Niềm tin vắc xin đưa châu Á trở lại “bình thường mới”

05/10/2021 - 20:10

PNO - Khi Mỹ và châu Âu tăng cường các chương trình tiêm chủng COVID-19, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải vật lộn để chống chọi virus vì thiếu vắc xin. Giờ đây, nhiều nước trong số đó đang tăng tốc về phía trước, làm dấy lên hy vọng trở lại “bình thường mới” ở khu vực này.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia thậm chí đã vượt qua Mỹ về số liều vắc xin được tiêm tính trên đầu người. Một số nước đã vượt qua Mỹ trong việc tiêm chủng đầy đủ cho người dân nhằm hạn chế sự nguy hiểm của biến thể Delta

Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết, vắc xin đã giúp hầu hết mọi người không phải đến bệnh viên. Theo dữ liệu do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc thu thập từ tháng 5 đến tháng 8, khoảng 0,6% những người được tiêm chủng đầy đủ nhiễm COVID-19 bị bệnh nặng và khoảng 0,1% đã tử vong.

Người dân châu Á có niềm tin mạnh mẽ về việc vắc-xin là cách duy nhất giúp họ thoát khỏi đại dịch - ẢNH: AFP
Người dân châu Á có niềm tin mạnh mẽ về việc vắc xin là cách duy nhất giúp họ thoát khỏi đại dịch - Ảnh: AFP

Tại Nhật Bản, các trường hợp nghiêm trọng đã giảm một nửa trong tháng trước. Số ca nhập viện cũng đã giảm mạnh từ mức cao, hơn 230.000 vào cuối tháng 8 xuống còn khoảng 31.000 cuối tháng 9. Tiến sĩ Jerome Kim - Tổng giám đốc Viện Vắc xin quốc tế (tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Seoul và tập trung vào nghiên cứu vắc xin cho các nước đang phát triển) - cho biết: “Châu Á luôn sẵn sàng sử dụng vắc xin khi có”.

Ở Đông Nam Á, việc triển khai vắc xin diễn ra chậm chạp và không đồng đều do hầu hết các quốc gia này không sản xuất vắc xin cùng với nhiều vấn đề gặp phải về cung cấp. Nhưng đối với phần lớn khu vực, sự thay đổi đã diễn ra rất ấn tượng, thành công bắt nguồn từ những quan điểm và cách quản lý. Điều này hoàn toàn ngược lại với Mỹ, Anh hay EU, bởi vắc xin chưa bao giờ là một vấn đề phân cực ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù mỗi quốc gia đã phải đối mặt với các phong trào chống vắc xin của riêng mình, nhưng chúng tương đối nhỏ. Nhìn chung, hầu hết người châu Á đều tin tưởng chính phủ sẽ làm điều đúng đắn và họ sẵn sàng đặt nhu cầu của cộng đồng lên trên quyền tự do cá nhân. Tiến sĩ Reuben Ng - trợ lý giáo sư của Đại học Quốc gia Singapore - cho rằng, trước COVID-19, các cuộc thảo luận về tiêm chủng luôn bị trộn lẫn ở châu Á bởi vì một số hoài nghi về sự an toàn. Nhưng theo phân tích của nhóm nghiên cứu của ông, họ đã phát hiện ra rằng khu vực châu Á hiện có quan điểm rất tích cực về vắc xin.

Có một niềm tin rộng rãi ở châu Á rằng, vắc xin là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch. Bên cạnh đó, việc phong tỏa kéo dài khiến người dân cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêm vắc xin. Ngoài ra, nhiều chính phủ đã sử dụng các biện pháp nới lỏng để đẩy nhanh việc tiêm chủng.

Ở Hàn Quốc, các nhà chức trách đã giảm bớt các hạn chế vào tháng 8 đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi vẫn duy trì các quy định nghiêm ngặt hơn đối với người chưa tiêm. Singapore, quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho 82% dân số, trước đó đã công bố các biện pháp tương tự.

Tiến sĩ Takashi Nakano - giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Kawasaki (Nhật Bản) - cho biết: “Thông thường, mọi người do dự, họ không mấy mặn mà với vắc xin. Nhưng nay, có một cam kết mạnh mẽ, một cảm giác thực sự trong các quốc gia rằng, COVID-19 là một căn bệnh truyền nhiễm, chúng ta cần phải thực hiện các bước để ngăn chặn nó, trong đó việc đầu tiên là tiêm chủng”. 

Khánh Anh 
(theo AFP, The Straits Times, CAN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI