Người già cần gì để vui?

01/10/2022 - 18:57

PNO - Người già vui được sao khi bầy con vẫn tranh giành, hơn thua chuyện của cải cha mẹ để lại, vẫn đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm sóc bố mẹ?

Để trả lời câu hỏi "Người già làm gì để vui?", anh bạn tôi mở hẳn quầy tạp hoá nho nhỏ ở nhà cho mẹ anh bán. Người già gân cốt mỏi rồi, phải lo chuyện bán buôn, thoạt nghe có gì đó sai sai, nhưng hiểu câu chuyện rồi tôi thấy bạn có lý.

Từ ngày ba anh mất, mẹ anh ra vào thui thủi một mình như cái bóng. Chỉ đến tối khi vợ chồng anh cùng lũ con đi học, đi làm về đông đủ, anh mới thấy bà vui lên được chút.

Ngày nọ, bà gợi ý muốn mở quầy tạp hoá bán lặt vặt ở nhà cho có người ra vào đỡ buồn. Mới nghe qua, vợ anh gạt phăng, sợ bà bị người ta gạt, bán buôn tầm này lời lãi có bao nhiêu, lỡ bị kẻ xấu hại, hơn nữa, bà đã quá lục tuần, sợ bày việc ra làm rồi vất vả. 

Nhưng anh nghĩ khác: Anh mong việc buôn bán nhẹ nhàng sẽ giúp bà tiêu khiển. Chưa kể, người ra vào giao tiếp, hỏi chuyện sẽ giúp bà khuây khỏa. Việc tính toán cũng khiến trí não bà vận động. Tuổi già mà an nhàn quá không khéo đầu óc lại nhanh lão hoá, mụ mị.

Niềm vui thường thấy của người lớn tuổi là mong con cháu về thăm  (ảnh minh hoạ)
Niềm vui thường thấy của người lớn tuổi là mong con cháu về thăm (ảnh minh hoạ)

Nói là làm, vợ chồng anh mở cái sạp bán đồ khô lặt vặt ở nhà cho mẹ bán. Nhà mặt tiền đường lớn nên không khó để có khách. Mẹ anh trở nên bận bịu, có nhiều chuyện để trao đổi cùng mọi người, dù con dâu tính sơ đã thấy bà không lãi. Quan trọng là bà thấy vui khi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện người này người kia.

Nhiều người bảo Facebook chỉ dành cho người trẻ. Sai nhé! Mẹ tôi ở tuổi thất thập vẫn lướt Facebook "phà phà". Mẹ còn chỉ bọn "trẻ trâu" nhà tôi cách dùng phím tắt. Niềm vui của bà ở tuổi này là: lướt web, xem phim online, chát cùng người thân, bạn bè. Bà nhắn tin nhoay nhoáy, gọi video thuần thục không thua gì trẻ tuổi teen.

Đám cháu trong nhà cứ lo bà bị bọn xấu trên mạng lừa đảo, nhưng mẹ nói vui: "Bà có gì để lừa, khi cái sổ tiết kiệm cũng do các con đứng tên hộ?". Thôi thì con cháu tôn trọng mẹ, sao cũng được, miễn bà thấy vui và an toàn.

Niềm vui của người già có khi đơn giản chỉ là được khỏe mạnh  (ảnh minh hoạ)
Niềm vui của người già có khi đơn giản chỉ là được khỏe mạnh (ảnh minh hoạ)

Chị bạn tôi thuộc dạng nhà có điều kiện. Từ lúc ba mẹ về hưu, ông bà bận tíu tít với lũ cháu lít nhít. Hết con của chị bạn tôi, rồi đến con cái của em chị. Dạo trước thói quen du lịch chưa phổ biến như bây giờ, nhất là với người lớn tuổi. Đến khi lũ trẻ tạm ổn chuyện ăn uống, đưa đón, ông bà mới thảnh thơi. Chị đăng ký cho ông bà những tour du lịch dành cho người lớn tuổi. Được vài chuyến, ông bà than chán, không phù hợp với việc di chuyển nên những chuyến đi chỉ khiến ông bà mệt. Cả cuộc đời xoay vần, bận rộn với đám con cháu thế mà vui. Nay bỗng dưng thay đổi, ông bà thấy không quen.

Ông bảo vệ trong chung cư tôi ở lại ước ao điều giản dị tưởng chừng nhà nào cũng có: con cái hoà thuận.

Đã quá lục tuần, ông vẫn cần mẫn với công việc của một người bảo vệ chỉ để nuôi thân mà không phiền luỵ đến con cái - những người mà ông đã trút cạn cả đời để lo cho, để rồi lúc cuối đời vẫn phải cạy cục lao động để sống.

"Ông không có số nhờ con", câu nói nghe nhẹ tênh vậy, nhưng chừng như trong lòng ông nặng trĩu nỗi buồn. Ông bảo, chỉ cần thằng con lớn đừng mải mê cờ bạc, thằng nhỏ đừng tranh giành từng tấc đất với chị ruột, hẳn ông đã không sống những năm tháng cuối đời buồn bã đến thế...

Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Biết vậy, nhưng khi chỉ còn bà hoặc ông, hoặc có khi còn cả hai nhưng vì lý do sức khoẻ hay gì đó mà ông bà không chăm sóc được cho nhau, thì vẫn cần con cháu kề cận. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, chẳng nhà nào giống nhà nào. Niềm vui của những người già dẫu đang khỏe mạnh hay yếu ớt, đang sung túc hay khó khăn cũng không ai giống ai. Nhiều đứa con quần quật kiếm tiền để mua những lọ thực phẩm chức năng cao cấp, hộp thuốc đắt tiền hay những chuyến du lịch xa hoa và tin rằng những thứ đó có thể thay thế sự có mặt của họ, khiến cha mẹ được an ủi khi trái gió trở trời hay tâm trạng bất an. 

Nhưng, làm sao người già có thể thưởng thức món ngon vật lạ khi phải ăn kiêng theo thực đơn của bác sĩ? Làm sao họ có thể rong ruổi trong những chuyến đi khi gối đã mỏi, chân đã chùng? Họ vui được sao khi bầy con "gà cùng một mẹ" của họ vẫn tranh giành, hơn thua chuyện thừa kế, vẫn đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm sóc bố mẹ?

Hay phải đợi đến già ta mới hiểu được người già cần gì để vui?

 

Vi Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI