Nhớ thời "làm quen" với hộ khẩu

11/10/2020 - 18:24

PNO - Hồi đó, xin việc làm, phải có hộ khẩu. Đăng ký kết hôn cũng có hộ khẩu. Thậm chí muốn nhận quà từ nước ngoài gửi về cũng phải có hộ khẩu…

Trước đây, miền Nam có tờ khai gia đình gồm những thành viên có quan hệ huyết thống như cha mẹ, con cái… Sau này dân miền Nam mới biết đến từ hộ khẩu. Hộ khẩu hình thức giống như tờ khai gia đình, nhưng tờ khai gia đình chỉ để trình ra mỗi khi cảnh sát nghi ngờ có “thành phần bất hảo” lẩn trốn trong xóm, hộ khẩu mới đưa người ta vào cuộc sống thật.

Xin việc làm, phải có hộ khẩu. Đăng ký kết hôn cũng có hộ khẩu. Thậm chí muốn nhận quà từ nước ngoài gửi về cũng phải có hộ khẩu… 

Những năm đầu sau giải phóng, xăng dầu rất khan nên những phương tiện công cộng như xe buýt, xe đò vô cùng hiếm. Phải đứng chờ hàng giờ mới có một chuyến xe. Vì chờ đợi xe buýt, tôi luôn trễ học. Thế là tôi xin vào ký túc xá trường đại học để tiện học hành. Vừa đặt hành lý xuống, quản lý ký túc xá yêu cầu tôi “cắt hộ khẩu” chuyển về trường. Các bạn khác cũng là dân Sài Gòn, nhưng hình như ”có quen biết”, được “tư vấn” không nên cắt hộ khẩu.

Còn tôi không có ai thân thiết có kinh nghiệm nên lanh chanh cắt ngay hộ khẩu. Tôi sợ bị đuổi ra khỏi ký túc xá. Và tôi đã mắc một sai lầm vô cùng lớn ảnh hưởng đến cả tuổi thanh xuân của mình sau khi tốt nghiệp đại học.

Do hộ khẩu thuộc trường, tôi “được” phân công về một nông trường xa thành phố. Lại cũng do không ai hướng dẫn, thay vì cầm quyết định trình diện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi lại đi thẳng xuống nông trường. Vì không phải là lính của sở, tại nông trường tôi bị “đì” tối đa, không được hưởng lương kỹ sư, mà chỉ nhận sinh hoạt phí thực tập. Không thể hòa vào cuộc sống ở nông trường, tôi bỏ việc. Về nhà với thân phận “không hộ khẩu” dù sống trong căn nhà của chính cha mẹ mình. Không thể xin việc làm, cũng không thể nhận những gói quà của cha nuôi tôi từ Canada, cuộc sống của tôi vô cùng bế tắc. Nhìn đâu cũng là vực thẳm.

Trước đó, để bảo đảm hộ khẩu trong tay, thay vì nhập vào hộ tập thể tại nông trường, tôi vẫn khư khư tờ giấy chuyển hộ khẩu. Để rồi khi có quyết định nghỉ việc, nông trường không thể chuyển hộ khẩu tôi về nhà vì thực tế tôi vẫn chưa nhập. Tôi nhớ người phó phòng tổ chức, dù giận tôi, vẫn miễn cưỡng xác nhận hộ khẩu tôi đã chuyển về nông trường nhưng tôi đã không nhập.

Thế là tôi lại cậy nhờ đến công an H.Củ Chi. Tôi nhờ mẹ tôi đi lo giùm. Người ta thường tội nghiệp người già nên sẽ giải quyết nhanh thôi. Hôm đó mẹ tôi đi bị vấp té sưng mặt, sưng mày, còn u một cục to tướng bên mắt.

Xui nhưng hên, vì công an H.Củ Chi viết giấy đề nghị công an thành phố giúp tôi vô hộ khẩu. Sau gần một năm mệt mỏi, tôi cũng nhập được hộ khẩu. Tốt nghiệp đại học, phải chịu sự phân công của trường, không được tổ chức chính quyền thành phố chấp nhận, nên tôi lại phải lên rừng xuống biển trong chín năm trời để kiếm ngày hai bữa cơm.

Rồi đất nước mở cửa. Tôi quay về TP.HCM làm việc cùng người nước ngoài. Họ không xét lý lịch. Họ chỉ cần năng lực làm việc và trình độ ngoại ngữ, nhất là Anh văn. Tôi cũng mở lớp dạy tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập.

Câu chuyện hộ khẩu bây giờ đã khác xưa nhiều - ảnh: internet
Câu chuyện hộ khẩu bây giờ đã khác xưa nhiều - ảnh: internet

Có việc làm, có tiền rủng rỉnh, tôi cùng bạn bè uống cà phê và không ít lần “bị” đề nghị kết hôn để họ có cái hộ khẩu. Thì ra làm cho nước ngoài chẳng cần hộ khẩu hay lý lịch. Nhưng nếu muốn vào guồng máy Nhà nước hoặc giữ chức vụ trong công ty tư nhân thì vẫn cần.

Tôi không quên một người đàn ông trung niên, quê miền Trung đề nghị tôi kết hôn cùng ông ta với bốn chỉ vàng hay bốn lượng vàng gì đó, tôi không nhớ rõ. Ông ta quả quyết ông cần hộ khẩu để làm giám đốc một công ty tư nhân. Bạn tôi đề nghị hãy xem như một “dịch vụ”. Tôi từ chối. Tôi không thể chấp nhận một người cưới tôi chỉ vì “cái hộ khẩu”.

Ngày trước có nhà mới nhập hộ khẩu. Hoặc có hộ khẩu mới mua được nhà. Một cái vòng luẩn quẩn làm khổ dân tỉnh. Ngày nay cứ mua nhà sẽ được nhập hộ khẩu. Hộ khẩu không còn là “hậu khổ” nữa. Đã không còn những cuộc hôn nhân vì hộ khẩu, hoặc những trò lường gạt có hộ khẩu rồi mới kết hôn. Để rồi khi cầm trong tay hộ khẩu, tình yêu cũng bay mất theo giấc mộng hôn nhân của một số cư dân thành phố thật thà.

Cô bạn tôi là dân Vũng Tàu. Muốn trở thành cư dân thành phố, cô kết bạn với trai thành phố và đưa về cho ba mẹ “xem mắt”. Bà mẹ dí dỏm:
- Thằng này chẳng được gì, chỉ được cái “hộ khẩu thành phố”.

Nhờ nhập hộ khẩu dễ dàng nên không còn những cuộc hôn nhân vì hộ khẩu, hoặc “giả“ hôn nhân để có hộ khẩu. Tuy nhiên, mỗi lần cầm hộ khẩu làm một việc gì, tôi luôn nhớ lại cảnh mẹ tôi đi từ sáng sớm đến chiều muộn lên H.Củ Chi chỉ để xin chữ ký chuyển hộ khẩu cho tôi, rồi về nhà với bộ mặt sưng húp và cục u to đùng bên mắt.

Cái hộ khẩu đã từng là “hậu khổ” không chỉ tôi mà cả mẹ tôi. May mắn cho thế hệ trẻ, câu chuyện hộ khẩu đã từng bước cải thiện, dần hợp lý hơn. 

Nguyễn Ngọc Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI