Lỗi của mẹ?

06/12/2013 - 07:30

PNO - PNO - Tan phiên toà, cô thư ký trẻ đã hỏi bà Lê Thị Trang(*), là bị đơn trong vụ ly hôn do ông Nguyễn Minh Cường yêu cầu giải quyết tại TAND huyện Hóc Môn: “Sao tất cả con của dì không ai bênh mẹ hết vậy?”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mắt bà Trang như nhòa lệ, bà kể, vợ chồng bà ngày xưa rất nghèo. Ba đứa con đi học, ông Cường - chồng bà, đi phụ hồ, bà thì làm thuê ở một quán cơm. “Tằn tiện lắm cũng chỉ đủ năm miệng ăn. Năm Quân vào đại học, Minh luyện thi, út Thắm lên lớp 10 tôi đã phải đi bán máu, nhưng chỉ được học kỳ đó, đầu học kỳ sau, tôi hết xoay sở nổi… Đó là lần đầu tiên tôi vay tiền. Rồi Quân bị sốt xuất huyết, Thắm nhiễm trùng đường ruột…; tôi lại kiếm chỗ mượn thêm. Nợ cũ chưa trả, nợ mới dồn tời. Khi Thắm đậu đại học, tiền nợ trong bốn năm vay đầu này đắp đầu nọ của tôi lên đến hàng chục triệu. Chồng tôi chửi mắng tôi thậm tệ rồi cắt một phần đất bán đi trả nợ. Ai cũng nói đó là “nợ của tôi”, dù tôi vay mượn chi tiêu không phải cho mình”.

Loi cua me?


Theo lời bà Trang, mượn cớ vợ “gây nợ”, ông Cường bắt đầu bồ bịch lung tung. Giận chồng, bà dằn hắt, chửi đổng, trút giận lên đầu các con, dù vẫn rất thương con. Có lần, bà giận chồng bỏ nhà đi nhưng rồi nhớ nhà, nhớ con, lại quay về. Nhiều lần thấy trong nhà không ai chịu chuyện trò với mình, bà cho là chồng con hắt hủi, ghẻ lạnh nên đã gào thét, gây sự với mọi người… Một lần chịu hết nổi cơn tam bành của vợ, bốn cha con ông Cường cùng đẩy bà ra ngoài. Bà lên ấp, lên xã kêu cứu. Bà nói: “Chẳng ai thèm nghe tôi, người đàn bà từng gây nợ, để chồng phải bán đất trả, còn cứ ghen tuông này nọ”.

Ngày ra Toà, bà Trang chấp nhận ra khỏi nhà tay trắng. Phiên toà một lần nữa xác định sự thật nghiệt ngã: các con đều quay lưng với mẹ. Dù nói không từ mẹ, nhưng cả ba con của ba đều khẳng định, mẹ đi ra thì nhà cửa sẽ êm ấm hơn... Bà Trang phân trần: “Chúng không thương tôi là do… tôi không biết dạy chúng! Hồi nghèo khó, mua được cái bánh ngon, tôi cắt làm tư, nhịn miệng cho bốn cha con. Miếng trứng chiên cho bữa cơm cũng cắt bốn, phần tôi là chén nước tương tráng trong lòng chảo. Có lần đang giữa bữa, khách tới buột miệng hỏi: “Sao chỉ chia bốn cho mấy cha con, còn phần của mẹ đâu?”. Các con tôi thi nhau nói: “Mẹ con bả ăn uống kỳ cục vậy đó!”, “Bả ăn hổng giống ai trong nhà”… Bà Trang tuôn nước mắt: “Một chữ bẻ đôi tôi không biết mà hơn 20 năm buôn bán, làm mướn, làm thuê, cùng chồng nuôi dưỡng các con để đứa thành kỹ sư, đứa thành bác sĩ… mà giờ lại ra nông nỗi này!”

Người mẹ ấy tuy có lỗi đã không khéo léo trong quản lý thu chi, cân đối tài chính gia đình; đã không dạy được con biết thương mình, nhưng trọn đời bà vẫn là mẹ của những người con đó. Việc các con bà lên tiếng từ bỏ mẹ, xét cả về pháp luật lẫn đạo lý đều không thể chấp nhận được.


NGHI ANH


(*) Tên nhân vật đã thay đổi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI