Quyền lực của “cục gạch”

28/02/2021 - 09:41

PNO - Thời nay, đám trẻ thích dùng chữ “đặt gạch” thay cho các chữ "mình đăng ký nhé", "tôi order nhé", "xin một suất nào"... để thể hiện việc đăng ký hay xếp hàng. Thế nhưng, chưa hẳn ai cũng tường tận nghĩa của chữ đặt gạch.

 

Biếm họa Đặt cục gạch của họa sĩ Thành Phong trong triển lãm Thương nhớ thời bao cấp năm 2018 tại Hà Nội
Biếm họa Đặt cục gạch của họa sĩ Thành Phong trong triển lãm Thương nhớ thời bao cấp năm 2018 tại Hà Nội

Đặt gạch là một từ nghe thôi đủ cả trời thương nhớ, nhưng chỉ với người sống thời một ngàn chín trăm... hồi đó, và ở đô thị, hoặc gia đình nông thôn có người làm công nhân viên chức.

Nói cục gạch, và đặt gạch tiêu biểu cho một xã hội tem phiếu, thì hơi quá. Vì thời phân phối thực phẩm qua hình thức tem phiếu, các nhà chính sách cũng không thể mường tượng cái cục gạch lại lên ngôi, lại quan trọng tới vậy. 

Đây, tôi xin kể ngay tầm quan trọng của cục gạch. Ví dụ nhà tôi là một hộ công nhân viên chức tiêu biểu với hai vợ chồng làm nhà nước cùng hai đứa con. Tôi, từ khi mới 5 - 6 tuổi, còn chưa vào lớp Một, các ngày cuối tuần nghỉ học mẫu giáo đã được mẹ giao đi mua gạo, thịt, than, dầu hỏa, đường, sữa...

Chính xác là mang tấm bìa sổ có tên gia đình đi xếp hàng, sau đó mẹ tôi sẽ canh giờ và mang tem phiếu tới mua sau, chứ sức tôi làm gì đã chở được những thứ nặng như gạo, than... Vả lại con nít cầm tem phiếu dễ bị mất. Mà mất tem phiếu hay tệ nữa là “mất sổ gạo” thì bạn biết rồi đấy, nó là thuật ngữ tương đương với “tiêu đời” thời bây giờ. Không gạo ăn, lấy gì mà sống?

Ngày bao cấp, mỗi người lớn được cấp hằng tháng khoảng mười mấy ký gạo, tùy độ tuổi; trẻ con thì ít hơn hoặc nhiều hơn cũng tùy độ tuổi... Số thịt, số đường, sữa theo phân phối ít lắm, cộng gộp cả gia đình mấy người thì mỗi tháng cũng chỉ có vài bữa "cơm có thịt mà thôi". Tôi sẽ kể tiếp về bữa cơm có thịt đó, để bạn hình dung nó cực nhọc thế nào. 

Thực phẩm do nhà nước điều tiết và cung cấp, nên nếu lén bán thịt, bạn sẽ bị gọi là gian thương. Cả khu chợ thị xã tôi sống, chỉ có một cửa hàng thịt. Cửa hàng thịt nằm trung tâm chợ, kiểu như linh hồn chợ phải là cái cửa hàng sang chảnh ấy. Các cửa hàng bán gạo, chất đốt, mắm muối… lại nằm ở những trục đường khác. 

Cửa hàng thịt chợ nhà tôi có cái khung cửa sổ rộng. Các cô bán hàng thời ấy được gọi là mậu dịch viên, họ đứng bán phía trong, một số thịt treo lủng lẳng phía sau các cô, một số thịt cũng được xếp la liệt dưới cái phản xi măng cáu bẩn. Tùy theo giờ mà cái khung cửa ấy đông nghẹt người hay đìu hiu, ruồi bay nhặng đậu. Thử đi chợ chiều mà nhìn, tôi thề là ai cũng thấy nó buồn thảm, dơ bẩn đến phát sợ. 

Nhưng buổi sáng thì khác hẳn. Nơi này luôn ồn ào náo nhiệt, chen chúc. Đám người hỗn loạn, chị này đẩy anh kia vào cái phản dính mỡ. Người bị đẩy lên không hề buồn bực, mà vô cùng sung sướng, vì tiếp cận được cái phản thịt, là coi như sắp tới lượt mua.

Dù cửa hàng khoảng sáu giờ mới mở, nhưng người mua thường đi rất sớm. Nếu đi muộn là xếp sau dòng người rồng rắn, tới lượt thì hết thịt, hoặc may mắn còn hàng, thì thịt bèo nhèo những mỡ, da. Những miếng ngon nhiều nạc tươi rói về tay người đến sớm hoặc người quen của cô mậu dịch viên hết rồi.

Nhiều lần tôi ngủ quên, đi xếp hàng muộn, mang về cái miếng không biết có nên gọi là thịt không, vì nó bạc nhạc như... chiếc giẻ, hoặc những miếng thịt lẫn đầy đất cát do bị quăng quật. Khi nấu, thế nào mẹ cũng la tôi. Tuy vậy còn may hơn rất nhiều lần tôi bị người ta chen trước và phải về không cùng nước mắt ấm ức.

Tôi nhớ rất rõ buổi mai hôm ấy. Tôi mắt nhắm mắt mở cầm cái bìa mua thịt chạy ra chợ. Chợ thị xã đây rồi. Tôi nhặt một cục gạch vỡ, đặt bìa thịt lên cái sàn thịt trống, chèn cục gạch lên. Trước và sau cục gạch của tôi, có khá nhiều cục gạch như thế.

Xếp hàng mua thực phẩm là đặc trưng của thời bao cấp - Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo
Xếp hàng mua thực phẩm là đặc trưng của thời bao cấp - Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo

Ngoài gạch đỏ, còn có cục đá màu trắng, cái nón kết cáu bẩn, chiếc dép rách... hay bất cứ thứ gì để chủ nhân chứng minh "tôi đây". Trong cái dòng người xếp từ tinh mơ, luôn có vài người xấu. Họ sẽ chen lên trước, nhét cục gạch của mình vào giữa hai cục đã ken kín. Có người mắt trước mắt sau đổi vị trí cục gạch của mình và người khác. 

Trong số những người ấy, tôi nhìn thấy cô C. - người yêu đẹp đẽ của chú tôi. Do tôi lơ đễnh, nên cục gạch của tôi có vẻ vô chủ nhất, mà vị trí nó đang rất tốt. Cô C. bèn nhấc cục gạch và tấm bìa sổ thực phẩm của tôi dời ra sau, nhét sổ của cô vào vị trí cục gạch của tôi. Tôi tiến lên, nhìn cô gườm gườm, không nói không rằng, nhấc cục gạch của mình phía sau, mang lên đặt lại đúng vị trí ban đầu...

“Cô ta là kẻ cơ hội”, về nhà tôi tức tối kể với mẹ. Mẹ tôi kể với bố, bố tôi kể với em trai. Kết quả, chú tôi và cô C. giận nhau vì một đứa trẻ con và câu chuyện ngoài hàng thịt. 

Sau này cô và chú tôi không tới được với nhau, chẳng biết vì lý do gì, nhưng tới tận giờ tôi vẫn áy náy. Có thể hôm ấy chỉ là cô quá vội, không thể chờ đợi nên đành “làm xấu”. Có lẽ cũng do trời chưa sáng, còn nhá nhem nên cô không nhận ra tôi. Nhẽ nào chỉ vì câu chuyện ngoài hàng thịt mà chú tôi mất người yêu? 

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI