“Phong tỏa” suy nghĩ để xả stress

25/06/2021 - 13:00

PNO - Tình huống không làm cho người ta bị stress, mà một trong những thủ phạm là định kiến, là cái nhìn bị khống chế bởi thói quen xưa cũ.

Liệu có thể sống không stress? Ngay cả trẻ em cũng căng thẳng do áp lực học hành từ những đòi hỏi của thầy cô, cha mẹ.

Khi người ta lớn lên, áp lực lớn theo qua công việc, mối quan hệ… Những vòng tròn rắc rối lớn nhỏ cứ chạy lòng vòng xung quanh khiến người ta chóng mặt, mất ngủ, căng thẳng… và stress khi không tìm ra giải pháp để giải quyết chúng.

Stress tới khi nội lực của bản thân quá nhỏ so với áp lực từ bên ngoài, dẫn đến một cuộc đấu không cân sức, và rồi người ta gục ngã vì nội lực của mình quá “nhẹ cân, ốm yếu”, chứ chưa hẳn là áp lực quá “to con”. Vì thế, không bị stress là cuộc sống của những tỷ phú giàu sức mạnh nội tâm. 

Làm cho nội lực cao hơn, mạnh hơn áp lực là phương pháp phòng và chống stress. Trong lớp “Sống không stress” của Trung tâm Inner Space tại TP.HCM, các học viên được gợi nhớ lại một chuyện xảy ra ngoài ý muốn.

Tại thời điểm chưa biết rõ đó là chuyện gì, họ đã phản ứng theo kiểu chống đối, không đồng ý. Chính thái độ khó chịu, bực bội của họ làm họ cạn năng lượng nhiều hơn là tình huống hay người khác. 

Một số học viên nhận ra, họ bớt bực mình ngay khi họ biết sự thật. Một cô giáo kể: “Tôi rất khó chịu với cậu học trò đi học trễ, hay ngủ gật trong lớp, làm tôi mất tập trung khi giảng bài, và lớp tôi không được xếp vào top 10 của trường.

Một hôm, tôi đến tận nhà em, mới biết em dậy sớm đi chợ đầu mối mua rau củ về bỏ cho các hàng quán. Em 13 tuổi, mồ côi cha mẹ, sống với bà nội bị mù. Đi giao rau xong, nấu cho bà miếng cơm, em mới chạy đến trường.

Em chỉ mong biết chữ, chứ không dám ước học cao. Em đi học trễ, nên rất sợ cô giáo. Thấy cô bực mình, em lại càng sợ và muốn nghỉ học.

Biết được hoàn cảnh của em (tối còn phải đi rửa chén cho một quán ăn) mọi bực bội của tôi tiêu tan. Tôi dành thời gian giảng lại những bài em chưa hiểu”. Nghe câu chuyện, các học viên nhận ra, biết được sự thật giúp áp lực giảm đáng kể. 

Chắc ai cũng biết câu chuyện “Thầy bói xem voi”, các thầy cãi nhau om sòm vì mỗi thầy chỉ sờ vào một phần của con voi. Thầy sờ vào chân thì bảo con voi giống như cái cột. Thầy sờ vào tai, thì bảo voi giống cái quạt. Thầy sờ vào đuôi thì lại bảo giống cái chổi…

Trong cuộc đời, trước một vấn đề, đôi khi ta cũng mù như các thầy bói xem voi, nên không thấy được sự thật, tranh cãi làm ta mệt mỏi. Mà sự thật thì không phải cãi nhau mới biết, mà do học hành, tìm hiểu.

Đối mặt với rắc rối, ngang trái, bạn thường nhìn thấy thiệt thòi hay lợi ích? Luôn có cả hai thứ, tuy nhiên, nếu bạn quá tập trung vào thiệt thòi, sẽ phát sinh suy nghĩ tiêu cực, cùng thái độ sợ hãi, lo lắng… làm cạn kiệt năng lượng.

Bởi vậy, những người mạnh mẽ thường có cái nhìn xuyên qua thiệt thòi, họ biết thiệt thòi nhưng họ không chú tâm vào đó, họ để dành thời gian, năng lượng để thấy lợi ích. Lợi ích trong dạng bài học kinh nghiệm, mà thường thất bại người ta mới rút ra được. Lợi ích là lúc biết được điểm yếu của mình để thay đổi.

Khi không còn thấy thiệt thòi, người ta không thấy mình thê thảm nữa, cái nhìn bắt đầu hướng tìm các nguồn giúp đỡ hiệu quả. Mà đầu tiên bao giờ cũng là nhìn ra khả năng của chính mình, đó là những điểm mạnh, phẩm chất.

Có người trong hoàn cảnh rắc rối chợt thấy mình kiên nhẫn, bao dung… trong nghịch cảnh mới thấy mình rất sáng suốt… Một khi đã không bị thiệt thòi làm mờ mắt, người ta sẽ tìm thấy giải pháp, cũng là lúc stress biến mất.

Tình huống không làm cho người ta bị stress, mà một trong những thủ phạm là định kiến, là cái nhìn bị khống chế bởi thói quen xưa cũ.

Một bà mẹ có cậu con trai hơn 40 tuổi mới lấy vợ, con dâu đã qua một đời chồng có hai con, nên cô tuyên bố không sinh con nữa. Cô có nhà riêng, nên ông chồng rời nhà mẹ về ở với vợ.

Bà mẹ cảm thấy như mình bị mất con, lại không có cháu nội, bà rầu rĩ, đau khổ… sống mòn. Bà bị stress, nhưng bà không chịu thay đổi tư duy, bà chỉ muốn con trai con dâu phải thay đổi lối sống, có nghĩa là “chúng nó” vẫn phải “Thuyền theo lái, gái theo chồng”.

Không phải ông bố, bà mẹ nào cũng chấp nhận đứa con trai của mình lại muốn thành con gái, hay con gái lại sống như thằng con trai. Có không ít đứa con “không giống ai” phải bỏ nhà ra đi, vì cha mẹ mắc cỡ với bạn bè, hàng xóm.

Mọi vấn đề đều không quá lớn, chỉ là chúng ta nghĩ về chúng quá nhiều
Mọi vấn đề đều không bao giờ quá lớn, chỉ là chúng ta nghĩ về chúng quá nhiều

Nhưng, một khi các bà mẹ thấy rằng: “Nó vẫn là con người, giới tính chỉ là yếu tố ngoại thân, miễn nó sống tốt, sống vui và hạnh phúc là được”, thì cái nhìn đó đã cứu đứa con, cứu bà mẹ khỏi bị stress. Nhiều bà mẹ sẵn sàng hỗ trợ vật chất, tinh thần để giúp con chuyển giới, mạnh mẽ bảo vệ con trước những con mắt phân biệt đối xử.

Như vậy rõ ràng, sống không stress không cần phải nỗ lực ghê gớm để vượt qua rào cản gì đó to lớn, mà chỉ cần nhẹ nhàng thay đổi tư duy, xoay cái nhìn hướng đến sự thật, tính nhân văn và buông bỏ những định kiến, những niềm tin sai lệch. 

Cuộc sống luôn có những nghịch lý tự nhiên, nhưng không vì thế mà ta phải bó tay. Vẫn có lối thoát từ trong suy nghĩ của bạn. Cần “phong tỏa” suy nghĩ, đừng để nó chạy vào vùng lãng phí, tiêu cực. Stress không thể tồn tại khi có suy nghĩ mạnh mẽ, tích cực. 

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI