Ngôn ngữ quần áo

10/02/2014 - 15:23

PNO - PNCN - Anh chị tôi gửi đứa cháu lên TP.HCM trọ học ở nhà tôi. Ra vô sinh hoạt chung với cả nhà mà cháu nó ăn mặc quá vô tư. Bộ trang phục nào cháu khoác lên mình khiến không chỉ riêng tôi mà “người khác cũng phải ngước nhìn”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Những bộ đồ ấy không hẳn là bó sát hoặc hở hang, nhưng trông cứ thấy… gợi dục sao sao ấy. Liệu có phải vì đầu óc tôi “sâu bọ” mà nhìn ra như vậy, hay do cách ăn mặc của cháu gái tôi “có vấn đề”? Tôi e rằng mọi người qua đó sẽ hiểu sai về nó...

(Một bạn đọc)

Ngon ngu quan ao

Lý do khiến con người phát minh ra áo quần chỉ tóm gọn có vài điểm thôi: thứ nhất để bảo vệ thân thể trước thời tiết khí hậu, thứ hai là để che giấu thân thể, thứ ba là để gây chú ý và cuối cùng là diễn đạt một cách sâu xa sự giáo dục để nhân tính hóa cách ăn mặc, sao cho con người càng trở nên “người” hơn.

Nói như vậy có nghĩa là trang phục phải đáp ứng ba tiêu chuẩn: chân, thiện, mỹ.

Trước hết, áo quần phải mang lại cho người mặc sự tiện ích: đó là chức năng vệ sinh (ai cũng cần phải tắm rửa, giặt giũ, phơi phóng, thay quần áo thơm tho, lành lặn), chức năng xã hội đặc biệt để nhận dạng (con người có quyền được khác và sự khác biệt đó được nhận ra qua áo quần) và chức năng đạo đức (sự trần truồng là vô luân, vì nó biến thân xác thành công cụ hoặc đối tượng cung cấp lạc thú; chính quần áo giữ cho mỗi người sự kín đáo và không làm tha hóa người khác bởi dục vọng). Chẳng cần người có “đầu óc sâu bọ” như bạn nói, một bộ quần áo xuyên thấu, nửa kín nửa hở hoặc trong suốt đến tuyệt vời còn lôi kéo cái nhìn tò mò hơn cả sự khỏa thân ấy chứ!

Áo quần phải đẹp nữa, đúng không bạn? Một bộ quần áo phải làm hài lòng người mặc và người nhìn. Phái nam bị quyến rũ bởi phục sức duyên dáng của phái đẹp và ngược lại, người nữ cũng thích người đàn ông ăn mặc đàng hoàng, đẹp đẽ. Quần áo đẹp khi được mặc đúng người, đúng nơi, đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, thời tiết.

Áo quần là trung gian nói lên sự thật về người mặc nó. Có một ngôn ngữ quần áo cũng như ngôn ngữ bộ điệu. Áo quần là biểu tượng của con người: nó nói lên giai cấp xã hội, giới tính và cả nhân cách. Chính vì thế, người con gái qua lối ăn mặc, có thể có nguy cơ tự biến mình thành đối tượng của lạc thú và dẫn nam giới đến sự ham muốn mà lẽ ra trang phục phải giúp bộc lộ và tôn lên phẩm chất, cá tính của mình. Hẳn bạn cũng nhận thấy, gần đây có xu hướng “thời trang đảo ngược” giữa các tầng lớp trong xã hội. Có những phụ nữ gia đình tử tế, học sinh sinh viên, thiếu nữ con nhà lao động khoác lên người bộ đồ như gái làng chơi (vì cứ ngỡ đó là sành điệu); trong khi đó, nhiều gái bán dâm lại ăn mặc như công nhân tan ca đêm hoặc nữ sinh đi học thêm về muộn để “giả nai”.

Có lẽ bạn nên trò chuyện với cô cháu gái thật khéo léo, rằng: đừng ăn mặc quá vô tư, mặc như… không mặc. Bộ quần áo bó sát hoặc hở hang có thể phản bội lại cháu, vì gây phản cảm; bộ quần áo quá rộng hoặc rườm rà làm che khuất thân hình trẻ trung đầy sức sống. Hãy giúp cháu chọn lựa chất liệu, kiểu dáng, màu sắc quần áo và các phụ liệu kèm theo phù hợp, đồng thời biết sửa mình trong cách ăn nói, đi đứng, giao tiếp hàng ngày sao cho đoan trang, nhẹ nhàng.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI