Một phụ nữ cưu mang hàng trăm người già gần đất xa trời

15/08/2020 - 05:51

PNO - Hiện tại mái ấm cô Hồng đang cưu mang 75 cụ, hơn phân nửa là các cụ nằm liệt, không tự đi vệ sinh được, phải mặc tã. Riêng việc xử lý tã của các cụ đã là cả vấn đề, chưa tính bệnh tật, thuốc thang và những chuyện khác.

Cô Hồng rửa mặt, lấy khăn lau cho cụ ông, bất ngờ bị cụ ông ghì mạnh, ôm hôn. Cô nhanh nhảu lùi lại một bước vừa đỡ cụ ngồi cho vững, vừa từ tốn nói: “Con biết ngoại thương con nhưng ngoại đừng làm như vậy. Nếu chồng con thấy được mà không hiểu, mà ghen tuông, sẽ không cho ngoại ở nữa, ngoại biết đi đâu, sẽ càng khổ”.

Nhắc nhở chỉ để cụ ông không lặp lại hành động này chứ cô Hồng không trách cứ hay đánh giá gì. Lại càng thương khi nghĩ đến tình cảnh cụ ông vất vưởng đầu đường xó chợ, tứ cố vô thân, nay được mình đưa về săn sóc, nâng niu, có lẽ lòng cụ chợt cuộn lên cảm giác yêu thương mà cũng không giải mã chính xác được là thứ tình gì.

Thức dậy từ hai giờ sáng để tắm rửa, thay tã

Đó là một trong 1.001 tình huống “khó đỡ” của cô Nguyễn Thị Hồng trong suốt 14 năm phát tâm nuôi người già tại nhà riêng ở H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hàng trăm lượt mái tóc pha sương đã đến và ra đi tại mái ấm này. Chi phí khám chữa bệnh các cụ rất cao vì không ai có bảo hiểm y tế. Nhiều cụ lúc vào mái ấm không một tờ giấy lận lưng, đãng trí chẳng nhớ tuổi tên, quê quán, chỉ chụp tấm hình để đăng ký tạm trú tại địa phương. 

Cũng vì thương người như thể thương thân, hai giờ sáng cô Hồng đã thức dậy tắm rửa, thay tã khắp lượt, nếu cô ngủ thẳng giấc đến sáng thì “bãi chiến trường” còn ngổn ngang hơn vì các cụ xé tã, trây trét, ngập lưng, ngập đầu. Hai giờ sáng, tã đã ướt sũng.

Nếu mình bị ngứa ngáy, bứt rứt như vậy thử hỏi có chịu nổi không? Nghĩ vậy, cô Hồng ngắt đôi giấc ngủ của mình để tặng cho các cụ một chỗ nằm khô ráo, sạch sẽ. Nhiều cụ còn nối giấc ngủ đến sáng. Được săn sóc tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý, các cụ sống vui khỏe, có cụ thọ đến 96 tuổi.

Mỗi năm trung bình 10 cụ tạ thế tại nhà mở này. Có khi một cụ vừa tắt thở, một cụ khác bên ngoài cũng quy tiên mà không có thân nhân, mái ấm rộng cửa tiếp nhận, sẵn sàng lo chi phí hỏa táng. Thế là hai chiếc hòm được đặt song song nhau cùng nghe tiếng kinh cầu siêu.

Mỗi năm, mái ấm cúng giỗ tập thể một lần. Không chỉ nuôi người già, tại đây, cô Hồng còn thường xuyên phát cơm chay và hỗ trợ những chuyến xe từ thiện chở bệnh nhân nghèo đi cấp cứu, ngày cũng như đêm, trong cũng như ngoài tỉnh. Tên đăng ký giấy phép là Cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo nhưng người dân từ lâu đã quen gọi là “mái ấm cô Hồng”.

Hiện tại gia đình cưu mang 75 cụ, hơn phân nửa là các cụ nằm liệt, không tự đi vệ sinh được, phải mặc tã. Trước đây, chồng cô Hồng phải đem đống tã ra khoảng đất trống, dùng gậy trải đều phơi khô mới đốt cháy. Về sau nhiều người bạn góp công xây một lò gạch chuyên đốt tã. 

Cô Hồng (bìa phải) tất bật lo cơm nước, đút ăn, tắm rửa vệ sinh cho các cụ, chú Thuận (bìa trái) cũng lăng xăng sửa chữa điện đóm, coi sóc nhà cửa...
Cô Hồng (bìa phải) tất bật lo cơm nước, đút ăn, tắm rửa vệ sinh cho các cụ, chú Thuận (bìa trái) cũng lăng xăng sửa chữa điện đóm, coi sóc nhà cửa...

Cô Hồng đưa chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác về sự kiên định của cô khi duy trì mái ấm, khi tám năm đầu gia đình âm thầm nuôi dưỡng các cụ mà không ai bên ngoài biết để góp cùng, khi số vàng cưới và đất đai hương hỏa lần lượt về với chủ mới đổi lấy cuộc sống cho các cụ.

Riêng chi phí ăn uống, sinh hoạt của đại gia đình đã hơn hai triệu đồng/ngày. Cô thổ lộ tâm nguyện nuôi các cụ đến khi không còn của cải gì để bán mới đem gửi các cụ đến mái ấm khác. 

Bỗng ánh mắt cô long lanh nhìn về phía người đàn ông khệ nệ ôm bột ngọt, hủ tíu, sữa… lách mình qua cánh cửa. “Người yêu của tôi đó. Không có ảnh, tôi không lo cho các cụ được thế này đâu” - cô Hồng ngọt ngào giới thiệu về ông xã Trần Thanh Thuận. Hai người nhờ mai mối mà thành nợ duyên, chung sống đã gần 40 năm.

“Hãy rời xa em nếu anh không chịu nổi thiệt thòi”!

Thực ra, buổi đầu khi cô Hồng ngỏ ý nuôi người già, chú Thuận đã cật lực phản đối. Già yếu, già bệnh, già sinh tật, già chết, vợ chồng buôn bán lúa, xăng dầu vượt qua bao khó nhọc mới có chút tích lũy, cớ gì giờ lại rước khổ vào thân. Nếu nuôi một vài em bé thì tạm chấp nhận. Nếu muốn giúp đỡ người già thì cứ đến thăm, hỗ trợ kinh phí cho các trại dưỡng lão, chùa chiền. 

Nhưng trong thâm tâm, cô Hồng quyết nuôi người già, tự tay săn sóc bằng cả lòng thành mới xoa dịu được nỗi đau của các cụ ở tuổi gần đất xa trời. Và duyên đã đến vào năm 2006, đi thành phố Biên Hòa thăm con học, cô Hồng gặp một cụ bà ra phía triền sông, khóc rưng rức.

Hỏi ra mới biết vì bà lớn tuổi, không làm nổi công việc, bị chủ đuổi, biết đi đâu về đâu. Cô Hồng rủ về nhà với điều kiện phải ăn chay. Cụ mừng ra mặt, riu ríu đi theo. Giờ thì đến lượt cô Hồng lo. Lo là lo chú không đồng ý mà rước cụ về sợ chú la rầy. Nhưng rất may là chú không la, chỉ nhìn cụ, không nói gì. 

Khi chồng vui, cô Hồng hỏi: “Anh không đồng ý mà em đem cụ về sao anh không la rầy?”. Đáp lại, chú Thuận chỉ lắc đầu: “Hết nói nổi rồi”. Cứ vậy, cô rước thêm một, hai, rồi ba cụ cơ nhỡ về sống chung nhà. Đến khi manh nha định rước một ông cụ bán vé số, bị liệt, cô sợ quá sức lo của gia đình, chú không tiếp nhận và lỡ nói lời khiến cụ tổn thương. Nghĩ nát nước, cô lập kế, bàn với chú sẽ cất nhà lá bên cạnh dọn cho các cụ ra riêng.

Cô Hồng ân cần vấn an các cụ
Cô Hồng ân cần vấn an các cụ

Nhà vừa hoàn thành, cô đường hoàng rước cụ liệt ấy về trong sự “bất lực toàn tập” của ông xã. Rồi đến ông mù ngoài đình không còn ai thân thích, đến cô dược sĩ trẻ tự dưng bị đột quỵ ngoài đường, đến ông người Hoa sống gầm cầu thang đi bán vé số bị giật khiến té gãy chân, đến chú tâm thần tìm đến nương thân và mang theo cả sở thích quái đản là mỗi ngày hốt cát bỏ đầy ba hộc tủ… Gian nhà được nối cây nối kèo thành một dãy, rồi nhiều dãy nhiều khu tùy theo giới tính và tình trạng có tự đi vệ sinh được hay nằm tại chỗ.

Thời gian mới nuôi dưỡng các cụ, chồng cô Hồng không la, nhưng không cùng chăm sóc. Về sau, mỗi lần vợ chồng định đi thăm con, phải chờ cô Hồng thay tã cho các cụ quá lâu nên sốt ruột, sợ đi muộn, từ đó chú nhảy vào làm phụ, rồi “về cùng đội” lúc nào không hay. 

Ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cách thành phố Vũng Tàu không xa mà cả đời cô Hồng chưa đi nên chẳng tới. “Các ngoại cần mình lắm. Ở nhà với các ngoại là vui nhất rồi” - cô khẳng định. Trước câu hỏi đùa: “Cô không sợ ông xã mượn “vợ người ta” để đi du lịch, tận hưởng cuộc sống sao?”, cô Hồng cười ngất và nói: “Từ lâu, tôi thường thỏ thẻ với chồng rằng nếu anh không chịu nổi khó nhọc, thiệt thòi thì anh cứ tự động rời xa em.

Trước đây, khi chăm mẹ bệnh nặng, tôi cũng “mở đường thoát” cho chồng như vậy. Nhưng anh ấy đã không rời xa mà ngày càng hỗ trợ đắc lực cho mình để chăm sóc các ngoại, cứ lầm lũi sửa ống nước, sửa đèn, quạt, tiếp lương thực… chứng tỏ anh ấy hạnh phúc lắm, không mất mát gì đâu”. 

Cũng có khi chú phân bì vì bị bệnh chỉ có cha mẹ ruột săn sóc, không được vợ tự tay bưng cháo, phát thuốc như các cụ. Không bỏ mặc chồng ôm “mối tình đơn phương”, cô Hồng cũng tranh thủ “nghỉ phép” mươi phút để vấn an, tâm sự với chồng.

Có lần cô Hồng nghe lén chồng chia sẻ với khách ghé thăm: “Tâm nguyện của vợ tôi là được giúp người già, giờ tôi cũng ủng hộ hết mình. Miễn vợ tôi vui là tôi vui”.

Hiểu được chồng đã bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc từ sự cho đi, chứ không là chịu thua “bà vợ lì bướng, hết nói nổi”, cô Hồng mừng đến rớm nước mắt. Những lần cô Hồng đút ăn, cho uống thuốc bất ngờ bị cụ tấn công xô đánh vào hông đến nỗi mấy tháng vẫn còn đau, dù xót vợ, chú vẫn chỉ khuyên mai mốt ráng cẩn thận, chứ không nổi xung đòi giải tán “trạm dừng chân” cuối đời này của các cụ. 

Tô Diệu Hiền

 

"Xem các ngoại như bản thân, mình mới lo nổi"

Nếu coi các ngoại như cha mẹ, mình cũng không chăm sóc nổi đâu, vì khi cha mẹ mãn phần, con lo tròn đạo hiếu coi như đã xong, đằng này cứ đưa cụ này đi, mái ấm lại rước cụ khác vào, tiếp nối, tiếp nối… Vậy thì, phải xem các ngoại như chính bản thân mình, mình còn sống ngày nào, còn thở phút giây nào là cứ còn lo.

Phân, nước tiểu cũng không còn hôi hám khi nghĩ đó là của mình, chứa trong người mình hay khi đã thải ra ngoài cũng vậy thôi. Để chồng đỡ sợ nặng nhọc, dơ bẩn, tôi thường gọi đùa đống tã là “ao sen”. Cũng với chiêu giảm nhẹ như vậy, tôi bảo chồng cứ tưởng tượng mỗi cụ như Phật, Bồ Tát. Có khi ông xã dí dỏm quật lại: “Em vô giải quyết liền đi, vị Bồ Tát của em bị ướt quần rồi kìa!”.

Mình hạnh phúc, mạnh lành còn các cụ bệnh tật, yếu liệt, không tự lo được, phải nằm chờ người khác trợ giúp, rất khổ. Chăm các cụ, tôi và người nhà cảm nhận được hạnh phúc của mình tăng gấp ngàn gấp bội. Nhà đã có, xe đã có, các con có công việc ổn định với nghề giáo viên, bác sĩ, giờ tôi chỉ muốn “kiếm vốn để về quê”.

Tôi rủ chồng, con, cha mẹ chồng… cùng “kiếm vốn” nghĩa là tích đức hằng ngày, để bình thản khi cái vô thường ập đến và đưa mình về cõi vĩnh hằng. Ba tôi cũng bệnh nặng, nằm liệt được tôi nuôi cùng các ngoại. Diễm phúc nào bằng khi có chồng, cha mẹ chồng, cả gia đình hai bên và các bạn hữu cùng góp tay săn sóc.

Thuở nhỏ, hình ảnh của ba đọng lại trong mắt tôi là một ông thầy thuốc nhà vườn quấn chiếc quần dài và đồ nghề trên đầu để lội sông đi đỡ đẻ, trị bệnh cho dân trong vùng. Đến đời tôi cũng lấy việc giúp người làm niềm vui, là cách tự nhiên nhất để giáo dục, uốn nắn con cháu. Chứ trồng cây chanh mà cứ trông đậu trái ngọt không thể được đâu!”.

Nguyễn Thị Hồng (Hoài Nhân ghi)

(Bếp cơm từ thiện cô Hồng: 133B Phan Văn Đáng, ấp Rạch Bảy, xã Phú Hữu, H. Nhơn Trạch, Đồng Nai. ĐT: 0357602184). 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI