Người vợ tâm thần và mảnh đất thừa kế 10 tỷ đồng

07/08/2018 - 09:00

PNO - Căng thẳng, bức xúc, ánh mắt đỏ ngầu, chị nói dồn: “Do chồng tôi không để lại di chúc nên giờ tôi mới bị thiệt thòi..."

Tìm về con hẻm ở thị trấn Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, vị luật sư hỏi nhà bà Tư mẹ của chị Thu Linh, chủ nhà gật đầu nói: “Đúng nhà đây rồi. Tôi là Linh. Mời các chị vào nhà”. 

Nguoi vo tam than va manh dat thua ke 10 ty dong

Một chút bối rối, vì theo vị luật sư biết thì chị Linh mắc bệnh tâm thần, sao có thể giao tiếp điềm tĩnh, gãy gọn như vậy. Tuy nhiên, khi luật sư đề cập với bà Tư - người giám hộ của chị về việc chia di sản người chồng quá cố của chị, chị len lén ngồi nghe, rồi không kìm được cơn xúc động, bắt đầu xuất hiện những phản ứng thái quá. 

Căng thẳng, bức xúc, ánh mắt đỏ ngầu, chị nói dồn: “Do chồng tôi không để lại di chúc nên giờ tôi mới bị thiệt thòi. Hình như hồi xưa ổng có đưa tôi giấy tờ gì đó mà tôi bỏ đâu mất, tìm mãi chẳng ra. Tôi bệnh khổ thế. Giờ ai kiện cũng phải chịu”. 

Mối tình lệch tuổi

Chồng chị Linh tuổi đáng bố chị, đã qua đời bốn năm vì tuổi cao sức yếu. Là quân nhân, nghỉ hưu, ông thường xuyên về nhà bạn ở Lâm Đồng chơi và quen biết chị Linh.

Khi đó, chị mới 27 tuổi, da trắng mơn mởn, tóc dài như suối. Nhưng ngặt nỗi chị đã phát bệnh tâm thần năm 20 tuổi, nhiều lần vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương II ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai điều trị và sau vài năm đã ổn.

Khi ông ngỏ lời ướm thử thì chị Linh đáp lại “phải thời ơn trên đã sắp đặt thì dù già mấy cũng phải ưng, 70 tuổi cũng phải ưng”. Cô gái trẻ đã chấp thuận, ông bước tới xin bà nhạc kém tuổi tác hợp cho mình.

Năm sau, em bé xinh xắn chào đời, cuộc hôn nhân lệch tuổi khá êm xuôi, chỉ trừ vài lần chị Linh trở bệnh, nói cười vô cớ và chửi bới, đập phá nhà cửa. 

Do tuổi già sức yếu, chồng chị Linh qua đời năm 2014, bỏ lại chị lơ ngơ và đứa con gái mới học cấp II. Cuộc sống của mẹ con chị vẫn ổn định nhờ có số tiền cho thuê nhà trọ hằng tháng.

Nhưng sự xuất hiện của luật sư tại nhà chị báo hiệu một vụ tranh chấp sắp diễn ra, xáo trộn cuộc sống đang yên lành của ba bà cháu. Mẹ chị lo lắng vì từ khi chồng mất, chị Linh nhớ thương, suy sụp, với cú sốc chia của cùng các con riêng của chồng này, biết chị có vượt qua nổi không. 

Nguoi vo tam than va manh dat thua ke 10 ty dong
Hình minh họa

Khu đất tranh chấp ở Q.9, TP.HCM. Ông được quân đội cấp trong thời gian đã ly hôn với vợ trước. Tuy nhiên, mãi đến khi kết hôn với chị Linh, giấy tờ mới hoàn thiện và sổ đỏ để tên ông. Tiền lương hằng tháng của ông và tiền cho thuê nhà trọ trên phần đất được cấp ấy đủ trang trải cuộc sống của gia đình mới. 

Chần chừ mãi đến bốn năm sau ngày ông “cưỡi hạc quy tiên”, các con của ông mới quyết định nhờ luật sư giúp chia mảnh đất của cha mình, hiện mẹ kế là chị Linh quản lý.

Trích lục hồ sơ, tự tin về pháp lý chắc thắng, luật sư vẫn lấn cấn trong lòng khi nghĩ đến cuộc sống tương lai của chị Linh, mắc bệnh tâm thần và đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. 

Theo luật, di sản của người quá cố sẽ được chia đều thành năm phần cho chị Linh, con chị Linh cùng ba người con riêng của ông. Chị Linh hiện quản lý cả mảnh đất nhưng sau khi kiện ra tòa, chắc chắn quyền lợi này sẽ thu hẹp và có thể chị còn phải chịu án phí rất nặng, tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị của mảnh đất hơn 10 tỷ đồng.

Và đã ra tòa thì cái tình còn chi nữa, trong khi mẹ con chị về sau phải nhờ sự giúp đỡ của các con riêng của ông. Mẹ ruột của chị Linh hiện là người cưu mang hai mẹ con chị nhưng tuổi bà cũng đã lớn.  

Mở lòng

Nguoi vo tam than va manh dat thua ke 10 ty dong
 
Đất đai dẫu đắt giá cỡ nào, nhưng một bó lý không bằng tí tình. Hình minh họa.

Vị luật sư mãi chưa chốt được ngày khởi kiện. Chợt nghĩ đến giải pháp vẹn toàn hơn, vị luật sư bàn với các con riêng của ông thử thương lượng và công chứng phân chia tài sản, tránh việc ra tòa. Phần luật sư, lại đi phân tích, thuyết phục phía bên kia chấp thuận phân chia, ra công chứng để giữ hòa khí đại gia đình. 

Mẹ của chị Linh từ chỗ phản đối kịch liệt vụ chia chác: “Chồng Linh chết để lại cho vợ con Linh hưởng, không ai được vô đây hưởng hết” đến sụt sùi: “Các chị ấy có của ăn của để, xin các chị cho em nó để có tiền đi học, sau này em nó có nghề nghiệp, nuôi được mẹ Linh, sẽ trả đất lại cho các chị”.

Vị luật sư giãi bày: “Phân chia rạch ròi là cần thiết và cũng bảo đảm quyền lợi của mẹ con chị Linh, vì hiện chị quản lý đất nhưng trên giấy tờ không đứng tên. Ông đã mất nhiều năm rồi, việc vợ và các con bắt tay phân chia ở thời điểm này là phù hợp. Tôi tin ông sẽ vui khi thấy những người ông yêu thương ngồi lại với nhau thống nhất điều mà ông chưa kịp làm”. 

Để bảo đảm cuộc sống cho mẹ con chị Linh, các con riêng của ông đồng thuận phương án do luật sư đề xuất là dành phần hơn cho mẹ con chị Linh. Cụ thể: cắt phần đất có sẵn dãy trọ cho mẹ con chị, những người còn lại chỉ hưởng phần đất trống.

Nghe lời luật sư đoan chắc, mẹ chị Linh và chị vui sướng trào nước mắt. Thắp hương khấn vái bàn thờ chồng, quay sang vị luật sư, chị Linh nói: “Các chị ấy thương mình vậy mà con em lại không hiểu, cứ nghe lời hàng xóm khích bác: coi chừng ký tên vào, rồi bị lừa lấy hết đất. Để em và mẹ khuyên bảo nó”. 

Không lâu sẽ có cuộc hẹn của nụ cười tại văn phòng công chứng thay cho cuộc triệu tập nơi pháp đình, “một bó lý” được thế chỗ bởi “một tí tình” và chiếc chìa khóa cho mọi mắc mứu chính ở sự mở lòng. Chuyến xe ngược về TP.HCM, nhìn mây trắng vờn bay, hoa tím nở bên triền sông lượn lờ trôi, lòng vị luật sư nhẹ tênh... 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI