Người đàn ông hay gửi cho tôi những clip đạo lý

21/07/2025 - 15:15

PNO - Ba gửi tôi những đoạn clip dạy làm người như một cách lặng lẽ để quan tâm, nhắc nhở và giữ kết nối với con gái mình.

Ba tôi không phải là người giỏi nói chuyện ngọt ngào hay bày tỏ cảm xúc một cách rõ ràng. Ông không quen dùng những lời êm ái để vỗ về, cũng không hay hỏi han như cách mà nhiều người cha khác thường làm với con gái của mình. Thế nhưng, có một điều rất riêng mà tôi dần nhận ra theo thời gian, đó là cách ba chọn để thể hiện tình cảm của mình: gửi cho tôi những đoạn video về cuộc sống, về cách làm người, về đạo lý sống tử tế và nghị lực vượt qua những thử thách trong đời.

Chỉ cần tôi đăng một dòng trạng thái chia sẻ việc học hành mệt mỏi hay một bức ảnh đang ăn tối một mình, gần như ngay lập tức, điện thoại tôi sẽ hiện thông báo với một đường link kèm dòng nhắn vỏn vẹn vài chữ như “xem đi” hoặc “hay lắm đó”.

Có khi tôi chỉ buông vài lời than thở thoáng qua, ba đã gửi một đoạn clip có tiêu đề nhắc nhở như “Đừng quá bận rộn mà quên mất người thân” hay “Sống phải có ý chí, đừng dễ dàng bỏ cuộc”. Ông không bình luận dài dòng, không giảng giải, chỉ đơn giản gửi đi và tin rằng tôi sẽ tự hiểu.

(Ba tôi nhắc nhở vì chưa xem video ông gửi
Ba tôi nhắc nhở vì chưa xem video ông gửi. Ảnh minh họa: Internet

Sống cùng ba mẹ nên không ít lần tôi bị ông nhắc nếu để những video ấy quá lâu mà chưa xem. Có lúc bận, có lúc quên, có lúc thì... tôi thật sự không muốn xem, vì nghĩ rằng những nội dung ấy chắc lại là những lời khuyên quen thuộc, nghe rồi cũng để đó thôi.

Nhưng nếu tôi im lặng quá lâu hay không phản hồi, ba bắt đầu tỏ ra không vui. Có lần ông thở dài và nói như trách yêu: “Gửi điều hay thì không coi, toàn coi mấy cái vớ vẩn”. Có lúc ba giận thật sự, im lặng suốt cả buổi, chỉ để lại một câu nghe mà nhói lòng: “Ba biết mà, gửi cái gì con cũng đâu có coi.”

Tôi đã từng thấy khó chịu, từng nghĩ rằng mình không có nghĩa vụ phải xem tất cả những gì ba gửi, cũng chẳng cần phải giả vờ thích thú để làm vừa lòng ông. Nhưng rồi, trong một buổi tối ngồi ăn cơm, giữa tiếng chén đũa và âm thanh quen thuộc của bữa cơm gia đình, ba tôi bất chợt nói một câu chậm rãi: “Ba đâu có biết nói sao cho khéo, nên chỉ biết gửi cho con coi. Nói nhiều sợ con khó chịu, nhưng không nói thì ba lo lắm!”.

Câu nói ấy làm tôi bất ngờ và có chút bối rối. Không trách móc, không oán giận, ba chỉ nói ra như một cách nhẹ nhàng nhất để thú nhận điều mà ông vẫn luôn giữ trong lòng, một điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng khiến trái tim tôi rung lên từng nhịp.

Kể từ hôm đó, tôi bắt đầu nhìn cách ba quan tâm bằng một đôi mắt khác. Tôi nhận ra ba không cần phải giống những người cha trên sách báo, không cần phải giỏi gọi tên cảm xúc hay luôn hỏi han từng chút một. Mỗi đoạn video mà ba gửi không đơn thuần chỉ là một bài học đạo đức hay một lời khuyên, mà còn là một lời yêu thương không nói thành lời, là cách ba khẽ khàng nói với tôi rằng ông đang dõi theo từng bước con đi, đang âm thầm lo lắng và đang yêu con theo cách của một người cha không giỏi thể hiện.

Vy Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI