Ông bà nội bận lắm, muốn nhờ trông cháu phải… đặt lịch

21/02/2023 - 08:57

PNO - Tôi nhận thấy quan điểm về “cuộc sống riêng” hết sức rõ rệt dù cả với những điều mà trước giờ tôi chưa từng nghĩ rằng nó riêng đến thế.

 

Ba mẹ chồng tôi có những thú vui, những thói quen như đi xem kịch, xem phim, tập fitness, đi tụ họp riêng... chứ không trong chế độ “luôn có mặt tại nhà” như ba mẹ tôi ở Việt Nam (Ảnh minh họa)
Ba mẹ chồng tôi có những thú vui, những thói quen chứ không trong chế độ “luôn có mặt tại nhà” như ba mẹ tôi ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Khi tôi làm dâu nước Nhật, nhiều người bóng gió “sẽ vất vả lắm đấy”, nhưng tôi không hình dung được gì. Mọi thứ dần hiện ra rõ hơn khi tôi bắt đầu chung sống với ba mẹ chồng cùng với đứa con 7 tháng tuổi.

Lúc đó, tôi nhận thấy quan điểm về “cuộc sống riêng” hết sức rõ rệt. Chẳng hạn, như, trừ bữa cơm tối ăn cùng nhau, thì các sinh hoạt như ăn trưa, ăn sáng, giờ đi ngủ, giờ thức dậy... của gia đình tôi chẳng ai giống ai, và cũng chẳng ai cần phải điều chỉnh cho phù hợp với những thành viên còn lại. Tất nhiên vào những dịp đặc biệt hay dịp đi chơi chung, cùng làm chung việc gì đó thì mọi người đều sắp xếp để khớp giờ với nhau.

Ba mẹ chồng tôi có những thú vui, những thói quen như đi xem kịch, xem phim, tập fitness, đi tụ họp riêng... chứ không trong chế độ “luôn có mặt tại nhà” như ba mẹ tôi ở Việt Nam.

Vậy nên, nếu muốn ông bà giúp trông cháu, tôi phải đặt hẹn trước để ông bà sắp xếp lại lịch của ông bà. Chẳng như phần lớn các ông bà ở Việt khi sống cùng, việc chăm sóc trẻ hay trông cháu để con cái đi làm là việc “chẳng cần phải nhờ vả cầu kỳ”. 

Thời gian đầu, tôi thấy lạ. Tôi còn nghĩ rằng: “Quả đúng như nhiều người nói, người Nhật lạnh lùng quá”. Khi công việc và học hành quá mệt mỏi, tôi mong chờ ông bà nội “bớt” đi chơi lại, để giúp tôi làm việc nhà và trông cháu nhưng tôi không muốn phải "nhờ vả cầu kỳ".

5 năm sống chung với những khác biệt trôi qua, tôi nhận ra rằng, mình đã đòi hỏi quá nhiều khi cứ chăm chăm nhìn vào những khác biệt.

Vậy nhưng, thời gian đưa con về ở cùng ông bà ngoại, được ông bà chăm sóc tận tình kỹ lưỡng mà tôi chẳng cần phải động tay chân hay nhờ vả gì, tôi lại thấy “khó chịu” vì ông bà kỹ lưỡng quá.

Cả ông bà ngày giục giã cháu ăn cái này đi, chê trách tôi về việc cháu nhỏ chưa biết gì mà bắt con tự lập nhiều quá... Khi ấy, tôi lại mong ông bà ngoại cứ kệ tôi với cách riêng của mình, như ông bà nội.

Chẳng lẽ tôi cũng đang khác biệt về văn hóa với chính cha mẹ của mình, ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên?

Văn hóa do con người tạo ra từ nền tảng sẵn có, cùng với sự trau dồi, trải nghiệm của cá nhân. Tôi nhận ra rằng, dù tôi được nuôi dạy và trưởng thành trong gia đình Việt, nhưng qua nhiều năm, được trải nghiệm, quan sát, những vốn sống mà tôi tích lũy khiến tôi có quan điểm riêng, có văn hóa cá nhân. Điều này khiến tôi khác biệt với chồng, với gia đình bên chồng và khác với ngay cả ba mẹ tôi.

Song nếu chỉ soi vào những khác biệt, người ta sẽ sớm nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, và tôi sẽ không bao giờ nhận ra điều cốt lõi nhất trong gia đình, đó là tình yêu thương. 

Tôi hiểu rằng, dù ông bà bên nội hay bên ngoại chăm sóc các cháu bằng cách luôn luôn có mặt tại nhà để cơm nước, chăm lo ăn ngủ, hay có những thú vui riêng và chỉ có mặt khi chúng tôi thực sự cần, thì các ông bà vẫn yêu thương cháu nhiều như nhau. 

Cũng sau hành trình 5 năm với gia đình đa văn hóa của mình, tôi hiểu rằng, không phải cứ có khác biệt là sẽ mâu thuẫn, và mâu thuẫn cũng không hẳn là tiêu cực. Điều quan trọng là tôi cần điều chỉnh lại góc nhìn của mình và nhận ra được điều thực sự quan trọng trong những khác biệt đó. 

Vũ Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI