Một thế giới cô độc hơn đang chờ đón những người già

07/09/2022 - 20:35

PNO - Vào năm 2100, những đứa trẻ sinh ra ngày nay sẽ ở độ tuổi 78 và sẽ sống trong một thế giới mà người già nhiều hơn người trẻ. Thực tế cho thấy, từ châu Âu đến Nhật Bản, sự thay đổi nhân khẩu học đã rất rõ ràng.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 2020, số lượng người trên hành tinh sẽ đạt đỉnh 9,7 tỷ vào năm 2064. Đến năm 2100, có tới 23 quốc gia dự kiến sẽ thấy dân số của họ giảm một nửa, với dân số toàn cầu giảm xuống còn 8,8 tỷ người.

Các quốc gia được dự báo sẽ chứng kiến số lượng dân số giảm ít nhất một nửa là Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ý, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Ba Lan… Trong đó, dân số Trung Quốc dự báo sẽ giảm từ 1,4 tỷ hiện nay xuống còn 730 triệu người, điều này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 80 năm. 

Khi dân số ngày càng già đi, người lớn tuổi sẽ càng thấy cô độc - ẢNH: AFP
Khi dân số ngày càng già đi, người lớn tuổi sẽ càng thấy cô độc - ẢNH: AFP

Trong một buổi trò chuyện về vấn đề dân số già hồi cuối tháng Tám, tiến sĩ Sarah Harper - giáo sư lão khoa tại Đại học Oxford (Anh) và là Giám đốc Viện Lão hóa dân số Oxford - cho biết: “Đây gọi là thay đổi cấu trúc tuổi. Và điều đó liên quan nhiều đến việc giảm sinh con cũng như tỷ lệ tử vong giảm”, bà nói.

Tiến sĩ Sarah Harper nói thêm: “Có lẽ dân số của hầu hết các quốc gia trong thế kỷ XXI sẽ già đi. Chúng ta sẽ dịch chuyển từ những xã hội mà có rất nhiều người trẻ được sinh ra, tạo ra nền kinh tế phát triển, sang những xã hội nơi hầu hết dân số ở tuổi trung niên hoặc cao tuổi. Vào cuối thế kỷ XXI, chúng ta sẽ trải qua quá trình chuyển đổi đó”.

Theo bà Sarah, chìa khóa để thích nghi là giữ cho dân số khỏe mạnh. Các chính phủ phải có giải pháp tổng thể và cố gắng làm cho xã hội và các cá nhân trở nên kiên cường.
Nhiều quốc gia như Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore, Trung Quốc… đã có kế hoạch đối phó với tình trạng dân số già đi. Mỗi nước đều có những chính sách hỗ trợ bao gồm chế độ thai sản và nghỉ sinh con được trả lương… nhằm khuyến khích phụ nữ sinh nhiều con hơn.

Theo các nhà xã hội học, sự sụt giảm mạnh về số lượng và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cũng sẽ đặt ra những thách thức to lớn ở nhiều quốc gia. Stein Emil Vollset - giáo sư tại Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) - cho biết: “Các xã hội sẽ phải vật lộn để phát triển với ít người lao động hơn và ít người đóng thuế hơn. Điều này sẽ làm thay đổi về kinh tế”.

Về viễn cảnh một thế giới người già nhiều hơn người trẻ, bà Sarah Harper cho rằng, cho dù công nghệ phát triển như thế nào đi nữa thì con người nhất là những người già vẫn cần sự chăm sóc, quan tâm của người thân. “Chắc chắn trong những năm tới, với tiến bộ trong các lĩnh vực công nghệ thì chúng sẽ hòa nhập nhiều hơn vào cuộc sống của con người. Nhưng chúng ta không thể tiến vào một thế giới mà nơi đó người chăm sóc là những con robot thông minh”, bà Sarah nói thêm. 

Lệ Chi (theo Straits Times, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI