'Nữ quyền' lệch lạc

04/03/2018 - 06:00

PNO - Phụ nữ hãy tự do làm điều mình thích, thoải mái sống theo cách bản thân mình muốn trong chừng mực cho phép, thì mới chính là cách tôn vinh nữ quyền đích thực.

Chuyên đề 'Nữ quyền': Chuyện chưa bao giờ cũ

Thời nay, phụ nữ “khôn ngoan” và ý thức rất cao về vấn đề bình đẳng giới cũng như nữ quyền. Thế nhưng, không hiếm khi “nữ quyền” chưa được hiểu đúng hay người trong cuộc vận dụng chưa “chuẩn”, thậm chí quá lố, dẫn tới phản tác dụng, khiến hình ảnh mình trở nên méo mó, đáng thương trong mắt người khác...

Là đàn bà, tôi có quyền!

Mỗi lần hồn nhiên chạy xe ngoài đường, Mai hay lẩm bẩm, sao mà “tụi nó” không biết nhường nhịn chị em gì cả, cứ chen lấn giành lối vậy nhỉ, rồi quyết “giành đường” cho bằng được. Cho tới một lần, anh tài xế xe tải thò đầu ra khỏi ca-bin quát một câu rất chỏi rằng: “Đường nhà cô hay sao mà chạy hỗn thế hả?”. Mai chưng hửng, trong lòng tự bào chữa: ừ thì đàn bà con gái phải được ưu tiên, muốn đi thế nào chẳng được, thiên hạ có nghĩa vụ phải tránh chứ, đương nhiên rồi!

'Nu quyen' lech lac
Ảnh minh họa

Cũng với suy nghĩ “là đàn bà, tôi có quyền” ấy mà tới cơ quan, Mai hay tị nạnh, đùn đẩy công việc với nam đồng nghiệp. Câu cửa miệng của cô là “phụ chị em một tay đi nào. Ai lại để phái đẹp phải gánh vác nhiều như vậy”. Riết rồi cánh đàn ông chung phòng với Mai đều lảng xa, tránh bị cô lợi dụng thế mạnh “nữ quyền” của mình để lười nhác.

Khó coi nhất có lẽ là quan điểm “em là phụ nữ, sao nỡ bắt em… trả tiền” của Mai. Đành rằng, quý ông hay hào hiệp giành lấy phần mở hầu bao nhưng Mai cũng như nhiều chị em lại mặc định coi đấy là… chân lý.

Thậm chí họ thường xuyên lơ đi không chia sẻ hóa đơn tiền ăn, tiền nước, tiền mua sắm với người khác phái. Chỉ cần có anh nào lỡ dại buông câu “để anh thanh toán luôn thể” là Mai hí hửng nhận ngay, không chút áy náy. Có lẽ Mai không nhận ra rằng, một hai bận còn được, chứ thành thói quen, dễ bị đánh giá là không biết điều, thích lợi dụng người khác…

Có nhiều chị em luôn tự coi mình là “nữ chúa”. Ai từng chứng kiến cảnh mấy cô gái mè nheo với người yêu hoặc chồng một cách quá quắt mới “ớn” xì-tai này. Đành hanh đủ thứ, hành hạ nhau lên bờ xuống ruộng để chứng tỏ mình muốn đì ai cũng được. Hẹn hò thì đến trễ, trước đó bắt chờ đợi cả buổi để sửa soạn trang điểm.

Õng ẹo sợ kiến, sợ sâu, sợ nước, sợ tiếng động mạnh, sợ bóng tối, sợ… việc nhà. Hoặc gì cũng muốn được ưu tiên hơn người khác, bởi suy nghĩ, như thế mới là bình đẳng giới, là nữ quyền, là không ai dám “ăn hiếp” mình… Phụ nữ là phải đồng bóng hoặc yếu đuối thì mới đúng điệu ư?

'Nu quyen' lech lac
Ảnh minh họa

Ở một thái cực khác, đàn bà lại hùng hục để chứng tỏ sự mạnh mẽ. Chuyện gì các chị cũng tuyên bố tự xử lý lấy, coi đàn ông là chuyện nhỏ, đâu cần “bọn chúng” phải nhúng tay vào. Là đàn bà, tôi có quyền thể hiện quan điểm rõ ràng là mình không cần đến “bố con thằng nào cả”.

Như một cách tuyên chiến ngấm ngầm, rạch ròi, rằng việc gì anh làm được thì tôi cũng “cân” nổi, đâu có kém cạnh. Sự “gồng lên” ấy khiến nam giới vừa buồn cười ái ngại, vừa cảm thấy tội nghiệp. Phải chờ đến khi người đàn ông của họ ngao ngán hỏi: rốt cuộc thì em muốn là một người đàn bà hạnh phúc hay kiên cường bất khuất vậy, mẫu phụ nữ ấy mới chưng hửng hiểu, hóa ra bấy lâu có gì đó sai sai trong cách mình đòi hỏi quyền của đàn bà.

Chỉ sợ mình thiệt thòi

Ngay từ thời còn nhỏ, tôi đã được mẹ “định hướng” rằng, làm đàn ông sướng lắm. Đàn bà cái gì cũng lỗ lã bất tiện, khổ sở đủ thứ. Sinh ra con gái là thấy tội nghiệp cho nó... Nên đừng ngạc nhiên khi hồi nhỏ, tôi luôn đề cao cảnh giác trước anh em trai; chỉ sợ cha mẹ đối xử với các anh em mình có phần nhỉnh hơn, từ đồng quà tấm bánh cho tới việc bếp núc; từ quần áo cho tới đồ chơi, sách vở. Tôi thường cố giành lấy quyền lợi về mình bằng mọi giá, như để vỗ về nỗi sợ hãi vu vơ là “coi chừng mình thua thiệt”.

Ghim gút trong tim thái độ sống ấy, tôi ít thân tình gần gũi với các anh em trai trong nhà lẫn bạn bè khác giới, tâm tính tôi luôn so đo thiệt hơn, phản ứng nhiều khi gay gắt thái quá. Thậm chí đôi khi tôi còn ghét bỏ các anh em trai của mình. Lớn thêm chút, trải đời nhiều hơn, hiểu rõ sự vô lý của bản thân, thì những năm tháng ấu thơ đẹp đẽ kia đã vụt qua mất rồi. Tôi tưởng mình kịp rút kinh nghiệm, hóa ra khi kết hôn, tôi vẫn vô thức sợ chồng lấn lướt, lo nhà chồng chà đạp hiếp đáp.

Mình là đàn bà, lúc nào cũng phải trong tâm thế dè chừng, thủ thân, không được lơ là mất cảnh giác. Hậu quả nhãn tiền là tôi nhanh chóng trở nên béo phì vô tội vạ vì… mải miết ăn, sợ bị ốm o gầy mòn thì chồng chê chồng bỏ! Sâu xa hơn, tôi soi ngó chồng từng chút về việc nhà, việc chăm con, ai nhàn ai khổ, tủn mủn nhỏ nhặt: tại sao cùng đi làm về mà anh ấy thi thoảng lại được bù khú với đồng nghiệp, còn mình phải cặm cụi nấu cơm? Ta phải vùng lên cho khỏi kém cỏi chứ!

Dăm ba lần “dạt nhà” đi cà phê với bạn bè, tôi nhận ra rằng, mình thật không vui được nhiều như đã tưởng, khi bếp núc lạnh tanh, phòng ngủ bề bộn. Mọi công việc “của đàn ông” tôi phân công cho chồng một cách rạch ròi, sòng phẳng. Nếu anh càu nhàu hay cần thương lượng nhờ vả gì, tôi sẵn sàng phang ngay một câu: thời buổi này vợ đâu phải Ô-sin nhà anh!

'Nu quyen' lech lac
Ảnh minh họa

Sau hơn mười năm chung sống, cuộc hôn nhân của chúng tôi nhìn có vẻ vẫn ổn, nhưng chỉ thâm tâm tôi biết, dường như sự hết lòng, sự cho đi không toan tính, tình cảm lứa đôi yêu thương theo dạng “vì yêu mà hy sinh, chấp nhận” dẫu chỉ là vài chăm chút nhỏ nhặt dành cho nhau đều thiếu vắng. Chẳng biết có phải vì thế mà hạnh phúc ngang qua gia đình tôi cũng lờ nhờ tạm bợ một cách đáng buồn…

Bí quyết sử dụng “nữ quyền”

Một phụ nữ hiện đại, ý thức rõ về giá trị bản thân, biết vị trí và giới hạn của mình sẽ “đánh son chứ không đánh ghen, kiếm tiền chứ không kiếm chuyện, giữ sắc chứ không giữ chồng”. Biết tự yêu mình, khi cần cũng dám “ích kỷ” dành thời gian và tiền bạc chăm sóc nâng niu chính mình, thì đấy cũng là một cách tôn trọng nữ quyền. Xã hội vẫn còn đâu đó suy nghĩ, đàn bà mà thành đạt hơn chồng là điều mà mọi người không mấy tán thưởng, là không nên.

Thế nên người ta luôn luôn muốn phụ nữ phải thấp hơn đàn ông một tí, từ tuổi tác cho tới năng lực, địa vị, của cải… dẫn tới cảnh nhiều chị em đành cố tình “hạ mình” xuống cho dễ thở hay tức tối “lên gân” cho bõ ghét. Hoặc tâm lý luôn muốn phải đề phòng, đấu tranh dù không tới mức bất công vẫn còn đâu đó trong muôn hình vạn trạng của việc hiểu sai khái niệm nữ quyền. Tất cả đều chẳng phải là lựa chọn tối ưu, lâu dài.

Phụ nữ đừng dại dột đánh mất bản sắc giới tính của mình bằng cách máy móc yêu cầu phải bình đẳng “y như nam giới” mà hãy tự do làm điều mình thích, thoải mái sống theo cách bản thân mình muốn trong chừng mực cho phép, thì mới chính là cách tôn vinh nữ quyền đích thực.

Quỳnh Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI