Quà tặng phụ nữ: Cho vàng cũng không bằng được lắng nghe?

20/10/2020 - 05:20

PNO - Đàn ông hay đổ cho các bà vợ cái tội ưa vật chất, coi giá trị tinh thần chỉ thuộc hàng thứ yếu, rằng lúc yêu nhau thì nồng nàn thế, cưới nhau về rồi chẳng còn đâu cô gái lãng mạn của ngày xưa, chỉ nguyên xi hình ảnh một bà nội tướng đầy thực dụng. Nhiều ông chồng còn mắng vợ: “Cô lúc nào cũng chỉ có tiền tiền tiền”. Phụ nữ biết mình bị oan mà không biết đường đối đáp lại như thế nào cho phải…

Kỳ thực, đa phần đàn bà trọng tinh thần. Chỉ có điều đàn ông thường hiểu nhầm hoặc cố tình lờ đi điều đó. Nên nhiều anh tỏ tình mà bị từ chối hoặc bị người yêu bỏ để đi theo người khác thì thế nào việc đầu tiên cũng phải là xem cái gã tình địch ấy có… nhiều tiền hơn mình không. Hoặc giả anh nào có tiền thì đầy tự tin rằng sẽ chinh phục được cả thiên hạ. 

Nhiều người chồng thu nhập cao ngất, đưa cho vợ thẻ tín dụng để thỏa thích tiêu xài, đến khi bị vợ bỏ lại cứ ngơ ngác cả lên và lòng đầy khinh miệt, hận thù nhưng không kém phần khó hiểu vì cái gã “tranh cướp” của mình hóa ra chỉ là… lái xe riêng, vệ sĩ, học trò hoặc nhân viên cấp thấp của mình. Tôi biết kha khá trường hợp như vậy. Những ông chồng đại gia nhiều năm sau cuộc ly hôn vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại thua kém gã lái xe kia.

Nhiều anh tỏ tình bị từ chối mà không hiểu tại sao. Ảnh minh họa
Nhiều anh tỏ tình bị từ chối mà không hiểu tại sao. Ảnh minh họa

Yêu thương trao nhau mỗi ngày

Giá trị và quà tặng tinh thần là gì? Đôi khi chỉ là những tin nhắn âu yếm mỗi ngày, những cử chỉ chăm sóc yêu thương khiến người vợ luôn đắm chìm trong bềnh bồng như thuở còn đang yêu. Tôi có một cô bạn thân là ca sĩ nổi tiếng. Tài năng và xinh đẹp, nàng chẳng thiếu đàn ông giàu có theo đuổi, ngay cả khi nàng đã có chồng và hai đứa con sắp đến tuổi đại học. Trong khi ấy, chồng nàng thì nghèo, phải vật lộn với việc mưu sinh. Nàng nói đùa rằng chẳng phải vì nàng chung thủy hay nết na mà chỉ vì chẳng thấy ai bằng chồng.

Chồng nàng, sáng nào vợ đi làm cũng gửi một tin nhắn đầy yêu thương. Tối đến, nàng thường được chồng soạn sẵn các loại thuốc bổ giục uống, hôm nào chồng quên thì nàng cũng khỏi uống luôn. Nếu chồng nhăn mặt trách khẽ thì nàng thản nhiên: “Có ai cho em uống thuốc đâu mà em biết đường uống”. Các ông chồng khác nghe những câu chuyện như thế này thì sốt hết cả ruột lên, cứ như chỉ có trong phim ngôn tình và kết luận những pha ái tình ấy chỉ còn là… hư ảo.

Một chị bạn của tôi kể chuyện thật như đùa. Là thấy các tạp chí dành cho phụ nữ hô hào rằng: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, việc hâm nóng tình cảm chủ yếu là trọng trách của người phụ nữ, nên chị mới nghĩ ra một việc hay ho gây bất ngờ. Ấy là khi chuẩn bị cơm cho chồng mang đi làm, chị kín đáo bỏ vào một mẩu giấy, nội dung có một dòng nhưng vô cùng lãng mạn. Tối về, vợ len lén liếc mắt nhìn chồng nhưng không thấy chồng nói gì. Mãi sau, vợ rụt rè hỏi anh có thấy gì trong hộp cơm không. “Có!” - chồng trả lời cộc lốc, nhìn vợ một cách kỳ quặc: “Tự dưng sao nay rỗi hơi thế?”.

Những cuộc chuyện trò bất tận

Giá trị và quà tặng tinh thần là gì? Là những cuộc trò chuyện bất tận của vợ chồng như hai người tri kỷ. Tôi có một người bạn học từ hồi phổ thông. Vợ chồng nàng có một cửa hàng gia dụng đông khách, nghĩa là vợ chồng đã trông hàng cùng nhau cả ngày, tới bữa thì ăn cơm cùng, đi làm chở nhau đi, đến cả mua sắm cũng vợ chọn đồ, chồng đứng bình luận…

Vậy mà đêm đến, có những hôm hai vợ chồng nằm “buôn chuyện” đến ba giờ sáng mới ngủ, toàn những chuyện vặt vãnh về trẻ con, khách hàng hay hàng xóm, gia đình nội ngoại. Mỗi lần anh đi công tác đều gọi điện mỗi ngày vài lượt chỉ để… rúc rích trò chuyện. 

Đàn bà vốn có sở thích sung sướng nhất là được tám chuyện. Ấy là bởi đặc tính thích được chia sẻ của phụ nữ. Thế nên, với tất tần tật từ chuyện vui, chuyện buồn, chuyện làm họ ngạc nhiên, chuyện khiến họ bức xúc… đàn bà đều mong muốn được chia sẻ ngay lập tức. Có cho vàng bạc họ cũng không thích bằng được lắng nghe. Mà đương nhiên người họ mong muốn chia sẻ nhiều nhất là chàng trai cùng nhà.

Nhưng không mấy đức ông chồng “chịu khổ” như thế. Đa phần đàn ông cho rằng họ có thể làm bất cứ việc gì miễn tha cho họ, đừng bắt họ tâm sự, bình luận về những chuyện mà họ cho là lặt vặt, đàn bà. Đàn ông đâu lại có… thứ rủ rỉ rù rì với chị em về chuyện cơ quan, họ hàng, về chuyện tình của mấy bà hàng xóm hay mớ tôm, con cá. Đàn ông phải nói chuyện lớn chứ có nhẽ đâu thế! Thế nên có một số liệu lạ kỳ cho thấy mỗi cặp vợ chồng thường không mấy khi nói chuyện quá ba phút mỗi ngày.

Ngưỡng mộ lẫn nhau

Giá trị và quà tặng tinh thần là gì? Là sự ngưỡng mộ lẫn nhau. Sau này, tôi nghiệm được một bí quyết bất di bất dịch của hạnh phúc hôn nhân trường tồn, ấy là khi trong tình yêu, tình tri kỷ còn có cả sự trọng thị và ngưỡng mộ.

Tôi quen một nữ nhà báo nọ, chị về hưu cũng đã lâu. Một lần thấy chị kể vợ chồng chị vừa lái ô tô lên tận Điện Biên, tôi hỏi sao không đi máy bay cho nhanh, chị nói rằng anh nhà thích tự lái xe để vợ chồng vừa được đi du lịch, vừa có nhiều thời gian… trò chuyện. Tôi kinh ngạc: “Ở tuổi về hưu mà anh chị vẫn còn trò chuyện được suốt dọc đường từ Hà Nội lên Điện Biên ư?”. “Ừ, anh chị cùng nhau đi phượt suốt, toàn vừa đi vừa nói chuyện”, chị đáp.

Sau này, chị ra mắt một tập thơ, anh lo liệu sự kiện, tự tay chụp ảnh và mỉm cười hạnh phúc khi thấy nhiều người khen ngợi vợ mình. Chị bảo anh đã đọc những bài thơ lẻ từ lâu và thường bình luận về nó. Đối với người khác, tập thơ của chị chẳng có gì quan trọng nhưng với anh, đấy là giá trị, là sự ngưỡng mộ của người chồng dành cho người vợ. Tinh thần là đấy chứ đâu!

Cô bạn gái thân thiết của tôi, giờ đã ly hôn, từng sở hữu một người chồng là chủ tịch tập đoàn một công ty, tính tình hào phóng. Các ngày như sinh nhật vợ, lễ Tình nhân, Giáng sinh, 8/3, 20/10… anh thường bỏ đi đánh golf hoặc tiếp khách, sau khi để lại một xấp tiền lớn cho vợ để… muốn mua gì thì mua. Lần nào nàng cũng buồn bã bảo rằng nàng không thích như thế, chỉ cần một bó hoa và một bữa ăn tối ấm cúng, lãng mạn.

Sự gánh vác ân cần

Giá trị và quà tặng tinh thần chính là sự gánh vác phụ giúp công việc trong nhà cùng vợ, mà đôi khi chỉ là những cử chỉ ân cần như giúp vợ dọn dẹp bàn ăn thay vì cứ ngồi yên trên salon xem thời sự hoặc hỏi xem nàng có cần phụ giúp, mua sắm gì cho gia đình bên ngoại vào mỗi dịp cuối năm thay vì nghĩ rằng trọng trách cả nội lẫn ngoại là phần việc của vợ. 

Đàn bà vốn yêu bằng tai, nên để làm một người phụ nữ yếu lòng vừa dễ lại vừa khó. Đa phần những giá trị tinh thần mà người đàn bà mong mỏi như lúc đang yêu dần dần bay biến theo năm tháng của hôn nhân, nên thôi, không có cái này thì bù đắp bằng cái kia cũng được. Phụ nữ đành tự an ủi thế và chấp nhận bằng… giá trị kinh tế, rằng các ông chồng cứ nộp đủ tiền lương thì thôi cũng ổn. Nhưng tôi đồ rằng, cái giá trị tinh thần ấy, dù nó chẳng tốn xu nào; mà để thực hiện được nó chắc khó hơn tìm đường lên trời. Đa phần các ông chồng thà bù đắp bằng vật chất.

Phải khen vợ xinh mỗi ngày ư? Khổ quá, cô ấy có xinh lắm đâu mà bắt tôi phải khen, mà xinh hay xấu nhìn gương thì biết, bắt tôi nói lắm làm gì? Thôi thẻ ATM đây, muốn mua gì thì mua, đừng bắt tôi phải khen ngợi nữa! Phải nghe cô ấy kể lể chuyện cơ quan hay việc một cô bạn gái mới có người yêu ư, ngày mai tôi phải họp, sao lại bắt tôi nghe những chuyện tào lao ấy, thôi lương đây, tôi đưa trước tiền lương của tôi cả nửa năm, đi tìm mấy ả đàn bà mà buôn chuyện đi. Lại còn bắt tôi giúp việc nhà cho nữa? Phụ nữ có mấy việc vặt chả làm được thì để tôi cử mẹ tôi lên ở cùng để bà nấu ăn giúp. Mà đừng có bắt tôi đong đưa nhắn tin nhớ nhớ thương thương, tôi không thích phim Hàn Quốc đâu…

Đọc đến đây, có thể những người tinh ý thấy có lý khi nhiều bà vợ bỗng phải lòng anh lái xe vì thấy anh ta nhiều “tinh thần” hơn một ông chồng “vật chất”, đúng không ạ? 

Di Li

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI