Làm sao dạy con cho đúng

12/11/2017 - 15:58

PNO - Con gái tôi chín tuổi, học lớp Bốn. Tôi có cảm giác cháu khó dạy kinh khủng, hầu như nói gì cũng không nghe.

Cháu cứ im ỉm nhưng lại ngấm ngầm chống đối, việc gì cũng làm trái ý mẹ. Đôi khi không kiềm chế được, tôi đánh cháu. Hai mẹ con cứ thế la nhau om sòm.

Lam sao day con cho dung
 


Gần đây, cháu lại thêm tật lấy trộm tiền của mẹ để mua đồ chơi. Lúc nào cháu cũng cần tiền. Đôi khi tôi đưa tiền ăn sáng, còn thừa cháu vờ im luôn không trả lại mẹ. Cháu còn nói dối số tiền mua lớn hơn thực tế, tôi hỏi hóa đơn, cháu bảo người ta không đưa. Cứ vậy lòng vòng.

Tôi thấy mình bất lực trong việc dạy con. Nhiều lúc buồn không tả được. Cứ nghĩ hay mình tệ quá, nói sao con cũng không chịu nghe.

Mong chuyên gia tư vấn giúp tôi.

(Q.11, TP.HCM)

Chị Gia An mến,

Con gái chị đang chớm tuổi dậy thì, là giai đoạn tâm lý có nhiều biến đổi. Nhu cầu khẳng định bản thân, muốn làm người lớn, muốn cha mẹ tôn trọng… khiến trẻ luôn có xu hướng độc lập. Khi những yêu cầu của cha mẹ mang tính áp đặt, không như ý trẻ… các con có thể sẽ biểu hiện ra bằng hành động chống đối, hoặc ngấm ngầm.

Các con thích làm theo ý mình hơn là theo ý người khác. Chống đối, nói dối, cáu gắt… là những phản ứng tiêu cực của trẻ với cha mẹ. Cha mẹ cần học cách giao tiếp, làm bạn cùng con để hạn chế những phản ứng này. 

Trẻ dậy thì đang dần hình thành bản sắc cá nhân để trưởng thành, trở thành người có cá tính, độc lập, tự tin. Muốn vậy, cha mẹ cần lắng nghe, khuyến khích con nói ra những suy nghĩ, cảm xúc, mong đợi của con thay vì ra lệnh, áp đặt trẻ. Tuổi này cha mẹ càng nói trẻ càng chống đối. Hãy nghe nhiều hơn. Khi cha mẹ nghe con, con mới nghe lời cha mẹ. 

Chuyện cháu lấy trộm tiền, tìm mọi cách để có tiền tiêu, chị khoan la mắng. Trước hết, chị cần tìm hiểu cháu đang có những nhu cầu chi tiêu nào ở trường, lớp, với bạn bè, cho cá nhân? Nếu đó là những nhu cầu chính đáng, cha mẹ có thể tăng tiền tiêu vặt cho con để khuyến khích trẻ tiết kiệm, chi cho các nhu cầu đó.

Hoặc cha mẹ tạo điều kiện cho con làm thêm, kiếm tiền. Nếu cháu có những nhu cầu chi tiêu chưa hợp lý ở tuổi mình, ví dụ mua đồ ăn uống hay mỹ phẩm đắt tiền… thì cha mẹ cần phân tích đúng, sai cho con biết cách chi tiêu. Khi trẻ có nhu cầu tiêu tiền là cơ hội tốt để cha mẹ dạy con về giá trị đồng tiền, cách tiết kiệm, cách kiếm tiền chính đáng.

Trẻ ở tuổi này rất cần cha mẹ kiên nhẫn. Chị hãy nhớ lại thời gian cháu còn nhỏ, đã dễ thương như thế nào, chị đã vui khi ở bên cháu ra sao? Những kỷ niệm đẹp khi trẻ còn nhỏ sẽ khiến chị ấm lòng hơn khi ở bên con. 

Nếu cha mẹ luôn nhìn vào những điểm trừ ở con thì sẽ nóng lòng muốn uốn nắn, mà người xưa dạy uốn cây từ khi còn non, nay con đã chín tuổi - không còn non nữa, uốn quá sẽ gãy tình mẹ con, chị ạ. Khi chị nhìn con bằng ánh mắt bao dung, tự nhủ rằng con đang lớn, đang thay đổi, hãy cho con thời gian… chị sẽ dễ kiên nhẫn hơn, kiểm soát cơn nóng giận tốt hơn để tránh la mắng, áp đặt con.

Chị hãy dành thời gian cho con, gần gũi, lắng nghe con nhiều hơn. Khi trẻ cảm nhận được sự tôn trọng, yêu thương nơi mẹ, con sẽ muốn nghe lời mẹ hơn. 

Chúc chị an vui bên cháu!

 Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI