Đừng để con phải 'cạnh tranh' với điện thoại của cha mẹ

31/03/2019 - 11:52

PNO - Càng trải nghiệm tôi càng thấy hiệu quả công việc không liên quan đến chuyện dùng điện thoại nhiều hay ít mà lại liên quan đến việc hoàn thành các đầu việc theo một kế hoạch hợp lý.

Điện thoại thông minh được dùng để “lướt”, có khi giải trí, có khi giải quyết công việc, có lúc đọc tin tức, có lúc học hành và cũng có lúc chẳng làm gì hết… Trước đây, tôi thường nghĩ những người làm ra nhiều tiền hoặc giải quyết công việc liên tục hẳn phải dùng điện thoại nhiều, nhưng càng trải nghiệm tôi càng thấy hiệu quả công việc không liên quan đến chuyện dùng điện thoại nhiều hay ít mà lại liên quan đến việc hoàn thành các đầu việc theo một kế hoạch hợp lý. 

Dung de con phai 'canh tranh' voi dien thoai cua cha me
 

Bà Whitbourne, nhà tâm lý học Mỹ cho rằng, theo lý thuyết gắn bó, có vẻ như điện thoại thông minh đối với một số người có chức năng giống như chú gấu Teddy thời tuổi thơ. Winnicott, nhà lý thuyết gắn bó, đã chỉ ra rằng những trải nghiệm đầu đời của cá nhân với những người có ý nghĩa như cha mẹ hoặc người chăm sóc sẽ gần như quy định việc thiết lập các mối quan hệ thân tình với người khác khi lớn lên như thế nào. Khái niệm ông dùng là “đối tượng chuyển tiếp”, có vẻ cũng như gấu bông, điện thoại thông minh trở thành các “đồ vật có tính chuyển tiếp”, hay như một đối tượng thay thế cho cha mẹ khi họ vì quá bận rộn hoặc bằng cách nào đó không để ý đến việc chơi đùa và trò chuyện với con cái. Tuy vậy, nếu gấu bông thay bằng điện thoại thông minh thì có thể phát sinh vấn đề.  

Trong quá trình làm việc với các gia đình hoặc chỉ với cha mẹ liên quan đến con cái của họ, tôi nhận thấy đa phần cha mẹ lúc nào cũng kè kè điện thoại mà không dành đủ lưu tâm đến con cái. Tuy vậy, phần lớn họ không biết làm gì khác, bởi những hữu ích của điện thoại ngay trước mắt và dần dần hình thành thói quen phải lướt web khi có giờ rảnh. 

Dung de con phai 'canh tranh' voi dien thoai cua cha me
 

Trong khi đó, nghiên cứu của nhà tâm lý học Hunter’s Tracy Dennis-Tiwary và cộng sự đăng trên tạp chí Khoa học về sự phát triển năm 2017 cho thấy, cha mẹ dùng điện thoại thông minh quá nhiều khiến con của họ trở nên tiêu cực hơn và kém khả năng phục hồi. Các tác giả kết luận rằng, khi cha mẹ không lưu tâm và thiếu trách nhiệm với con do dùng điện thoại thông minh liên tục có thể khiến đứa trẻ gặp khó khăn trong chức năng cảm xúc - xã hội. 

Nghiên cứu của Jenny S. Radesky và các cộng sự được xuất bản trên tạp chí Nhi khoa năm 2014 cho thấy, khi cha mẹ quá lu bu vào điện thoại thông minh và để mặc con cái làm gì thì làm khiến cho quá trình nuôi dưỡng con cái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến việc chúng ta hay thấy có những đứa trẻ rất ồn ào, lộn xộn nơi công cộng và thường là rất dễ mất bình tĩnh. Một nghiên cứu thông qua việc phỏng vấn hàng ngàn trẻ em từ 4-18 tuổi của nhà tâm lý học lâm sàng Catherine Steiner-Adair cho thấy, trẻ em có thể trở nên buồn bã, giận dữ, nổi điên và cô đơn khi cha mẹ chúng dùng điện thoại thông minh và không chú tâm đến chúng.

Dung de con phai 'canh tranh' voi dien thoai cua cha me
 

Và còn vô vàn nghiên cứu khác trong lĩnh vực tâm lý học cũng cho thấy những hệ lụy tương tự. Theo quan sát của tôi, một đứa trẻ vài tháng tuổi đã “càu nhàu” và có thể gắt lên khi cha mẹ nó nằm bên cạnh và chỉ chú tâm đến điện thoại chứ không nhìn và nói chuyện với nó. 

Có lẽ, chúng ta nên học cách dùng thiết bị thông minh một cách thông minh, có chừng mực và có kỷ luật hơn. Luôn nhớ rằng, sự kết nối, mang lại cảm giác bình an và được quan tâm cho đứa trẻ của mình chính là điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển của con cũng như cho sức khỏe tâm thần của chính mình. 

Ngô Minh Uy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI