Kỳ vọng hay gánh nặng

15/07/2015 - 06:40

PNO - PN - Nhiều bậc cha mẹ luôn kỳ vọng vào con cái, không ngại đầu tư tiền bạc, công sức, tâm huyết mong con học giỏi, thành đạt. Chuyên gia tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân cho rằng, bố mẹ nên xây dựng mục tiêu, niềm đam mê học tập thì trẻ sẽ tiến bộ, thay vì ép uổng, đòn roi, biến kỳ vọng trở thành gánh nặng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ky vong hay ganh nang

ĐỪNG KỲ VỌNG THÁI QUÁ

Kỳ vọng là thể hiện mong ước mãnh liệt của cha mẹ đối với trẻ. Nhưng, kỳ vọng nên dừng ở mức độ gửi gắm, chia sẻ, định hướng, nếu thái quá sẽ làm tổn hại tinh thần và sức khỏe trẻ. Một số trẻ bị áp lực học tập, thường có hành vi nguy cơ, thậm chí tự sát. Có bố mẹ muốn con cái tiếp tục sự nghiệp ngày xưa mình dở dang, rồi ép uổng con, mà không biết trẻ phải có tố chất, sở thích mới có thể đáp ứng điều đó. Mỗi đứa trẻ là mỗi cá thể khác biệt, cách tiếp nhận thông tin cũng khác nhau, có những tư duy riêng, nên không thể so sánh giữa trẻ với anh em/bạn bè của bé, sẽ dễ khập khiễng và làm tổn thương trẻ.

Sự kỳ vọng của bố mẹ đối với trẻ cũng rất đa dạng. Có bố mẹ chỉ cần con học giỏi là đủ, nhưng cũng có người muốn con biết thêm nhiều môn năng khiếu, mở rộng quan hệ giao tiếp, biết yêu thương gắn bó với mọi người, biết dành thời gian cho gia đình... Nên tùy thuộc vào năng lực thực tế của con mà bố mẹ khích lệ, động viên; nên cân bằng giữa lịch học và thư giãn sao cho hợp lý, tránh nhồi nhét, gây quá tải cho trẻ.

XÂY DỰNG MỤC TIÊU CHO TRẺ

Một số phụ huynh khi con cái không đáp ứng kỳ vọng, thì la rầy, thậm chí đánh đập. Trẻ em, nhất là trẻ tuổi dậy thì khi bị la mắng, sỉ nhục, bạo lực về tinh thần, cảm thấy mình không được tôn trọng. Có trẻ phản ứng, làm xấu đi mối quan hệ cha mẹ - con. Khi ấy, ba mẹ hãy bình tĩnh, nói chuyện cùng con, tìm hiểu nguyên nhân, chớ đẩy con vào tình trạng đối đầu, giấu giếm. Nên đặt niềm tin, khen ngợi khi con đạt điểm cao để khích lệ; động viên khi con bị điểm thấp.

Thực tế không phải đứa trẻ nào cũng có thể học giỏi, dù bố mẹ đã đầu tư nhiều mặt, nên phải có sự thông cảm, nâng đỡ, có phương pháp nuôi dạy, hỗ trợ để giúp đỡ con học tốt hơn. Khơi gợi để con xây dựng mục tiêu, niềm đam mê học tập, không nhất thiết ép buộc. Nên đặt mục tiêu từ ngắn hạn lên dài hạn, có quá trình phấn đấu, không vội vàng áp đặt, tùy năng lực mà đặt mục tiêu. Cuộc sống có nhiều lối rẽ, có thể con không thành công lĩnh vực này mà thành công ở lĩnh vực khác. Thống kê gần đây cho thấy chỉ số cảm xúc quyết định thành công nhiều hơn chỉ số thông minh.

GIÚP TRẺ TỰ TIN VÀ BIẾT CHẤP NHẬN THẤT BẠI

Khi mang gánh nặng tâm lý bắt nguồn từ sự kỳ vọng của bố mẹ, trẻ dễ tự ti, không tin tưởng bản thân. Tự ti, mặc cảm tác động xấu đến mối quan hệ xung quanh, trẻ thấy mình không có giá trị, e dè trong thể hiện, lo âu kéo dài, dẫn đến stress. Rối loạn lo âu là căn bệnh phổ biến ở trẻ, khiến trẻ sống thu mình. Vì quan hệ kém, không có nguồn trợ lực trong cuộc sống, trẻ khó thành công. Nếu bố mẹ không hiểu mà kỳ vọng quá mức, sẽ tác động tâm lý, để lại di chứng tinh thần nặng nề cho trẻ. Nên dạy trẻ tự tin vào cuộc sống, trong học tập và các mối quan hệ để có động lực phấn đấu, dám làm những gì trẻ nghĩ.

Cũng nên giúp trẻ chấp nhận thất bại, vì sẽ cho trẻ những bài học bổ ích. Dạy trẻ bản lĩnh trước cuộc sống, trung thực, chân thành, biết giúp đỡ người khác... chứ không chỉ chú trọng điểm số, điều đó vô tình đặt lên vai trẻ gánh nặng tâm lý, dễ nảy sinh những hệ lụy khó lường.

 KHÁNH THI (ghi)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh