Gian bếp ngày mưa

24/10/2020 - 10:02

PNO - Ngày mưa, ai nấy đều thèm một nơi trú, một chốn để trở về, một chút ân cần “coi chừng cây đổ, nước ngập, hay nắp cống”. Ngày mưa dầm, nhân tiện dạy con về chia sẻ, mở lòng, thơm thảo, về một miếng khi đói, về hai chữ “đồng bào”…

Chiều muộn hôm qua, ở chỗ đổ xăng, tôi bắt gặp một người đàn ông trung niên, chạy chiếc xe máy cà tàng, ướt át trong cái áo mưa lùm xùm. Điều khiến tôi để ý tới, chính là cái túi ni-lông đựng hột vịt lộn rau răm treo lủng lẳng ở cổ xe anh ấy. Thêm một bó rau muống, cà chua. Hẳn là trên đường về, vợ anh đã gọi điện nhờ chồng tiện mua thêm chút rau xanh. Hoặc biết đâu anh đã tự ghé chợ, lựa một mớ rau quả, thêm chục trứng vịt lộn úp mề cho cả nhà bồi dưỡng.

Tôi nhìn hình ảnh ấy mà lòng rưng rưng. Đâu đó, có chị phụ nữ may mắn, gặp được ông chồng tâm lý hoặc chu đáo thế này thì hay quá. Người đàn ông vẫy vùng ngang dọc, chẳng phải vẫn đẹp nhất, nam tính nhất, đáng yêu nhất khi đi chợ, vụng về mua sắm tha về cho tổ ấm đó sao?

Tôi thả tâm trí mình hình dung ra một căn bếp nhỏ, trong ngôi nhà phố có khi là chật hẹp. Chị vợ tan ca về sớm hơn, đã kịp nổi lửa bắc nồi cơm, đang xào thịt heo mắm ruốc hay chiên cá khô. Hai đứa con nít lau nhau tắm táp, dọn bàn ăn. Trong bếp, biết đâu còn sót lại chút bột đường bơ sữa gì đấy, chịu khó chế biến là có ngay một bữa tối tươm tất đủ đầy. Chồng về, mang theo hơi nước của cơn mưa chiều mù mịt dầm dề trong thành phố. Có hề gì, an toàn về đến nhà là mừng lắm rồi. 

Bởi gian bếp ngày mưa nhiều khi chỉ cần vợ chồng con cái quây quần là đủ ấm. Bữa cơm chiều cũng vì thế mà sớm hơn, ngon hơn chăng? Còn hạnh phúc nào hơn khi được khô ráo ngồi bên mâm cơm tối, hít hà mùi rau lang xào tỏi, trứng chiên thịt, thêm đĩa đậu hũ sốt cà đầy màu sắc, mặc kệ tiếng mưa rơi rả rích ngoài kia. Không gì có thể chen vào cái không khí sum vầy ríu rít no nê ấy được.

Những ngày này, đường thành phố nhiều đoạn bị ngập, lối về nhà sẽ trễ tràng, nguy hiểm. Một cái tin nhắn dặn dò cuối ngày đủ khiến áo đi mưa bớt lạnh, đường về ngắn lại với hình dung đầy háo hức: “Đói quá, liệu trong bếp có món gì đang sôi nhỉ?”.

Tôi nhớ hồi xa xưa ấy, mùa mưa dầm dề là lúc mẹ hay bày biện nấu nướng nhất. Đa phần toàn “của nhà trồng được”, chứ đâu cần cao sang gì. Mẹ tự tay xay bột, vắt cho khô nước rồi làm bánh lá mít, hay nấu chè trôi nước chẳng hạn. Hương gừng thơm ấm sực, mùi thịt mỡ quện với bột nếp được hấp chín khiến cho lũ con háo hức đợi chờ. Rồi thì cơm khô rang lên ngào đường, bánh mì để dành được mang ra hấp chấm xì dầu. Bao nhiêu là món ăn dân dã ngon lành khó quên. Dù sau này đi đâu về đâu, nếm trải nhiều thức ngon vật lạ, thì những món năm xưa mẹ nấu ngày mưa hẳn vẫn còn mãi trong tiềm thức mỗi người.

Tôi nhớ lắm gian bếp ngày xưa
Tôi nhớ lắm gian bếp ngày xưa (ảnh minh họa)

Ai đó bảo, bếp chính là trái tim của ngôi nhà, và người đàn bà chính là trái tim của gia đình. Ngày mưa, gian bếp chính là ngọn lửa ấm, sưởi lòng mỗi thành viên trong nhà. Gần gũi như chục bắp ông bố mua vội, hay những chăm chút của người mẹ tranh thủ về sớm, chuẩn bị cơm canh, đợi chồng, đón con. Là những quan tâm của người thân dành cho nhau trong chiều mưa gió: “Chạy xe cẩn thận, nhớ mặc áo mưa nhé…”.

Ngày mưa, ai nấy đều thèm một nơi trú, một chốn để trở về, một chút ân cần “coi chừng cây đổ, nước ngập, hay nắp cống”. Người đàn ông từ chối cuộc nhậu, nhanh nhanh quay về tổ ấm, thưởng thức bữa tối “chuẩn cơm vợ nấu” rồi phụ dọn dẹp. Đứa con gái nhỏ vẽ vời làm bánh, nướng trong nồi chiên không dầu. Củ khoai lang hay quả cà tím cũng được “bỏ lò” rồi phết mỡ hành, nhìn hấp dẫn làm sao! Mưa rồi, chồng pha thêm trà đi, vợ bỗng dưng thèm uống trà đường, nhớ bỏ thêm gừng sả cho giải cảm… 

Bếp nhà bây giờ trữ sẵn ăm ắp trong tủ lạnh, đồ dùng cũng hiện đại và tiện dụng lắm. Nhưng từ không gian đó, người ta kể cùng nhau về ký ức thiếu thốn nhưng ngọt lành, thuở còn bà, còn mẹ. Ngồi bình yên trong căn bếp nhỏ, ba hỏi các con xem, có biết mấy hôm nay thiên tai lũ lụt đang hoành hành? Chúng ta đang còn may mắn hơn bao nhiêu người khác, bao gia đình khác, bao đứa trẻ khác.

Ngày mưa dầm, nhân tiện dạy con về chia sẻ, mở lòng, thơm thảo, về một miếng khi đói, về hai chữ “đồng bào”… Yêu thương giản đơn mà bền bỉ lắm. 

An Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI