Ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6

Một “bà già hưu trí” tự học đủ thứ

06/06/2023 - 06:08

PNO - Lẽ thường, đến một lúc nào đó, con người rất khó tìm ra lý do để thúc đẩy mình tiến lên. Tuy nhiên, có những người cao tuổi vẫn sống một cuộc đời rực rỡ, vẫn vững vàng trên đôi chân trí tuệ và trái tim của mình.

 

Bà rất nhiệt tình tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ
Bà rất nhiệt tình tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ

“Mày dạy mẹ làm video đi!” - bà Phán dúi cái điện thoại vào tay tôi và ra lệnh. Sau 10 phút hướng dẫn bà tải app, thêm ảnh, thêm nhạc, rồi các loại hiệu ứng… bà Phán đã làm ra một video hoàn chỉnh. Hôm sau, tôi thấy thông báo, bà Phán 60 tuổi đã có kênh YouTube.

Bà Phán - mẹ tôi - một bà già hưu trí luôn bận rộn với vườn tược, luôn giao lưu các hội thơ và các hội nhóm trong thôn xóm. Trong bất kỳ phong trào nào, bà đều nổi lên như ngọn cờ tiên phong, học rất nhanh, làm mẫu và hướng dẫn cho các bà khác trong nhóm. 

Khi biết con gái tôi ngại học môn toán, mẹ tôi kể: “Ngày xưa nhà bà nghèo, lại đông con; bà phải làm nhiều việc đồng áng, chăm em nên không có thời gian học. Vậy nên bà học toán ngày càng dốt, lại còn lười chép bài. Đến năm lớp Năm thì bà gần như dốt nhất lớp. Lúc đó bà đã nghĩ: “Không được rồi, mình phải thay đổi thôi. Vậy là bà lấy những quyển vở bài tập toán cũ của chị gái xem lại từng bài, từ bài đơn giản nhất. Với mỗi bài, bà đều ngồi đọc từng bước, xem kỹ lưỡng lời giải xem tại sao lại có từng bước như vậy. Cứ như vậy đến cuối năm, bà đã trở thành học sinh giỏi toán gần nhất lớp. Đến lớp Sáu, bà đã có mặt trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi toán”.

Những năm 1990, cuộc sống hầu hết mọi người đều thiếu thốn. Vậy mà lúc đó tôi có hẳn một chiếc áo len mới tinh, hàng tuyệt phẩm, độc nhất vô nhị. Đó là chiếc áo len phối 2 màu đỏ vàng, oách nhất chính là có 2 chữ “NGOCLAN” - tên tôi - ngay trước ngực. 

Tôi thích nhất mỗi khi trời mưa, mẹ sẽ vào bếp làm một món bánh nào đó. Bánh chiên tẩm mè với nhân đậu lúc lắc, bánh nếp với lớp vỏ mềm mỏng, bánh trôi bánh chay, bánh khúc… 

Khi tôi lớn, mỗi lần đưa mẹ đi ăn món nào mới, tôi cũng đều thấy “bà già hưu trí” vừa ăn vừa quan sát, vừa phân tích các thành phần, mùi vị như một chuyên gia ẩm thực. Có lẽ ăn - cảm nhận - phân tích - làm thử chính là cách mẹ tự học để biết làm những món bánh cho chúng tôi.

Bà Phán (bìa trái) trong một tiết mục văn nghệ ở xã
Bà Phán (bìa trái) trong một tiết mục văn nghệ ở xã

Mẹ tôi học xong lớp Mười thì đi bộ đội, làm quản lý kho vận. Tôi đoán chính khoảng thời gian làm thủ kho, mẹ đã học các kiến thức về quản lý tài chính và kế toán để sau này áp dụng trong quản lý tài chính gia đình.

Sau khi rời quân ngũ, mẹ làm công nhân nông nghiệp. Nhà tôi nhận đất giao khoán, trồng trọt và nộp lại sản phẩm hoa màu. Đều đặn mỗi ngày bà sẽ dành một khoảng thời gian buổi tối để ghi chép việc chi tiêu. Hôm nay bán được gì, chi tiêu vào những gì, để ra được bao nhiêu đều được ghi chép tỉ mỉ và chính xác. Rồi những kế hoạch gì cần nhiều tiền, việc ăn học của chúng tôi đều được trù liệu.

Vì vậy, trong hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn chung của xã hội, cha mẹ vẫn nuôi 3 chị em tôi tốt nghiệp đại học. Tôi không phủ nhận giá trị của những khóa học chính quy có bằng cấp, nhưng từ tấm gương của mẹ, tôi nhận ra, tự học chính là kỹ năng không thể thiếu cho việc học tập suốt đời.

Chính khả năng tự học tôi tiếp nhận từ mẹ và truyền lại cho con tôi đã giúp con biết tự giác hoàn thành bài vở thầy cô giao, biết vận dụng các kiến thức được dạy để giải quyết các vấn đề. Kỳ thi chuyển cấp vào lớp Sáu, con đậu tất cả các trường chất lượng cao dù không đi học thêm.

Về nhà bà ngoại, luôn thấy một tủ sách được bà giữ gìn qua bao nhiêu năm tháng. Khi cụ tôi mất, mẹ tôi là người con duy nhất quan tâm đến hòm sách cụ để lại. Một hôm mẹ gọi điện cho tôi, bảo: "Mua cho mẹ quyển Luật đất đai và quyển Tự học tiếng Trung". Tôi dù đã hiểu bà nhưng vẫn thấy hơi choáng, hỏi bà mua làm gì. Bà nói: “Để mẹ học rồi đi bán quả vải cho người Trung Quốc”.

Những chuyên gia người Trung Quốc đến huyện tôi mở một nhà máy gấu bông. Người trong xã bỏ ruộng, bỏ việc nhà nông để đi làm thuê ở nhà máy đó. Riêng mẹ tôi lại muốn bán vải cho người Trung Quốc. Muốn vậy thì phải tự học tiếng Trung để nói chuyện được với họ.

Dù hưu trí, mẹ tôi vẫn liên tục tự học những cái mới. Như việc bà kêu tôi dạy bà cách làm video hay bà tự học những điệu nhảy dân vũ mới và tự học làm thơ. Tôi chỉ mong bà có đủ sức khỏe để tiếp tục trở thành niềm cảm hứng về tự học cho các cháu chắt đời thứ tư của bà. 

Phạm Ngọc Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI