Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc hay chúng ta phải sống cùng?

03/10/2021 - 19:23

PNO - Nhiều người đang hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ được kìm hãm hoặc kết thúc trong sáu tháng tới nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng, điều đó khó có thể xảy ra.

Mặc dù nhiều nước trên thế giới đang chạm vào cột mốc tiêm chủng đề ra nhưng các nhà khoa học khẳng định, đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc sớm cho đến khi tất cả mọi người đều sẽ bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm phòng trước khi nó kết thúc.  

Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ), đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden - cho biết: “Tôi thấy những đợt gia tăng ca nhiễm mới tiếp tục xảy ra trên khắp thế giới. Sau đó, nó có thể giảm xuống rồi sẽ có một đợt khác xuất hiện. Hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng nên chúng ta rất ít có cơ hội để loại bỏ virus. Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, sẽ luôn có những người dễ bị nhiễm xuất hiện như trẻ sơ sinh, những người không thể hoặc không muốn tiêm chủng. Thậm chí, cả những người đã tiêm phòng nhưng vẫn bị nhiễm đột ngột khi mức độ bảo vệ của họ giảm xuống”.

COVID-19 có thể sẽ giống như bệnh cúm, đòi hỏi phải bổ sung vắc-xin thường xuyên để duy trì hiệu quả kháng thể
COVID-19 có thể sẽ giống như bệnh cúm, đòi hỏi phải bổ sung vắc xin thường xuyên để duy trì hiệu quả kháng thể

Theo các nhà khoa học, vài tháng tới sẽ khó khăn. Một mối nguy hiểm chính là nếu một biến thể kháng vắc xin phát triển hoặc xuất hiện. Chúng ta sẽ trải qua những thời điểm tăng lên rồi hạ xuống từ các ca nhiễm virus. Điều này sẽ tái đi tái lại ít nhất là trong vài năm tới. Thậm chí, có thể ví von rằng đại dịch như một trận cháy rừng sẽ không dừng lại cho đến khi không còn một cây nào để cháy.

Lone Simonsen, nhà dịch tễ học và là giáo sư khoa học sức khỏe dân số tại Đại học Roskilde (Đan Mạch) cho biết, trong 130 năm qua đã có năm đại dịch cúm được ghi nhận. Trong đó, đợt bùng phát cúm toàn cầu dài nhất là kéo dài 5 năm, chủ yếu có 2 - 4 đợt lây nhiễm trong thời gian trung bình hai hoặc ba năm. Tuy nhiên, COVID-19 đã được định hình là một trong những đại dịch nghiêm trọng hơn, khi hiện tại đã sắp hết năm thứ hai và đang ở giữa làn sóng thứ ba mà vẫn chưa cho thấy hồi kết.

Lịch sử cho thấy hy vọng virus sẽ tự động giảm dần theo thời gian rồi sẽ biến mất là sai lầm. Mặc dù các đột biến mới không phải lúc nào cũng nghiêm trọng hơn so với các đột biến trước đó nhưng không thể xóa sổ vì những biến hóa, thích nghi của nó. Do đó, COVID-19 có thể giống như bệnh cúm, đòi hỏi phải bổ sung vắc xin thường xuyên để duy trì hiệu quả kháng thể. Điều đó cũng chứng mình rằng đại dịch sẽ không kết thúc trong sáu tháng nữa. 

Các chuyên gia đồng ý rằng đại dịch sẽ được chế ngự một khi hầu hết mọi người - có lẽ là 90 - 95% dân số toàn cầu - có một mức độ miễn dịch nhờ chủng ngừa hoặc nhiễm bệnh trước đó. “Nếu không tiêm phòng bạn sẽ bị nhiễm. Nếu không phủ khắp, bạn sẽ mãi loay hoay để đối phó với nó”, Simonsen nói.

Hiện có hơn 5,66 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng trên khắp thế giới nhưng mỗi quốc gia và mỗi khu vực có mức độ tiêm chủng khác nhau, vì thế mỗi nước sẽ có một thái độ ứng phó với COVID-19 khác nhau. Erica Charters - phó giáo sư về lịch sử y học tại Đại học Oxford (Anh) và là điều phối viên của một dự án nghiên cứu về cách kết thúc dịch bệnh - cho biết đại dịch sẽ kết thúc vào những thời điểm khác nhau ở những nơi khác nhau. Các chính phủ sẽ phải quyết định xem họ sẽ sống như thế nào với căn bệnh này.

“Quá trình kết thúc sẽ không đồng nhất. Ngay cả bây giờ, chúng tôi cũng có những cách tiếp cận khác nhau đối với virus SARS-CoV-2. Nó có thể sẽ rất lộn xộn, để lại một hậu quả lâu dài trong nhiều năm tới”, Charters nói. 

Thảo Nguyễn (theo JP Times, Reuters)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI