quay phim, khi anh đang “tác nghiệp”. Thoạt nhìn cảnh này, ai cũng thấy bức xúc cho anh.

Quay phim chưa đủ, anh còn ghi âm để lột tả hết tình cảnh ngang trái, xót xa của người cha đến thăm con, quan tâm con nhưng người mẹ cứ “cản mũi”. Đoạn ghi âm thể hiện rõ, chị đã dùng những lời lẽ khiếm nhã để phản đối khi anh cứ xấn tới cắt tóc con. Anh là thợ cắt tóc, thấy ai đã cắt tóc con “như chó táp”, nên lấy đồ nghề ra chỉnh sửa thì chị không cho, cố kéo con ra, cứ thế giằng co, kéo đẩy cậu bé.

Trong clip, ghi âm, anh thể hiện lời nói, hành động đúng mực, có phần thụ động, bất lực trước những phản ứng quá khích của chị. Những đoạn phim còn được anh dùng để minh chứng cho việc chị Châu vứt thằng bé cho người chị tâm thần nuôi trong nhà, mở ti vi xem suốt. Điều này là tối kỵ đối với một cậu bé có dấu hiệu tự kỷ (?!).

Anh Khanh bức xúc nói: “Năm ngoái, các cô ở trường mầm non nơi bé học phát hiện bé có dấu hiệu tự kỷ (có giấy xác nhận của nhà trường). Sau khi được can thiệp, hỗ trợ, bé đã có những tiến triển đáng mừng. Vậy mà cô ấy lại đem con về tận Bình Chánh, việc học hành bị gián đoạn. Biết bao giờ tòa án mới xử để đưa bé về lại nhà tôi, để đi học cho gần và can thiệp điều trị cũng thuận tiện. Giờ nhìn con mà tôi muốn chảy nước mắt. Đáng lo nhất là bé ngày càng có biểu hiện bất thường như nhút nhát, nói chuyện một mình, cứ lặp lại lời của người khác, có những hành vi vô cớ. Cứ thế này, chẳng biết tương lai con tôi sẽ ra sao”.

Một thời gian ngắn sau khi trực tiếp nhờ phóng viên can thiệp, anh Khanh gọi điện cho chúng tôi, giọng đầy tiếc rẻ, rằng chị Kim Châu đã đưa bé đi học ở một trường gần nhà chị. “Con anh được đi học là tốt, sao anh không hài lòng?” - chúng tôi hỏi. Anh Khanh trả lời: “Cô ấy làm động tác đó chỉ để đối phó với tôi, cố giành con cho bằng được.

Cũng như cô ấy mở quán tại nhà, chỉ để chứng tỏ đang có công ăn việc làm chứ thực ra thu nhập chẳng là bao vì ở quê, đường sá vắng teo, mấy người vào ăn uống”. “Thế từ khi con về Bình Chánh, anh có hỗ trợ tài chính để chị nuôi con không?”. “Tôi đem quà, sữa… xuống hoài”.

Bé đang được sống với một người mẹ chu đáo

Trao đổi với chị Kim Châu, chúng tôi được biết, từ lúc chị đưa con đi và cả trong khoảng thời gian chung sống trước đây, anh Khanh rất ít quan tâm đến con, cả về vật chất lẫn tinh thần. Gia đình anh được mẹ anh bảo bọc phần ăn uống, sinh hoạt, nên hầu hết tiền làm được anh dành tiêu xài riêng, vui chơi với bạn bè.

Su that ve mot nguoi cha
Anh Hoàng Khanh ghi hình lại, làm chứng cứ nộp tòa để giành quyền nuôi con

Chị Châu vừa trực tiếp nuôi con vừa nhận hàng làm gia công, đóng gói thuốc Đông y để kiếm tiền cho con học hành, khám bệnh (cháu thường mắc bệnh hô hấp khi trở trời).

Theo lời chị Kim Châu và qua xác minh tại địa phương, hàng xóm của chị, lẫn họ hàng của anh Khanh, chúng tôi nhận thấy, chị mới là người thực sự chịu thương chịu khó chăm sóc con: cho ăn ngon, mặc lành, sạch sẽ, phòng bệnh tật, dạy con biết kính trên nhường dưới…

Với nghề Đông y mấy mươi năm, chị đã tự tạo lập được tài sản, nhà đất trước hôn nhân trong khi anh Khanh chỉ sống dựa vào gia đình. Mâu thuẫn vợ chồng phát sinh vì đời sống gối chăn lạnh lẽo, anh lại thiếu trách nhiệm với vợ con nhưng mẹ anh không khuyên răn mà còn bênh vực. Giành con không chỉ là chủ trương của anh Khanh mà còn là của mẹ anh.

Chị Kim Châu cho biết: “Anh Khanh luôn có những hành động gây khó chịu mỗi khi xuống thăm con. Anh thường nói khích, kiếm chuyện để làm tôi tức giận, rồi quay phim, ghi âm. Ngồi với con, anh thường làm những trò kỳ quặc như đập nệm, lắc đầu liên tục… khiến cháu bất ngờ, ngơ ngác, hoảng sợ để anh có những hình ảnh chứng minh cháu bị tự kỷ.

Tôi khẳng định, con tôi khỏe mạnh bình thường. Không ai được phao tin bậy bạ, không ai được dắt thằng bé đi kiểm tra trừ khi tòa án bắt buộc. Ai làm càn, tôi sẽ kiện. Về Bình Chánh sống, môi trường rộng thoáng, trong lành, được vận động nhiều, cháu giảm hẳn bệnh hô hấp, thân thể rắn rỏi, chắc khỏe. Cháu còn được vui chơi với các bạn nhỏ cạnh nhà nên ngày càng năng động, hoạt bát hơn. Nhiều người bên nhà chồng của tôi cũng ủng hộ việc tôi đưa con về nuôi, lúc rảnh còn tranh thủ xuống nhà thăm cháu”.

Một người họ hàng của anh Khanh cũng bày tỏ thái độ phản bác: “Nếu là anh Khanh, tôi sẽ không tranh giành vì biết rõ sống với ai mới tốt nhất cho con mình. Để con cho mẹ nuôi, cuối tuần cha đón về nội chơi, bé được sống trong tình thương của cả nhà chẳng phải ấm áp sao? Đằng này, anh Khanh lại khăng khăng giành con, làm nhiều trò lố”.

Theo chị Lưu Thị Kim Oanh, cán bộ chuyên trách bình đẳng giới - trẻ em UBND xã Bình Lợi (H.Bình Chánh), cậu bé đang sống rất tốt với mẹ ở địa phương. Bé khỏe mạnh, vui vẻ, ngoan ngoãn, giao tiếp bình thường, không có vấn đề gì. Chị Kim Châu là người trực tiếp đưa đón bé đi học, săn sóc bé chứ không phải chị của chị. Người chị này từng bị tai nạn trong chiến tranh chứ không phải bệnh tâm thần như lời anh Khanh.

Bé thực sự có hội chứng tự kỷ cần can thiệp hay chỉ do cha gán ghép để giành quyền nuôi? Vấn đề này cần có sự đánh giá của chuyên gia chứ không thể dùng “mắt thường” mà xác định được. Dù sắp tới khi xét xử ly hôn, TAND H.Bình Chánh có quyết định giao bé cho ai trực tiếp nuôi dưỡng, thì anh Khanh và chị Châu vẫn cần hợp tác thiện chí để cho con cơ hội sống tốt.

Những chiêu chước tranh giành chưa rõ sẽ có lợi cho ai trong cuộc chiến giành con, nhưng trước mắt đứa trẻ sẽ lãnh trọn những tác hại, dễ bị những sang chấn tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện. Cán bộ địa phương nên giải thích, vận động chị Kim Châu đưa con đến gặp chuyên gia để thăm khám, tham vấn nhằm sớm can thiệp, trị liệu nếu cần. Trường hợp chuyên gia xác định cháu phát triển bình thường, thì anh chị cùng gia đình có thể an tâm và có cơ sở để phủ định những lời bịa đặt.

Trẻ lo âu, căng thẳng khi cha mẹ “choảng” nhau

Khi cha mẹ ly hôn, con cái là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất vì trẻ không được phép lựa chọn người nuôi dưỡng mình. Ly hôn dẫn đến những thay đổi lớn trong gia đình, gây ra những tác động đến con cái như: ảnh hưởng tài chính, thay đổi chỗ ở, hạn chế sự chăm sóc từ cha mẹ…

Trẻ đau đớn, cảm thấy bị “phản bội” khi cha mẹ ly hôn, nhất là sau đó cha mẹ lại tiếp tục gây gổ, mắng chửi, tố cáo nhau. Sự lôi kéo tình cảm của con bằng cách giành quyền nuôi con, nói xấu nhau, ngăn cản thăm nom con… khiến trẻ bị mất niềm tin vào cha mẹ. Trong khi trẻ rất cần có môi trường thuận lợi để phát triển về vận động, nhận thức, ngôn ngữ thì cha mẹ lại gây ra cho trẻ sự căng thẳng, âu lo, cảm xúc tiêu cực.

Để giúp con ít bị tổn thương nhất, cha mẹ cần bắt tay cộng tác trong vấn đề nuôi dưỡng, giáo dục. Nếu chỉ một người cố gắng giúp con an tâm thì tỷ lệ thành công rất nhỏ. Cha mẹ cần tích cực trấn an trẻ, giải thích cho trẻ hiểu việc ly hôn chỉ là chấm dứt cuộc sống chung giữa hai vợ chồng, nhưng họ vẫn là cha mẹ của trẻ và tiếp tục yêu thương, chăm sóc, là chỗ dựa cho trẻ.

 Nghiên cứu cho thấy, con trẻ có thể sống vui hơn nếu chúng biết, dù cha mẹ không còn chung sống nhưng vẫn đối xử với nhau trên tinh thần tôn trọng.

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà 

(Phòng khám Nhi đồng thành phố, Q.1, TP.HCM)

Tô Diệu Hiền 

(*): Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI