Sống khôn ngoan?

03/04/2013 - 17:24

PNO - PN - Gần tới giờ đi ngủ, điện thoại đổ chuông, dì Ba tôi trên thành phố gọi về. Giọng dì lạ lắm, không còn uy quyền, sắc bén như trước nữa. Dì hỏi má tôi ngủ chưa, chưa kịp nghe câu trả lời dì lại hỏi thăm chuyện cây trái,...

Rồi dì thở dài đánh sượt: “Ờ thôi, dì cúp máy nghen, vậy nghen”. Cả nhà còn đang ngồi đoán già đoán non thì điện thoại của cậu Út gọi về, báo tin vắn tắt, Hai Đức - con của dì Ba bị bắt. Tội gì thì chờ công an điều tra mới rõ, chỉ biết là có dính dáng đến một vụ giết người. Nghe qua, ai cũng hết hồn. Má tôi bước đến bàn thờ thắp nhang ông bà ngoại.

Ông bà ngoại có ba người con, má tôi, dì Ba và cậu Út. Dù cậu Út là con trai duy nhứt nhưng dì Ba lại là đứa con được ông bà ngoại cưng nhiều hơn hết. Nghe bà ngoại kể, hồi nhỏ chơi với bạn cùng trang lứa, dì Ba luôn là người chỉ huy. Mấy ngày Tết, trong khi má tôi tất bật lo chụm củi nấu nước pha trà, chuẩn bị bày biện thức ăn cho cậu Út bưng lên đãi khách thì dì chỉ mỗi việc chào hỏi, mời ngồi, rót nước, và nhận lời khen giỏi, ngoan cùng bao lì xì. Chuyện dì đi học luôn được bạn xách cặp giùm, cho bánh ú, bánh tét hay xôi ăn sáng vì dì làm lớp trưởng và hứa sẽ không méc cô chuyện bạn đó phá phách hay xem bài của bạn được ngoại kể đi kể lại với lời khen, giống ai mà lanh hết biết. Đi làm rồi lấy chồng, dì luôn nhàn hạ và được lòng cấp trên cũng như bên chồng. Chồng dì từng là sếp của dì, đã có một đời vợ và hai con gái, sống với dì có thêm hai con trai.

Song khon ngoan?

Ảnh: Internet

Với dì, hai con trai là thần, là thánh. Dì thường kể về sự khôn ngoan của hai con trai mấy giờ đồng hồ chưa dứt, và tổng kết bằng câu: “Tụi này ngộ lắm, muốn gì thì phải có bằng được mới thôi”. Tiếng là chị em bạn dì ruột, nhưng chỉ những ngày giỗ tết chúng tôi mới gặp nhau, sau này thì ngày càng thưa và đứt hẳn từ khi cả hai em, con của dì đi du học nước ngoài. Ngày ông ngoại hôn mê, thấy cấp dưới của hai cậu mang quà cáp đến thăm mới hay cả hai đều là những quan chức. Dì tuyên bố gánh phần chăm sóc ông ngoại. Lúc đầu, má tôi và cậu Út thấy cũng có lý có tình, vì cả hai cùng ở xa bệnh viện, lại không quen biết y bác sĩ như dì, nhưng sau này mới hiểu ra, dì muốn quản lý phần quà cáp là chính. Được một tuần, ông ngoại mất, bà ngoại ngã bệnh, nằm liệt giường và nửa tháng sau cũng đi theo ông. Tang lễ ông bà ngoại đều do một tay dì dượng lo liệu. Với người dân quê tôi, đó là hai đám tang lớn chưa từng thấy. Ai cũng choáng ngợp trước sự giàu sang và quyền lực của gia đình dì, ai nấy đều nghĩ rằng ông bà ngoại tôi ở suối vàng chắc chắn sẽ mỉm cười mãn nguyện. Nhưng tình cờ, một người giúp việc cho dì đã để lộ thông tin khá sốc, dì dượng muốn ông ngoại chết sớm, vì cả hai sắp nghỉ hưu. Theo dì dượng, nếu ông bà qua đời muộn, sau này chắc gì có nhiều người đến phúng viếng.

Thiệt hư chẳng biết ra sao, mọi người không ai dám nói ra nói vô tiếng nào. Xưa rày dì Ba là người phụ nữ được cả dòng họ kính trọng, ngưỡng mộ. Khi gặp chuyện khó, bà con trong thân tộc thường nhờ dì giúp cho những lời khuyên, rất nhiều người dạy con cái cứ học theo dì Ba, làm theo dì Ba thì mới giàu sang, sung sướng.

Sau đó mấy ngày, dì Ba có về thắp nhang ông bà ngoại. Nhìn dì lạ hoắc, ốm xơ rơ. Dì thầm thì với má tôi, trong vụ Hai Đức, dì cũng có tội đồng lõa, bao che, chung quy chỉ tại chút hơn thua nhau trong chuyện làm ăn. Điều dì lo bây giờ là hai đứa cháu nội không ai nuôi, mẹ nó đi nước ngoài cả tháng nay chưa về, đem theo khá nhiều tài sản của chồng. Số phận vợ chồng Ba Nghĩa cũng căng như dây đàn, thua lỗ từ chứng khoán đến bất động sản, giờ nợ ngân hàng khoản tiền lớn.

Má tôi tiễn dì ra tới cổng, dì hỏi, giọng bứt rứt: “Em có làm gì ác nhơn thất đức đâu mà trời phạt em, chị Hai?”. Lâu lắm rồi, mới nghe dì kêu má tôi bằng chị xưng em thay cho tiếng bà và tui…

 Huỳnh Thị Nguyên

Từ khóa Sống khôn ngoan
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI