Ly hôn làm sao để đừng ân hận về sau, thì hãy làm

28/08/2016 - 13:15

PNO - Chẳng ai lường trước cơn nóng giận. Nhưng quyết định ly hôn là quyết định hệ trọng, ảnh hưởng tới bản thân và con cái. Ly hôn làm sao để đừng ân hận về sau, thì hãy làm.

1. Ngày vợ chồng Hạnh còn mâu thuẫn, cô thề “nếu phen này mà ly hôn được, cô đãi cả con hẻm một bữa ra trò!”. Không chỉ là mỏi mệt, Hạnh cảm thấy hoàn toàn bất lực khi vợ chồng chung sống ngột ngạt như địa ngục. Chỉ có thể “bứt” ra thì mới khỏe cho cái thân đã chịu quá nhiều thiệt thòi như cô. Nên, dù chỉ thỏa thuận nhận một ít phần tài sản, cô cũng bằng lòng.

Đứa con gái lớn sống với Hạnh. Con trai nhỏ theo ba ra Hà Nội. Hơn một năm sau, chồng Hạnh lấy vợ mới. Ngày ba mẹ ly hôn, thằng bé mới ba tuổi. Thỉnh thoảng Hạnh bảo con gái lớn gọi cho ba nó, để Hạnh được nói chuyện với con trai. Mới sáu tháng, thằng bé đã nói giọng Hà Nội, nghe lạ hoắc. Mỗi khi buông máy, cô có chút thẫn thờ, nhưng rồi tự nhủ “con cũng sẽ khôn lớn”. Hạnh mập lên. Cái sự... mập của người phụ nữ ngoài 30 vừa ly hôn chồng, đủ để không ít người quy chụp nguyên nhân ly hôn chắc chắn từ người chồng. Ly hôn rồi, Hạnh được tự do, muốn làm gì tùy thích, Hạnh thấy mình như đang sống trên thiên đường. Làm chủ thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ, đó mới thực sự là niềm hạnh phúc. Hạnh mập không phanh.

Ly hon lam sao de dung an han ve sau, thi hay lam
Ảnh mang tính minh họa

Khổ nỗi, khi mọi thứ được bù đắp, lúc “cái tôi” dịu xuống thì Hạnh bắt đầu nhớ con, nhớ đến ốm liệt giường, nhất là hôm chở con gái lên thăm chị chồng. Lúc Hạnh buột miệng than nhớ con, thì người chị chồng “bồi” thêm: “Chẳng ai chăm con tốt bằng người mẹ. Con N. (ý chỉ vợ mới của chồng Hạnh) làm sao chăm thằng nhỏ tốt bằng chính bàn tay em?”. Đêm đó Hạnh về khóc như đứa trẻ. Từ ngày ly hôn, chưa bao giờ Hạnh cảm nhận vị bẽ bàng như đêm hôm ấy. “Mấy đời bánh đúc có xương”, Hạnh chợt rùng mình. Hạnh muốn cầm điện thoại gọi thăm con ngay tức khắc, nhưng ngại. Có lẽ phải đợi con gái đi học về gọi giúp.

Ly hôn để giải tỏa bản thân, chứ thật sự Hạnh và chồng chưa có sự thỏa thuận nào về việc cả hai sẽ coi nhau như bạn bè, có thể gọi thăm nhau, hay thăm con bất cứ lúc nào. Được nói chuyện với con trai, Hạnh càng tủi buồn. Thằng bé gọi mẹ nhưng dường như chẳng thắm thiết chút nào. Ngày ba mẹ chia tay, nó còn quá nhỏ, con nít lại chóng quên. Hạnh cảm tưởng mình đã “mất trắng” đứa con trai rồi. Nó đã thuộc về người mẹ khác. Dù người đó có là “dì ghẻ” hay “mẹ kế”, họ vẫn gần gũi con hơn Hạnh. Biết đâu người ta còn đối xử tốt với con Hạnh, người ta không có lối suy nghĩ ích kỷ như Hạnh. Hạnh mơ màng về câu chuyện cổ tích giữa đời thường, dù biết rằng chẳng dễ dàng gì có được. Hạnh tiếc cho quyết định ly hôn, vì giờ thấy lòng quạnh vắng. Chồng mình giờ chồng người ta. Con mình giờ cũng thành con người ta rồi!

2. Ngày Mây ly hôn, có quá nhiều người bàn ra. Nhất là những người lớn tuổi. Họ cho rằng ly hôn xét cho cùng phụ nữ chỉ bất lợi, dù ngay khi có điều kiện về kinh tế, có công việc ổn định, nhưng con cái sẽ gánh “cái tôi” của mẹ đến oằn vai. Nhà không nóc thì chẳng có gì hay ho. Còn nếu xây lại một ngôi nhà khác, liệu có bảo đảm vững chãi không hay chỉ là một sự lặp lại tệ hại hơn?

Mây bỏ ngoài tai vì muốn giải thoát cho mình. Mây sẵn sàng ly hôn và để chồng giành quyền nuôi con, vì Mây đang thất nghiệp. Mây rời thành phố, về vùng đất khác để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Mây rằng “nhất định phải có tiền để bù đắp cho con sau này”. Mười năm sau tôi gặp lại Mây, đúng là Mây đã thực hiện được lời hứa. Cô thành đạt. Là một phụ nữ rắn rỏi, mặn mà, sâu sắc nhưng luôn ẩn chứa sự buồn bã khó giấu.

Có lần Mây nhắn tin cho tôi, tỏ ra ân hận: “Hai đứa nhỏ nhà mình chẳng năm nào có tết, ngay khi còn sống chung với ba mẹ. Tết nào cũng chứng kiến ba mẹ cãi nhau. Tụi nó chỉ được cái ăn ngon mặc đẹp, chứ không vui. Bây giờ muốn sum họp, cũng chịu”. Nghe Mây nói, tôi vừa thương tụi nhỏ, vừa thương Mây. Hôm gặp Mây, tôi có than thở chuyện chồng con. Mây khuyên “đừng ly hôn, đừng để chồng mình rơi vào tay người khác. Đàn bà ly hôn ngại làm lại từ đầu, chứ đàn ông có mấy ai chịu cô đơn suốt đời đâu? Họ không có người này thì có người khác…”. Nói được những điều ấy, tôi biết Mây hối hận rồi.

Ai cũng có lý do để ly hôn. Ai cũng bảo vệ lý do của mình. Để rồi có quá nhiều sự nuối tiếc muộn màng. Có người không ngại bộc bạch chuyện ngày xưa mình quá hồ đồ. Có người giấu giếm, không thổ lộ. Hạnh đã từng hối hận rằng “thật ra cuộc hôn nhân của Hạnh không phải là không cải thiện được, nếu cả hai chịu khó lắng nghe nhau”. Còn Mây thì “không nghĩ ly hôn khiến các con tổn thương thế này. Dù biết sống trong cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã cũng không tốt cho con. Nhưng nếu có cách nào đó để giải quyết mà không phải ly hôn thì vẫn hay hơn”.

Chẳng ai lường trước cơn nóng giận. Nhưng quyết định ly hôn là quyết định hệ trọng, ảnh hưởng tới bản thân và con cái. Ly hôn làm sao để đừng ân hận về sau, thì hãy làm.

Đừng bao giờ vội vàng!

Ly hôn vội vàng bao giờ cũng để lại sự ân hận, tiếc nuối. Trong quá trình tham vấn tâm lý, nhiều người đã chia sẻ với tôi sự tiếc nuối tương tự như hai câu chuyện trên. Thực ra bài học đáng giá ngàn vàng là phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Mọi sự vội vàng đều khó tránh khỏi sai lầm hay tiếc nuối “giá như”. Hôn nhân là chuyện trọng đại, chuyện lớn trong đời người, vì vậy quyết định phá bỏ một hôn ước cũng phải được coi trọng, cần hai người trong cuộc cân nhắc, tính toán, lên kế hoạch.

Các cặp vợ chồng đang trên bờ vực của sự ly hôn nên thực hiện những điều sau:

1. Đầu tiên cần xác định mình thực sự muốn gì? Có đúng là mình đã hết yêu và muốn giải thoát khỏi người vợ/chồng hiện tại? Nhiều người trước câu hỏi này đã khóc và tự thú nhận chỉ tự ái, ghen tuông, muốn trả thù mà định ly hôn chứ chưa muốn mất anh ấy/ cô ấy, không muốn mất gia đình.

Ly hon lam sao de dung an han ve sau, thi hay lam

2. Cần cho mình và bạn đời có thời gian để lắng dịu cảm xúc tiêu cực, khi bình tĩnh hãy ra quyết định dựa trên sự cân nhắc, bàn bạc với những người thân thật kỹ về cách giải quyết phù hợp nhất... Tuyệt đối không quyết định khi tâm tư đang tràn ngập những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, ghen tuông, buồn chán, thất vọng, mất niềm tin…

3. Nếu cần có thể, hãy ly thân một thời gian để hai bên trải nghiệm cảm giác mất nhau tạm thời để bản thân và người kia có thời gian bình tâm suy xét lại mọi việc, cảm nhận tình yêu còn hay mất, thiếu vắng nhau sẽ có cảm xúc như thế nào? Con cái xa cha hoặc mẹ các cháu phản ứng ra sao?... Tuy nhiên, đây là giải pháp cuối cùng trước khi ly hôn, vì giải pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Sự xa cách của hai vợ chồng sẽ có thể khiến tình cảm khó có thể hâm nóng. Sự thiếu giao tiếp cũng sẽ có thể khiến hai bên không hiểu nhau và khó tìm tiếng nói chung…

TS Phạm Thị Thúy - Chuyên gia tham vấn tâm lý

Thái Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI