Không thể dùng bạo lực để triệt tiêu bạo lực

01/04/2019 - 10:00

PNO - Tôi hoảng sợ chợt nghĩ, xã hội gì thế này, khi giang hồ được tung hô, chào đón và lời dọa dẫm tấn công trẻ em (cho dù những đứa trẻ đó có phạm tội tày trời đi nữa).

Trưa 31/3, hàng loạt thông tin trên mạng xã hội làm tôi kinh sợ. Sau clip man rợ của nhóm nữ học sinh lớp 9 đánh hội đồng người bạn cùng lớp, đã có những tay giang hồ tràn về vùng quê yên ả của Hưng Yên với những tuyên bố “xem ai dám đỡ cho chúng mày”. Chúng dọa tìm tới tận nhà 5 em trong nhóm “nữ tặc” đánh và lột đồ bạn. 

Khong the dung bao luc de triet tieu bao luc
 

Chuyện ly kỳ hơn nữa là người dân tràn ra đường chào đón hai gã giang hồ nọ, như thể đó là những “idol”, biểu tượng công bằng. 

Tôi hoảng sợ chợt nghĩ, xã hội gì thế này, khi giang hồ được tung hô, chào đón và lời dọa dẫm tấn công trẻ em (cho dù những đứa trẻ đó có phạm tội tày trời đi nữa).

Tôi học trường chuyên của một thị xã, nên tuổi thơ cũng bình thường thôi, chẳng mấy dữ dội so với các bạn trường dân lập toàn học sinh cá biệt, hay miền quê xa xôi, nơi con nít hành xử bản năng với nhau và người lớn thì bận ra đồng, lên nương mưu sinh. 

Thời tiểu học, như trẻ con mọi vùng miền, ở xóm tôi, trường tôi, các vụ đánh, vật nhau giữa bọn con trai không thiếu. Bọn con gái thì hay cào cấu, giật tóc, giật đứt áo nhau. Chỉ là thời ấy chưa có điện thoại mà quay clip tung lên mạng, và tôi cũng chưa tận mắt thấy vụ nào “lột sạch” với mức độ kinh khủng như vụ ở Hưng Yên. 

Khong the dung bao luc de triet tieu bao luc
 

Trên đường đi học, tôi thường xuyên bị nhóm anh chị cùng trường ép phải cống nạp đồ dùng học tập, bị bắt chui háng. Có lần bị chúng sút banh da vào bụng, tôi ngã thụp xuống đất, mấy ngày không ăn được cơm. Nhưng thôi, thời ấy cứ coi là con nít còn như cỏ dại, chưa có nhận thức, nên tôi tạm bỏ qua. Tôi cũng không tính những trận đánh nhau lẻ, kiểu tay đôi khi vào cấp II, vì nó thường xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, từ lời qua tiếng lại trong quan hệ cá nhân, nhưng tôi sẽ nói cho bạn biết lý do chính một đứa trẻ thường bị bạn bè quây đánh tàn nhẫn: mách lẻo. 

Khi ai đó đặt câu hỏi vì sao một đứa trẻ hiền lành không hại ai, lại bị bạn cùng lớp đánh dã man, bị làm nhục bằng cách lột đồ, quay clip, tôi đã cố nhớ vì sao ngày xưa mình bị đánh, bạn bè bị đánh: vì con nhà nghèo, vì xấu xí, vì mình làm ngứa mắt “bọn họ”. Hầu hết kiểu đánh này mang tính bắt nạt, cảnh cáo, chỉ khi nào bọn chúng bị mách lẻo tới người lớn, chúng mới ngùn ngụt điên tiết. Và lúc này, nước xa không cứu được lửa gần, giáo viên, cha mẹ không cách nào có mặt mà cứu nạn nhân. 

Trong hai vụ việc liên tiếp tuần qua, từ cô bé lớp 10 ở Đà Lạt bị nhóm bạn gái quây tát 20 cái, tới vụ bé lớp 9 ở Hưng Yên bị đấm đá, lột sạch đồ trong tiếng gào khóc, đều có bàn tay châm dầu vào lửa của đối tượng đặc biệt: giáo viên chủ nhiệm. 

Khong the dung bao luc de triet tieu bao luc
 

Một vụ bạo lực học đường nho nhỏ có thể dập nhẹ nhàng, nếu giáo viên có phương pháp sư phạm. Còn ngược lại, hành xử phản giáo dục, vô tâm, thậm chí có thể bùng lên thành nguồn cơn án mạng. 

Như vụ Đà Lạt, học sinh bị bắt chẹt chính là người đã mách cô một sự vụ của nhóm bạn nữ. Cô giáo này đã không giữ kín tên em, bảo vệ nguồn tin, mà còn công khai danh tính em, biến em thành tội đồ cần phải “xử” trong mắt các bạn. 

Vụ ở Hưng Yên, giáo viên chủ nhiệm đã biết chuyện em gái tội nghiệp bị bắt nạt, cô cũng hành xử kiểu làm bùng cơn tức giận trong nhóm học sinh nữ. Biến chúng thành những kẻ dữ tợn thi nhau hành hạ, làm nhục bạn ngay trong lớp. 

Năm trước, con trai tôi bị một bạn đầu gấu trong lớp lấy dụng cụ học tập, đấm đá, trấn tiền. Con tôi mách cô, bạn càng hung hăng với con hơn. Có lần, ngay trước mắt tôi, thằng bé ấy vác cành cây to như cổ tay rượt đuổi phang vào con tôi, khi tôi nhào ra sân la cậu bé dừng lại thì thấy ông ngoại bé đang nhìn hai đứa cười cười. 

Tôi bị sựng. Và chợt hiểu, ông ngoại của bé có thể quá chiều cháu nên thậm chí mừng vui khi quý tử trong nhà biết làm “đại bàng”. 

Tôi thương con quá, sau khi la mắng con không biết phản kháng, tôi nghe con buồn bã: “Bạn ấy dễ giận lắm. Bạn cũng đâu chỉ bắt nạt mình con. Ai đánh lại một thì bạn dùng thước lớn phang cả chục cái vào mặt ấy mẹ”.

Tôi nói với con mẹ sẽ tới trường gặp bạn xem thế nào, con tôi gào khóc xin tôi đừng làm thế. “Mẹ không giải quyết được đâu, mẹ sẽ làm tình hình tệ hơn mà thôi”. Bé nhất quyết không đi học, nằng nặc xin tôi chuyển trường, chứ không cho tôi tiếp cận người bạn đầu gấu, sợ rằng, tội mách lẻo sẽ làm bạn nổi điên.

Tôi rối quá, viết một bài nhỏ trên facebook, cả trăm người mẹ, ông bố đổ xô khuyên tôi: nếu giáo viên không giải quyết, ông ngoại bé không giải quyết thì cứ gặp thằng nhỏ kia để... vặn cổ. 

Tôi biết mình không thể vặn cổ cậu bé, trừ khi muốn cha mẹ, ông bà cậu tìm cách vặn cổ tôi, bạo lực sản sinh bạo lực như một cái vòng tất yếu. 

Tôi lục tung sách vở, tài liệu internet tìm một cách hiệu quả hơn. Cuối cùng tôi tìm thấy “nó” trong cuốn sách Chicken soup for the Women's Soul và kiên nhẫn thử áp dụng. 

Tôi tới trường, tìm hiểu gia cảnh cậu bé đánh con tôi. Cha mẹ cậu ly thân, bỏ bê hai đứa con trai cho ông bà ngoại nuôi. Ông bà ngoại rất giàu, nên bé có nhiều người giúp việc, bé hung hăng ngay từ trong nhà, bực lên là đấm đá đồ đạc. 

Hôm ấy, tôi bỏ cả việc xin vào trường giờ ra chơi với lý do đưa dụng cụ học tập cho con trai. Và rồi, tôi đã thấy cậu bé đó ở hành lang. Tôi tươi cười: “Cô là mẹ của bạn M., cô nhờ con xíu việc được không?”. 

Cậu bé cảnh giác bỏ chạy, tôi đi nhanh theo: “Cô cần con giúp, nếu con không giúp, bạn M. sẽ phải chuyển trường”. 

Cuối cùng, khi tôi gần hụt hơi thì thằng bé đứng lại, nó gần như quát vào mặt tôi: “Con không đánh bạn M.” . “Ồ không, bạn M. đâu có nói con đánh bạn. Bạn ấy chỉ xin cô chuyển trường. Cô nhờ con giúp cô tìm hiểu xem trong lớp ai đang bắt nạt bạn ấy. Nếu được, con hãy giúp cô bảo vệ bạn. Cô thấy con rất khỏe, con có nắm đấm sắt mạnh lắm phải không. Cô tặng con trước món quà này. Đây là chuyện bí mật giữa cô và con. Nếu con bảo vệ bạn hết năm học này, cô tặng con bất cứ thứ gì con thích, mà cô có thể mua”.

Thằng bé đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Hai tay nó không còn gồng, nó không tỏ vẻ đồng ý làm “người bảo vệ” nhưng tôi biết nó sẽ suy nghĩ về đề nghị ấy, dù nhất quyết không cầm món quà tôi đưa. 

Thật kinh ngạc, sau lần gặp ấy, tôi còn bí mật gặp cậu bé đôi lần nữa, hỏi han chuyện trong lớp. Con tôi không bị bắt nạt, mà còn được bênh. Tôi đã thành công, y như người mẹ trong bộ sách Chicken soup. 

Sau này tôi có chia sẻ với vài người bạn, họ đều thành công như tôi. Những cậu bé, cô bé hành xử bằng nắm đấm luôn có ẩn ức trong cuộc sống. Và nếu khéo dẫn dắt chúng dùng nắm đấm cho lẽ phải, chúng sẽ cảm ơn bạn có khi là suốt đời.  

Khong the dung bao luc de triet tieu bao luc
 

Qua mấy câu chuyện bạo lực học đường này, tôi cũng muốn trấn an phụ huynh rằng: bạo lực học đường không phải “món” mới, trẻ ở tuổi dư thừa năng lượng rất dễ nổi loạn, như trái bộc phá, chỉ cần có ai cầm đầu “xách động” là chúng có thể làm tất cả, bất chấp rủi ro. 

Trẻ càng nghịch ngợm càng thích tỏ ra anh hùng, nghĩa hiệp. Đôi khi chúng quây vào “xử” một trẻ khác, hay bảo vệ một trẻ khác là do chúng muốn giúp bạn bè nhưng sai cách mà thôi. 

Vì đây là đặc điểm của lứa tuổi này, nên cha mẹ cần hiểu rõ để khai hỏa nguồn năng lượng dư thừa của chúng đúng chỗ, như hướng vào học hành, thể thao, đam mê đặc biệt nào đó, để giảm sự thèm muốn nổi loạn,  “công phá”. 

Hiểu trẻ, cha mẹ, thầy cô cũng dễ dàng lựa chọn cách uốn nắn đúng chứ không phải “bẻ gãy cái rụp” như hàng ngàn cha mẹ đang gào thét trên mạng đòi “vặn cổ 5 đứa con gái mất nết” hay tung hô hai tên giang hồ đang vỗ ngực “thay trời hành đạo “... 

Mai Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI