Mặt trái du học, cha mẹ biết chưa?

21/05/2025 - 06:01

PNO - Khi có chuyện, họ mới nhận ra, đến cái visa để bay sang tận nơi khi con gặp sự cố cũng không xoay xở được.

Ai từng theo dõi kênh truyền thông của một nữ nghệ sĩ hài người Việt (hiện sống ở Mỹ) sẽ biết chuyện chị “giải cứu” một du học sinh Việt Nam ở Mỹ đầy ngoạn mục hồi tháng 3/2025.

Kỳ thị là một trong những vấn đề du học sinh hay gặp phải (ảnh: Getty Images)
Kỳ thị là một trong những vấn đề du học sinh phải đối mặt (ảnh: Getty Images)

Trong câu chuyện chị kể lại bằng các video clip trên Facebook, TikTok, du học sinh ấy chẳng may bị nghiện chất cấm chỉ trong một thời gian ngắn. Chị đã hỗ trợ và phối hợp cùng người bà con của du học sinh đưa về Việt Nam an toàn (cha mẹ du học sinh không qua Mỹ để đưa con về được).

Nghệ sĩ ấy cũng kể thêm câu chuyện về một du học sinh khác ở Mỹ nghiện chất cấm nên bị chủ nhà trọ đuổi đi bằng cách chở cậu bé đang trong trạng thái lơ mơ đến một gầm cầu khá xa chỗ trọ rồi bỏ lại cùng 100 đô-la.

Cậu bé sau đó đã mất, nhưng người nhà không thể sang tận nơi để lo hậu sự, phải nhờ người giúp lo hoả thiêu và gửi tro cốt về Việt Nam.

Những câu chuyện của chị đã cho thấy mặt trái với những hiểm họa khó lường của cuộc sống du học sinh, những điều mà vì nhiều lý do, ít người dám kể ra hoặc chỉ có thể ngậm đắng nuốt cay nếu chẳng may mắc phải. Những câu chuyện cũng đồng thời cảnh báo các bậc phụ huynh đang có con du học xa nhà.

Thường theo dõi các trang, nhóm du học sinh trên mạng, tôi còn được biết một số trường hợp thương tâm khác. Một số người cho biết người thân, con em, bạn bè của họ bị trầm cảm, dị ứng thời tiết, môi trường… sau thời gian sống và học tập nơi xứ người. Những khác biệt về văn hóa, lối sống, ứng xử, sự kỳ thị, học lực, đẳng cấp, thêm áp lực bài vở, đi làm thêm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt vì gia đình không đủ khả năng… khiến nhiều du học sinh bị cô lập, hoặc tự thu mình vào vỏ ốc cô đơn, dẫn đến những hệ lụy đáng buồn.

Những người trong cuộc thường ngại nói ra chuyện nhà mình. Nhiều người có tâm lý đã đầu tư thì phải đợi đến ngày thu hoạch nên dù biết con có những khó khăn nhất định, vẫn không muốn con bỏ ngang sẽ dở dang việc học, mất cả chì lẫn chài.

Không ít du học sinh gánh trên vai cả những ước mơ chưa thực hiện được của cha mẹ (ảnh: Getty Images)
Không ít du học sinh gánh trên vai cả những ước mơ chưa thực hiện được của cha mẹ (ảnh: Getty Images)

Có một thực tế mà có thể các bậc phụ huynh ít để ý là đội ngũ quản lý các trang, nhóm chuyên về du học đa phần là những người kinh doanh dịch vụ tư vấn du học hoặc các dịch vụ liên quan như vé máy bay, vận chuyển, nhà trọ, ngoại hối… Họ chỉ nói những điều đẹp đẽ, những thành tích rực rỡ, những tấm gương sáng chói và một cuộc sống tươi hồng nơi xứ người, chứ ít khi nhắc tới mặt tiêu cực hoặc có những cảnh báo cần thiết về mặt trái của việc cho con du học.

Đáng nói là, nhiều gia đình không có điều kiện cũng cho con du học bằng mọi giá. Để rồi con cái phải một mình đối mặt với bao khó khăn, thử thách. Nhiều người chưa từng biết nơi con đến học thế nào, con người, lối sống thực tế ở đấy ra sao. Họ chỉ nghe nói, nghe kể lại một chiều chỉ những điều mà ai cũng muốn nghe. Để rồi khi có chuyện, họ mới nhận ra đến cái visa để bay sang tận nơi khi con gặp sự cố cũng không xoay xở được.

Thời COVID-19, nhiều người đã đưa con về nước học và thay đổi hẳn quan điểm “du học mới tốt”. Tuy vậy, ước mơ cho con du học (hay muốn con thay cha mẹ thực hiện ước mơ du học của mình) vẫn cháy bỏng trong lòng nhiều bậc cha mẹ. Có điều, nhiều cái ta thấy tốt chưa chắc đã phù hợp với con mình.

Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà, nhưng tốt nhất là khi được trang bị những điều kiện, kỹ năng cần thiết và mọi thứ đều trong khả năng kiểm soát. Nếu chỉ khăng khăng áp đặt lên con những kỳ vọng chủ quan của ba mẹ, e một ngày nào đó cha mẹ lại nhận về những hậu quả không mong đợi.

Nguyễn Yến Nhi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
  • Viễn Phương 22-05-2025 22:24:13

    Bài viết rất thực tế và có ích.

  • Hằng Lê 22-05-2025 12:14:37

    Cái chính vẫn là năng lực của trẻ.
    Còn có tí tiền mà muốn đổi đời bằng mấy năm ươm mầm nơi xứ người thì hoàn cảnh có thể làm đảo lộn, phá vỡ dự tính.
    Trẻ ra ngoài không có sự quan tâm, không có sự giám sát, dạy dỗ từ gia đình thì tiền có, chất cấm có, hoặc sự hòa nhập không có thì do phụ tạo ra thôi.

  • Hồng Hà 21-05-2025 21:26:34

    Du học để học những thứ không có ở trong nước, nếu về sẽ áp dụng được ở Việt Nam. Như thế thật tuyệt vời. Có bạn du học sau đó làm giáo viên mầm non ở nước ngoài. Tôi không biết nên buồn hay vui. Đa số du học rồi tìm việc ở lại nước ngoài, trở thành "công dân toàn cầu". Xin sửa lại chính xác là "công dân làm thuê toàn cầu". Có gì đáng hãnh diện không? Còn du học và trở nên tài giỏi thực sự, có số má thì ít lắm.

    • Onana

      Tôi thấy buồn cho bạn. Comment đầy sân hận của kẻ thất bại.

    • Nina

      Đa số định đi du học mà muốn trụ lại thì họ chỉ cần ở lại được là thành công rồi chứ ít ai làm giàu, muốn ăn nên làm ra bằng cách đi du học

    • Hana

      Tôi tiếp xúc nhiều du học sinh nên tôi biết đa phần, mục đích sang đây là để ở lại. Ở trong nước họ cũng đâu phải là người quá giỏi nên sang đây vừa đi học vừa đi làm vất vả. Đâu có thời gian tập trung vào học. Chỉ có con nhà giàu được gửi sang đây giữ của cho cha mẹ là không vất vả thôi. Mà số đó thì cũng lười lắm.

    • Ruby

      Nếu nghĩ rằng đi du học để thành ông bà chủ thì nên ở nhà, sắm một cái mẹt, nấu bánh đúc để bán, là đã thành chủ , còn du học để trở thành người tài giỏi, có số má, thì dân bản xứ họ đã "trở nên" hết rồi. Họ đi học, và trở thành người như khả năng và mong muốn của họ mà thôi. Và đó là điều khiến họ hãnh diện đấy ạ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI