edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Lệ Hằng chăm sóc mẹ chồng
Vợ “Ngâu”
Có lẽ, trong thời bình, hiếm có người vợ nào phải chịu cảnh “chồng một nơi, vợ một nẻo” như vợ chồng chị Hằng. Năm 1980, chị đến với bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh bằng tình yêu mang “màu sắc” ngưỡng mộ người đàn ông hiền lành, hết lòng phục vụ bệnh nhân nghèo. Lúc đó, anh đang phụ trách một trạm y tế ở vùng Tân Biên - Tây Ninh (giáp biên giới Campuchia). Chị đinh ninh, sau đám cưới vài năm, anh sẽ thu xếp về lại TP.HCM với vợ. Ai ngờ, anh cứ lần lữa mãi. Chị vác ba lô lên Tân Biên để xem “có gì mà ông ấy cứ ở lì không chịu về”. Chị kể: “Trước mắt tôi là một trạm xá tuềnh toàng, mái tranh, vách nứa xiêu vẹo. Bệnh nhân là những người lam lũ, nghèo khó. Anh bảo: “Em thấy chưa? Ở đây bà con chỉ trông vào anh lúc ốm đau, làm sao anh bỏ về thành phố được?”. Tôi nghẹn ngào, càng thương và cảm thấy nặng lòng. Chồng mình đã hy sinh bản thân, sao mình không thể gánh vác một phần thiệt thòi cho chồng?”.
Đến mãi giờ, anh Minh vẫn còn miệt mài với công việc ở Tân Biên, chị thì đã trải qua 30 năm làm phận vợ “Ngâu”. Chỉ khi nhà có dịp thật đặc biệt, anh mới dứt áo về cùng vợ con được vài ngày, một tay chị chăm mẹ chồng. Chị cười hiền: “Tôi phát hiện, hóa ra, anh Minh cưới vợ một phần là để kiếm người chăm sóc mẹ già. Anh ấy biết mình không thể bỏ bà con ở Tân Biên để về thành phố với mẹ, nên tìm cho mẹ một cô con dâu. Tôi không trách anh vì điều đó. Tôi vui với bổn phận của mình”.
Một ngày, mẹ ruột của chị ở Phan Thiết (Bình Thuận) bị liệt, không người chăm sóc. Chị là con một, tất nhiên phải rước mẹ về với mình. Mình chị chăm sóc ba đứa con cùng hai người mẹ. Hai cụ nằm sóng đôi, choán gần hết không gian nhỏ bé của căn nhà, nhìn cũng đã cảm thấy ngột ngạt. Lạ là chị chẳng hề than thở. Mỗi ngày, chị phải dậy từ 4g sáng để lo cơm nước, giặt giũ, làm vệ sinh cho hai người mẹ, rồi chạy lo ăn uống, học hành cho các con.
Không thể đếm hết được những bữa chị quên ăn vì bận bịu, những đêm thức trắng vì tủi thân. Có lúc cực quá, chị điện thoại cho chồng, hờn dỗi: “Em cũng là bệnh nhân, sao anh không về chăm sóc em?”.
Cận ngày chị trở dạ đứa con thứ nhất, anh mới về đến nhà, gãi đầu xin lỗi: “Một bà cụ bị ung thư, đau đớn lắm, anh phải túc trực để chích thuốc. Bà cụ qua đời, anh mới chạy về được”. Đến đứa thứ hai, chị cũng một mình xoay xở. Chuyển dạ, chị phải gọi hàng xóm giúp. Khi đứa thứ ba chào đời, chị đang băn khoăn “trưa nay không biết lấy cơm đâu ra mà ăn”, thì anh vừa kịp xuất hiện ở cửa phòng...

Quanh năm suốt tháng, chị Lệ Hằng hầu như không có thời gian để... buồn
“Không rảnh để buồn”
“Trong nhà vắng bóng đàn ông, tôi buồn lắm chứ! - chị bộc bạch - Nhưng, công việc cứ luôn tay luôn chân, ngày này qua tháng nọ, tôi hầu như không có thời gian để nghĩ ngợi mà buồn thêm”. Hai người mẹ đang nằm liệt, chị lại nghe tin cha mình ở quê cũng bị tai biến, không đi lại được. Không thể dứt ra để về chăm sóc cha, chị đề nghị chồng tạm ngưng công việc một thời gian để về Phan Thiết chăm sóc cha vợ. Vậy là, gia đình chị không chỉ có dâu hiền, mà còn có cả rể thảo.
Từ một người phương phi, bác sĩ Minh gầy rộc đi vì không quen với việc chăm sóc người bị liệt. Hơn một năm trời, anh phải nhờ hàng xóm nấu cơm, hoặc ăn uống qua loa. Đến một ngày, anh tình thật với vợ: “Anh công nhận là em quá siêu, bao nhiêu năm chăm sóc hai người bệnh. Anh thú thật là không chịu nổi nữa rồi”. Vậy là cha chị được chuyển lên TP.HCM để chị chăm sóc. Nhà quá chật, chị đành phải thuê một phòng trọ gần đó để đưa bớt cha mẹ ruột qua nằm.
Vậy là, cứ đến 12 giờ khuya mỗi ngày, sau khi lo cho các con và mẹ chồng, chị lại qua chăm cha mẹ mình. Anh Minh trở lại với công việc ở Tân Biên.
Những người biết chuyện đều rất nể phục chị. Không những chu toàn việc chăm sóc người bệnh, chị còn giỏi dạy con. Hiện, con đầu của chị là Nguyễn Ngọc Hương Trà đang là giáo viên mỹ thuật, con thứ Nguyễn Ngọc Thảo Huyên tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, đang làm việc trong ngành thời trang, con út Nguyễn Ngọc Khương Duy đang theo học CĐ mỹ thuật đa phương tiện Arena.
Không chỉ thế, chị còn làm nhiều công việc “vác tù và hàng tổng” ở địa phương: UVBTV Hội LHPN P.19, chi hội trưởng khu phố 1, thành viên Ban công tác mặt trận, thành viên Ban điều hành khu phố 1. Chị là mẫu người “đốt cháy” mình ở gia đình và cả ngoài xã hội. Dù nhiều việc, nhưng nhờ chị biết sắp xếp, nên mọi chuyện vẫn trôi chảy. Cách làm phong trào của chị là “tranh thủ năm phút, mười phút để làm từng chút”. Vì vậy, hàng ngày mọi người thường thấy chị chạy đi chạy về giữa nhà và ủy ban phường như con thoi.
“Có chồng đỡ đần, người vợ còn khó làm tròn bổn phận với nhiều gánh nặng như vậy, đằng này, chồng lại biền biệt, chị tin vào điều gì để mạnh mẽ vượt qua như vậy?”. Chị thoáng trầm tư: “Có người bảo, chồng tôi cứ ở xa để tôi phải gánh vác gia đình, chăm sóc mẹ chồng là quá bất công. Chồng tôi hiền lắm, không phải người ham công danh, cũng không phải người thiếu trách nhiệm với gia đình, chỉ vì trách nhiệm với cộng đồng. Vì thế, bản thân mình vất vả cũng chẳng sao. Tôi và anh ấy đều tin mình đã sống một cuộc đời đáng sống”.
Mới đây, cha mẹ ruột và mẹ chồng chị lần lượt qua đời. Người ngoài nhìn vào, có phần thấy nhẹ nhõm thay chị. Nhưng, tâm trạng chị lại khác: “Dù được rảnh tay rảnh chân, nhưng tôi lại thấy buồn và nhớ các cụ lắm. Có những đêm, đang ngủ bỗng tỉnh giấc, nhắm mắt, lại nghe văng vẳng tiếng các cụ gọi đến làm vệ sinh, thay quần áo. Hình như tôi quen cực chứ không quen sướng…”.
Trần Triều
Bài 2: Rể miền Tây