Những đôi dép trên bờ vuông tôm

03/08/2016 - 19:46

PNO - Khi không được cảnh báo một cách nghiêm túc, đối với những đứa trẻ nông thôn, con sông đâu khác gì… bãi cỏ? Nhưng, có khúc sông quen, có cái ao nhà nào “thiên vị” một đứa trẻ liều lĩnh, dại dột?

“Bán: Giày trẻ con, chưa mang lần nào” là bản dịch đầy đủ của Giày trẻ con - một truyện cực ngắn gây chấn động văn học thế giới. Chỉ với sáu chữ trong nguyên tác tiếng Anh (“For sale: baby shoes, never worn”), “Giày trẻ con” của Ernest Hemingway(*) đã để lại những ám gợi vô tận. Đã có hàng trăm nghìn những suy đoán và liên tưởng, phóng tác theo Giày trẻ con với những câu chuyện đầy đủ nhất. Nhưng, cái khoảnh khắc đôi giày bị tách khỏi đứa trẻ (chưa kịp mang) mà đem bán ấy - trong mọi sự “đồng sáng tạo” từ người đọc - đều có màu sắc bi thương.

Tôi nhớ đến Giày trẻ con đầy bi thương của Hemingway khi nhìn thấy trên báo những đôi dép của những đứa trẻ đuối nước bị bỏ lại trên bờ, khi được nghe một bậc sinh thành kể lại cái khoảnh khắc sấp ngửa đi tìm con khắp bờ bao những sông hồ, ao cá, vuông tôm mà chỉ thấy đôi dép.

Ngày 19/5, ở xóm 3, xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nghe tiếng hô hoán từ hồ nước công trình, ông Trần Hải Thìn chạy ra tìm thì chỉ thấy quần áo và ba đôi dép. Vụ đuối nước khiến ba anh em Trần Quang Trung (11 tuổi), Trần Thu Hương (sáu tuổi) và Trần Việt Hưng (10 tuổi) tử vong.

Nhung doi dep tren bo vuong tom
Ảnh minh họa

Vụ tai nạn vào ngày 16/4 khiến chín học sinh chết đuối trên sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi được ông Nguyễn Tấn Thái - người nhảy xuống vớt nạn nhân - miêu tả: “Đang cắt cỏ thì nhận được hung tin, tôi chạy tới thì chỉ thấy vài chiếc dép nổi lềnh bềnh trên mặt nước”.

Mới đây, ngày 1/8, tại xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, thấy ba em Trần Thùy Trang (10 tuổi), Trần Gia Khánh (bảy tuổi) và Hồ Thành Đạt (bảy tuổi) ra ao tôm chơi, ông Dương Văn Kỵ xua về nhà. Đến lúc quay lại thăm vuông tôm, ông phát hiện vụ đuối nước với ba đôi dép trẻ con trên bờ.

Cái khoảnh khắc “tìm thấy đôi dép” trong những bi kịch này, tôi từng được nghe tái hiện lại bởi giọng kể run run của anh “Chánh mù” trong chương trình Khát vọng sống của báo Phụ nữ. Là một người khỏe mạnh bỗng chốc mù mắt, phải sống đời tăm tối và cơ hàn, nhưng điều ám ảnh nhất đời anh lại là đôi dép mò mẫm được trên bờ ao, báo hiệu cái chết của đứa con gái vừa mới năm tuổi.

Những đôi dép thân thuộc vốn là dấu hiệu nhận biết người thân, bỗng trở thành chỉ dấu của một thảm nạn, một cuộc phân ly vĩnh viễn. Lý giải cơn cớ dẫn đến tai nạn của con bằng đời sống gắn liền với ao rạch, anh Chánh buông thõng câu hờn trách: “Ai dè cái ao cũng có ngày trở mặt”.

Nhưng, cái ao, hồ nước có thật là đã “trở mặt” không? Hay, chính những đứa trẻ hồn nhiên đã chưa từng được dạy để có đủ hiểu biết và kỹ năng mà bầu bạn, “làm thân” với sông nước?

Hầu hết những vụ đuối nước đều xảy ra với trẻ em nông thôn, tại một cái ao bên nhà, một hồ nước quen, một khúc sông trên đường đi học. Những mối hiểm họa ấy vẫn được xem là môi trường sống hiển nhiên của trẻ con nông thôn. Đó là nơi các em được “thả” ra để chơi đùa, giải trí mỗi ngày. Có lẽ, không ai quá bận tâm việc cảnh báo nguy hiểm, hay dạy một đứa trẻ cách chung sống trong môi trường của chúng nữa! Còn phụ huynh ở nông thôn thì yên tâm bỏ lửng việc cảnh báo, giáo dục kỹ năng cho những đứa trẻ vốn được xem là dẻo dai, khéo léo và có sức sống cao hơn trẻ con thành thị. Những đứa trẻ đầu trần chân đất, vì thế, bị bỏ mặc để… tự dạy nhau, hoặc để chính sông hồ dạy.

Khi không được cảnh báo một cách nghiêm túc, đối với những đứa trẻ nông thôn, con sông đâu khác gì… bãi cỏ? Nhưng, có khúc sông quen, có cái ao nhà nào “thiên vị” một đứa trẻ liều lĩnh, dại dột? Mọi đứa trẻ đều có thể lâm nguy trong một môi trường nguy hiểm. Và, khi Việt Nam là nước có số trẻ chết đuối nhiều gấp 10 lần so với các quốc gia phát triển với trung bình chín đứa trẻ tử vong mỗi ngày (theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới công bố vào cuối năm 2014) thì mặc kệ những lầm tưởng của người lớn, trẻ con nông thôn vẫn thuộc nhóm trẻ gặp tai nạn nhiều hơn cả. Dẫu rằng, người sống gần sông nước sẽ quen với sông nước, nhưng trong một tình huống nguy hiểm, thì mọi đứa trẻ đều non nớt, bé nhỏ, và yếu đuối như nhau.

Từ những năm 1980, việc bơi lội từng trở thành một kỹ năng quen thuộc và hiển nhiên của người Việt ở nông thôn với các phong trào “Chi đoàn biết bơi”, “Toàn xã biết bơi”. Những kỹ năng sống này càng ngày càng được nhận thức sâu, nhưng hướng hành động thì ngày càng bị co lại. Chương trình phổ cập bơi lội được Bộ GD-ĐT phát động hơn 5 năm nay và được các phòng giáo dục trên cả nước lần lượt triển khai. Nhưng, chuyện dạy - học bơi ở thành phố vẫn đồng bộ và chuyên nghiệp hơn ở nông thôn, ở những quận trung tâm thì thuận lợi và rốt ráo hơn các huyện ngoại thành.

Ngay tại TP.HCM, một số trường tiểu học ở huyện Bình Chánh sau 5 năm vẫn chưa thể triển khai dạy bơi, vì... trường không có hồ bơi, lại không đủ nguồn lực để mỗi giờ học lại đưa học sinh đi gần 20 cây số đến nơi có hồ bơi. Trong khi đó, càng ở những nơi xa trung tâm, nhiều sông suối, trẻ con càng thường xuyên phải dùng đến kỹ năng bơi lội. Đối với trẻ em thành thị, kỹ năng bơi lội phần lớn phục vụ cho nhu cầu rèn luyện thể chất, để được… đến hồ bơi mỗi cuối tuần. Còn ở nông thôn, bơi lội là để sinh tồn.

“Bơi như rái cá”, “khỏe như vâm” - những “lợi thế” được mặc định ở những đứa trẻ đầu trần miệt đồng ruộng, sông nước, nếu có, hẳn đã được đánh đổi bằng bao phen liều lĩnh, đánh cược tính mạng. Cùng với mặc định ngây ngô ấy, có những mùa hè mà tiếng cười rộn rã của trẻ con thoắt lịm bên bờ nước im lìm. Chỉ có những đôi dép ở lại, cùng tiếng gào khóc muộn màng...

Minh Trâm

(*) Vẫn còn nhiều tranh cãi về tác giả của truyện Giày trẻ con, nhưng hầu hết các giả thuyết đều nghiêng về Hemingway

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI