Sơ cấp cứu cho trẻ

08/07/2014 - 11:21

PNO - PN - Hầu hết trường hợp trẻ bị tai nạn là do phụ huynh bất cẩn. Có rất nhiều nạn nhân khi được chở đến bệnh viện thì không còn cứu kịp. Ranh giới sự sống - cái chết chỉ trong tích tắc, mọi tác động chỉ hiệu quả trong...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhằm giúp phụ huynh xử trí đúng cách, kịp thời, Báo Phụ Nữ xin cung cấp những kỹ năng sơ cấp cứu đối với một số tai nạn phổ biến nhất ở trẻ do bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) hướng dẫn.

So cap cuu cho tre

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu cho phụ huynh

Clip sơ cứu khi bị ngạt nước

Ngạt nước: Khi đưa trẻ lên bờ, nếu lay gọi không thấy trẻ đáp ứng, không nói được, không khóc, người tím tái, phụ huynh cần đặt trẻ trên mặt phẳng cứng và cấp tốc ấn tim thổi ngạt. Trái tim ở giữa, chỉ hơi lệch trái nên vị trí ấn là nửa dưới xương ức. Hai tay chắp lại, đặt vuông góc, ấn bằng gót bàn tay. Ấn mạnh, xuống khoảng 1/3 chiều cao lồng ngực. Với trẻ nhũ nhi, phụ huynh dùng hai bàn tay, ôm choàng từ lưng ra ngực trẻ, ấn tim trẻ bằng hai ngón tay cái. Ấn liên tục 30 cái rồi thổi vào miệng trẻ hai cái. Trước khi thổi, đối với trẻ lớn phải bịt mũi, ngửa đầu trẻ để khối cơ lưỡi không làm bít đường thở, miệng thổi miệng; đối với trẻ nhũ nhi, miệng của người cấp cứu có thể ôm kín mũi miệng trẻ. Ấn tim để kích thích tim đập lại, tống máu nuôi cơ thể. Phụ huynh quan sát thấy nếu lồng ngực phồng lên, môi hồng, mạch đập, tay chân cử động thì đó là tín hiệu tốt. Nếu tối đa 10 giây không thở thì phải tiếp tục ấn tim, thổi ngạt. Dân gian thường xử lý ngạt nước bằng cách vác trẻ lên vai, dốc ngược cho nước trào ra, tuy nhiên giải pháp này không hiệu quả với trẻ đã bị ngạt nước lâu.

Clip sơ cứu ban đầu khi bị điện giật

Điện giật: Phụ huynh phải nhanh chóng ngắt nguồn điện trước khi chạm vào trẻ hoặc đứng trên vật cách điện: sách báo, giấy carton, dép nhựa... Nếu trẻ ngưng thở, phụ huynh cũng ấn tim, thổi ngạt cho trẻ giống như sơ cấp cứu ngạt nước.

Hóc dị vật: Bất cứ vật nhỏ nào cũng có thể gây hóc: đậu phộng, hạt dưa, hạt mãng cầu, tiền xu, xương nhỏ lẫn trong thức ăn… Phụ huynh tránh để trẻ tiếp xúc với những vật nhỏ ấy, không ép trẻ ăn khi khóc, cười vì rất dễ hóc. Nếu trẻ hóc dị vật mà vẫn khóc, nói chuyện được thì đường thở vẫn chưa nghẽn. Phụ huynh chỉ cần ôm trẻ trên vai, dỗ dành, an ủi và đưa đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng gắp dị vật ra.

Clip sơ cứu trẻ bị hóc dị vật

Nếu trẻ bị nghẹt đường thở, không khóc, không nói được, ngất đi, tím tái, phụ huynh áp dụng phương pháp Heimlich: đỡ trẻ dậy, đứng phía sau trẻ, quàng hai tay ra phía trước trẻ, chắp lại thành nắm đấm để ở chấn thủy của trẻ (vùng thượng vị), giật/thúc năm cái liên tục theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên trên. Nếu vẫn không được, đỡ trẻ nằm xuống mặt phẳng cứng, phụ huynh ngồi xổm, chắp hai tay, dùng gót bàn tay ấn thúc thượng vị (vùng trên rốn, dưới xương ức) hướng lên trên năm cái.

Clip xử trí khi trẻ bị sặc sữa

Sặc sữa, ngộp thở: Trường hợp này thường không quá nguy kịch, bé sẽ có cơ chế tự thích nghi. Chỉ cần phụ huynh bình tĩnh, nghiêng trẻ sang một bên cho sữa chảy xuống, dùng khăn chùi sữa trên mặt bé. Nếu 10 giây, bé không khóc, không la, tím tái thì thực hiện thao tác vỗ lưng ấn ngực. Phụ huynh đứng chân sau trụ, chân trước khuỵu, đặt trẻ nằm sấp dọc theo đùi của chân khuỵu, đầu trẻ chúc xuống, vỗ lưng trẻ năm cái. Quay trẻ ngửa lên, ấn ngực năm cái ở nửa dưới xương ức. Hoặc phụ huynh ngồi trên ghế, đặt trẻ vắt qua hai đùi, đầu trẻ thấp hơn thân người, thực hiện vỗ lưng ấn ngực. Động tác Heimlich hay vỗ lưng - ấn ngực này gọi là “ho nhân tạo”, ép cơ hoành tống dị vật khỏi đường thở.

Clip sơ cứu bỏng - Điều trị bỏng - Lưu ý phòng tránh bỏng ở trẻ

Bỏng: Khi trẻ không may bị bỏng, không nên dùng kem đánh răng, nước mắm, giấm… thoa vào vết bỏng, sẽ bị nhiễm trùng. Phụ huynh lấy nước sạch xối nhẹ vào chỗ bỏng cho dịu đi, sau đó đưa ngay đến bệnh viện.

Té ngã: Trẻ tinh nghịch dễ té ngã khi chơi đùa, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ không chạy chân ướt trên nền trơn, di chuyển nhanh ở địa hình gập ghềnh. Trẻ té đập đầu, nên đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí kịp thời. Nếu bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sưng bầm ngoài da hay xuất huyết màng xương gây sưng u bên ngoài, thì chỉ cần cho trẻ uống thuốc tan máu bầm theo toa bác sĩ, nghỉ ngơi, không vận động mạnh. Còn nếu máu tụ nội sọ, chấn thương sọ não là rất nguy hiểm, phải nhập viện cấp cứu ngay. Có trường hợp cả tháng sau khi té, trẻ mới có những biểu hiện bất thường: ói, yếu chi, co giật, nhức đầu, lơ mơ. Vì thế, khi trẻ té ngã, phụ huynh phải ghi nhận, để ý và đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác, kịp thời.

Nếu trẻ bị bong gân, không nên thoa dầu nóng mà nên bọc đá lạnh trong khăn, chườm nhiều lần. Nếu trẻ gãy xương, phải dùng nẹp cố định chỗ gãy qua hai khớp trên và dưới, tránh dằn xóc trên đường đi bệnh viện.

Clip xử lý khi bị rắn cắn

Ong chích, rắn cắn: Phụ huynh cần rửa bằng xà phòng, giữ vệ sinh vết thương, đắp gạc, quấn băng và chở ngay đến bệnh viện để bác sĩ xử trí kịp thời.

Trẻ uống nhầm hóa chất độc hại: Hiệu quả của việc sơ cấp cứu tại hiện trường khi trẻ uống nhầm hóa chất là rất hạn chế. Vì thế, nên cấp tốc chở trẻ đến bệnh viện để rửa dạ dày, khử chất độc. Phụ huynh nên hết sức cẩn trọng, không tận dụng chai nước ngọt để đựng xăng dầu, tinh dầu, nước giặt… khiến trẻ nhầm lẫn. Không ít phụ huynh nói thuốc là kẹo để dụ trẻ uống thuốc dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc khi trẻ ăn “kẹo” quá liều.

 DIỆU HIỀN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI