Phạt người ngoại tình khó như hái sao trên trời

23/03/2022 - 13:14

PNO - “Đây, hình này là tháng Năm năm ngoái, hình kia là tháng Sáu, mấy tấm này là tuần rồi. Chứng cứ vậy, còn đòi gì nữa?” - chị tôi nói mà như muốn khóc giữa cơ quan công an.

Trên bàn, là mấy tấm ảnh anh rể tại phòng trọ của một phụ nữ, được xem là tình nhân của anh. Có tấm anh đang nấu ăn, có tấm họ cùng ngồi ăn cơm, hát karaoke và có tấm ôm nhau tình tứ… Còn có cả clip ghi lại cảnh anh rể đang cạo gió cho người phụ nữ.

Kỳ thực, chuyện anh rể ngoại tình, chung sống với K. - tên người phụ nữ đó đã lâu, dòng họ tôi không ai không biết. Chị gái rất đau khổ. Nhưng ngộ là cả chị và anh đều không muốn ly hôn. Chị thương các con còn nhỏ, anh thì tham lam, không muốn mất đi những gì đang có.

Chuyện anh rể tôi sống chung với nhân tình, cả dòng họ đều biết
Chuyện anh rể tôi sống chung với nhân tình, cả dòng họ đều biết (Ảnh minh họa)

Trong hai năm chồng sống cùng K., chị tôi có tổng cộng bốn lần đến… đánh ghen, chủ yếu chửi tay đôi với tình nhân của chồng. Một bên la ó “đồ hồ ly giật chồng”, bên còn lại thì “đồ bị chồng chê, chồng bỏ”; trong khi anh rể - nhân vật lẽ ra là tội đồ, lại ra đầu xóm trọ rung đùi uống cà phê.

Bận bịu làm ăn, chị tôi cũng chẳng màng chuyện đánh ghen. Chẳng qua đó là những lần chị không chịu nổi sự khiêu khích của nhân tình. Cô ta lên Facebook khoe được anh rể tặng quà, hứa hẹn dẫn đi chơi, nấu cho món ngon… Thỉnh thoảng cô thòng sự châm chọc: “Hạnh phúc luôn rớt trên đầu người biết nâng niu hạnh phúc. Xót thương cho người không biết quý trọng, nâng niu những món quà do Thượng đế ban tặng”.

Lần chị tôi đi đánh ghen gần nhất là tháng 12 năm ngoái. Hai người đàn bà cãi nhau ầm ĩ cả xóm trọ, xoong nồi rồi mấy chậu cảnh đặt ngoài hiên của nhà hàng xóm bay chéo chéo về nhau. Ai đó đã gọi cho công an phường đến xử lý. Mỗi người cầm một biên bản cảnh cáo cho hành vi quấy rối trật tự công cộng.

Từ cơ quan công an về, K. được thưởng thức bữa cơm thịnh soạn do anh rể trổ tài để… bù đắp (và đã khoe trên Facebook). Sau “tút” khoe của K. hai tiếng, anh rể lại về nhà với vợ con cùng món vịt quay mà chị tôi rất thích.

Món vịt quay không làm chị tôi hạ nhiệt. Hôm sau, chị đến đồn công an tố cáo chồng ngoại tình với K. Bằng chứng của chị là mấy tấm ảnh nói trên và sự khẳng định “ai cũng biết họ chung sống với nhau mấy năm nay”. Vị cán bộ tiếp dân quả quyết những chứng cứ chị cung cấp không đủ thuyết phục để xử phạt tội vi phạm chế độ hôn nhân đối với anh rể và nhân tình.

Chị tôi giận quá, thách thức: “Là cán bộ quản lý địa bàn, hơn ai hết chính anh phải biết rõ họ chung sống với nhau chứ!”.

Vị cán bộ từ tốn: “Về lý, chồng chị vẫn hộ khẩu và thường trú ở nhà chị. Anh ấy không đăng ký tạm trú ở nhà chị K. Về tình, chúng tôi cũng không thể và không có nhiệm vụ “bắt tang” chồng chị đang có hành vi ngoại tình với người khác”.

Cũng theo vị cán bộ này, có vài lần đi kiểm tra dân cư trên địa bàn, anh thấy hai lần anh rể tôi ở nhà của K., anh có đề nghị nếu ở thường xuyên phải đăng ký tạm trú để tiện quản lý dân cư. Thế nhưng, cả K. và anh rể tôi quả quyết họ chỉ là bạn bè và anh đến phòng K. để thăm nom, giúp đỡ khi K. sống một mình, đau ốm.

Nên cái sự chung sống của anh rể với nhân tình, qua những bức ảnh chị tôi nhờ nhiều người sống gần đó... chụp lén; thực chất chỉ là kiểu chung sống như... bạn bè, chứ không phải chung sống như vợ chồng. (Trớ trêu, những người giúp chị tôi ghi lại hình ảnh anh rể sống tại nhà K., vốn rất bức xúc chuyện K. hiên ngang quen anh rể tôi, song làm chứng trước công an hay ra tòa thì họ không chịu. Dễ hiểu vì cũng chẳng ai muốn liên lụy trong những chuyện thế này).

Nhiều hình ảnh, clip ghi lại cảnh anh rể và K. ôm nhau, vẫn không thể là chứng cứ chứng minh họ vi phạm chế độ hôn nhân
Nhiều hình ảnh, clip ghi lại cảnh anh rể và K. ôm nhau, vẫn không thể là chứng cứ chứng minh họ vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng (ảnh: minh họa)

Pháp luật đã quy định rõ về xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự trong trường hợp một người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Theo đó, tại khoản 1, điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng là phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác…

Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Cụ thể, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm trong trường hợp làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Luật là vậy. Nhưng để xác định một người có hành vi ngoại tình (video, hình ảnh ghi lại được cảnh “trai trên gái dưới” hoặc biên bản của công an về hành vi này) hay chung sống với người khác như vợ chồng lại… khó như lên trời, như trường hợp của vợ chồng anh chị tội.

Thực tế, đã có nhiều phiên toà xét xử tội vi phạm chế độ hôn nhân, nhưng chứng cứ luôn yếu và thiếu thuyết phục. Dù trong thực tế đời sống, người ta lại không khó để phát hiện, tin tưởng rằng anh/ chị kia đã phản bội vợ/ chồng mình hay cô kia là “tiểu tam”, anh nọ là “phi công” của một bà vợ chán chồng.

Điều mà tôi - một cô gái độc thân - vẫn không hiểu nổi, khi quan hệ hôn nhân đã có sự xuất hiện của người khác, khổ đau là vậy, nhiều người vẫn “cố đấm ăn xôi”, níu kéo, gìn giữ mái gia đình đã dột nát!

Chị tôi thường lấy lý do sợ các con bất hạnh nếu cha mẹ ly hôn. Nhưng liệu chúng có bớt bất hạnh hơn khi sống trong môi trường gia đình như vậy?

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI