Mua hàng tem phiếu

25/10/2020 - 10:06

PNO - Hôm nay bầu trời xám xịt, mưa gió bão bùng. Đài báo thời tiết này còn kéo dài. Thế là tôi thu dọn lại cái tủ, sắp xếp một số giấy tờ, và tìm được cái tem phiếu thời xưa cũ.

Thời ấy, sổ gạo, tem phiếu, giấy chuyển lương thực là những thứ vô cùng quan trọng với các gia đình. Tem, phiếu là những mảnh giấy nhỏ, ghi tên những mặt hàng thiết yếu được nhà nước phân phối cho mỗi người dân. Tem phiếu quy định loại hàng và số lượng người dân được phép mua, chiếu theo một số tiêu chuẩn như cấp bậc và niên hạn. Có diện được ưu đãi, ưu tiên. Tùy thuộc vị trí công việc, đặc thù nghề nghiệp mà cán bộ, công chức nhà nước cũng như người lao động được phát tem phiếu mua lương thực, thực phẩm với chế độ riêng. 

Bố tôi cẩn thận lắm. Có cái hộp thiếc, bố để trong đó các loại tem phiếu được gói mấy lần túi vải ni-lông, cất kỹ đến con kiến cũng không chui vào được. Khi nào mẹ cần mua gì, bố lại cần mẫn giở ra, tìm đúng loại tem phiếu cần thiết với mặt hàng đó, đưa cho mẹ. Sau khi mua xong, lại cất gói cẩn thận, cứ như vậy nhiều năm trời. 

Cẩn thận như thế bởi đó là những thứ sống còn của một gia đình. Những năm đó, mọi thứ được phân phối qua tem phiếu. Mọi cửa hàng, mọi khu chợ, đều diễn ra cảnh người người xếp hàng kiểu “rồng rắn lên mây” để chờ mua nhu yếu phẩm cho đời sống. Cái thói quen xếp hàng hình thành đã lâu.

Thời ấy, chỉ những người thuộc diện gia đình thương binh, liệt sĩ và có công với cách mạng mới có thẻ ưu tiên được vào mua trước, không phải xếp hàng. Nhưng ngặt một nỗi, có quá nhiều gia đình như vậy, nên dẫu có thẻ thương binh, liệt sĩ cũng phải xếp hàng. Tính kiên nhẫn trong xếp hàng, bền bỉ mỏi chân chùn gối ấy, diễn ra trong suốt những năm tháng tuổi thơ chúng tôi. 

Chủ nhật được nghỉ, mẹ giao cho chị em chúng tôi tem phiếu để đi mua hàng. Thế là, từ tối hôm trước, chị em chúng tôi rủ thêm mấy đứa bạn cùng lứa trong khu, hẹn hò sáng sớm đi xếp hàng. Mới tinh mơ, khi vẫn còn ngái ngủ, cả bọn đã í ới gọi nhau, đứa nọ giục đứa kia chộn rộn cả một góc phố. Khi đi, chúng tôi bảo nhau có mũ mang mũ, mang cả dép, cả guốc, thậm chí cả cục gạch để giữ chỗ. 

Tới cửa hàng có chữ “Mậu dịch quốc doanh” ở chợ Mơ, ngỡ mình đã đi sớm, nào ngờ hàng xếp cứ dài đằng đẵng. Già trẻ, lớn bé đủ cả, ai cũng tíu ta tíu tít. Trong lúc chờ đợi, đủ loại chuyện được khui ra, trên trời dưới biển mỗi người góp một câu cho thời gian chờ đợi đỡ buồn chán. Cả nhóm chúng tôi mặt đứa nào đứa nấy non choẹt, quần áo xộc xệch, đơn sơ hai màu xám và lam trầm. 

Chúng tôi lôi chuyện trường lớp, chuyện cô thầy ra kể cho nhau nghe. Rồi có lúc phá lên cười sằng sặc khi mô tả về một thầy giáo nọ có cái xe đạp đến trường còn có dây lằng ngoằng dùng để buộc hàng. Chắc là sau buổi dạy, thầy còn đi đâu đó, mang vác gì đó cho gia đình. 

Dăm ba câu chuyện như thế, rồi bị đứt quãng khi ô cửa bán hàng hé mở. Người ta lập tức vây lại đông kín, thế là dòng người và dép guốc, mũ nón, gạch… đều bị văng ra, khó phân định ai trước ai sau. Lũ chúng tôi bé tí nên bị mấy anh chị người lớn cậy to con bật ra khỏi hàng. Tức quá, chúng tôi đứa nào cũng cố lấy hết sức bình sinh cho một chân vào hàng. Nhưng vô vọng, người đứng sau không chịu, rồi cứ thế bị văng hẳn ra lúc nào không hay. Ấm ức, một vài đứa trong nhóm bật khóc tức tưởi. 

Có lần, vào dịp hè, chúng tôi thức dậy từ năm giờ rưỡi sáng, nhưng đến nơi đã đông kín. Xếp hàng cả buổi, đến lượt thì gặp ngay cái biển “hết hàng”. Thế là cả bọn đi về tay không, lòng buồn rười rượi. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng xui xẻo thế. Rất nhiều lần nhóm chúng tôi gặp được người tốt. Họ bảo vệ và cho chúng tôi đứng vào hàng lối nghiêm chỉnh, còn nhắc nhở “các cháu giữ tem phiếu cẩn thận nhé”. Mua được hàng rồi, cả bọn tụ lại một chỗ kiểm kê từng đứa mua được gì rồi kéo nhau về trong hân hoan. 

Nhớ lại ký ức gian khó mà đậm đà tình người, mới nhận ra mình yêu biết bao cái quãng thời gian ấy… 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI