Quyền của con?

14/12/2013 - 18:25

PNO - PN - Chị Ngọc Trâm, mẹ của Khánh (13 tuổi) kể: “Thời của tôi, việc con cái phải vâng lời cha mẹ như một lẽ đương nhiên. Điều gì ba mẹ chồng nói, thì vợ chồng tôi đều nghe theo. Hồi hai con còn nhỏ, chúng có không muốn nghe lời...

edf40wrjww2tblPage:Content

Quyen cua con?

Thế nhưng khi đứa con trai vào lớp 8, con gái vào lớp 4, thì gia đình chị Trâm bắt đầu thay đổi. Khánh trở nên ương bướng, không chịu vâng lời ông bà, ba mẹ. Cháu đòi ăn mặc không giống ai, đòi xỏ lỗ tai đeo khoen, đòi nhuộm tóc. Mẹ hết lời khuyên nhủ, ba và ông bà nội cháu thì la mắng. Chị Trâm nói: “Điều làm tôi bất ngờ nhất là ngay lúc cả nhà đang dạy dỗ Khánh thì bé Mơ, mới chín tuổi đã lên tiếng bênh vực anh trai, bằng bài học ở trường nói về những “quyền trẻ em”.

Mẹ nghẹn cứng lời. Ông bà hỏi con dâu: “Sao lại cho con cháu mình đi học những điều đó để trở nên ương bướng, hỗn hào?”. Chị Trâm băn khoăn: “Tôi không biết trả lời sao cho đúng với ông bà và giải thích cách nào với con”.

Chị Quỳnh Châu, Q.2, TP.HCM cho biết: “Mình vừa toan trách phạt, con đã đe lại: “Mẹ không được đánh con, không được la rầy con, không được làm con bị tổn thương”. Con mới chín tuổi chứ bao nhiêu! Tôi nghe vừa bực mình, vừa tức cười, đúng là không đánh được khi nghe con lý sự”. Nhiều phụ huynh khác thì bức xúc: “Theo chúng tôi, nhà trường cũng phải dạy cho các em về trách nhiệm nữa, chứ với đà này, liệu trẻ còn sẽ “lộng quyền” tới đâu?”.

Thực chất, quyền trẻ em được xác lập để ngăn chặn thái độ thiếu tôn trọng, áp đặt, cưỡng bức… của người lớn đối với trẻ, đồng thời giúp trẻ thể hiện mong muốn, nguyện vọng của bản thân để người lớn thấu hiểu, hỗ trợ tốt hơn. Đó cũng chỉ là một phần trong rất nhiều nội dung giáo dục đạo đức của trẻ em tiểu học. Hiện nay, trẻ em được nhà trường cung cấp kiến thức và khuyến khích thực hiện “quyền trẻ em” để trẻ phát huy nhiều hơn nữa những khả năng của bản thân. Tuy nhiên, trẻ em còn non nớt nên thường nhận thức vấn đề một cách phiến diện và hời hợt.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Người lớn cần giải mã hành vi của trẻ chuẩn xác hơn. Con trai lớp 8 ương bướng, không chịu vâng lời ông bà, ba mẹ, đòi ăn mặc không giống ai... là biểu hiện nhu cầu tâm lý lứa tuổi thiếu niên. Trẻ lên tiếng bênh vực anh, hoặc đưa quyền trẻ em để “tự vệ” khi bị phạm lỗi... chỉ là sự vận dụng ngây ngô kiến thức được học. Vì thế, người lớn đừng vội kết luận rằng trẻ hỗn hào, láo lếu… Thay vào đó, chúng ta nên bình tĩnh cho phép con trẻ trình bày suy nghĩ, người lớn kiên trì lắng nghe cho dù không hài lòng thái độ của trẻ. Sau đó, mới nhẹ nhàng phân tích những điều hợp lý và chưa hợp lý trong lý lẽ, thái độ của trẻ, với quan điểm rõ ràng rằng trẻ có quyền bày tỏ ý muốn của mình trong sự tôn trọng người lớn, ngược lại người lớn sẽ tôn trọng và đáp ứng những ước muốn chính đáng của trẻ… Như vậy, trẻ sẽ được rèn luyện cách thể hiện bản thân hiệu quả trong tương quan với người khác từ những bài tập thực hành trong gia đình”.

 NGHI ANH

Từ khóa Quyền của con
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI