Không có cha, nhưng tôi chẳng thấy thiệt thòi

14/11/2021 - 10:06

PNO - Tôi không chạy theo các giá trị bên ngoài. Không có cha, nhưng tôi không cảm thấy thiệt thòi, mà luôn tự ý thức tự lập để xứng đáng với sự tảo tần của mẹ.

Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi vừa ra đời. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn. Tôi chưa bao giờ tủi thân hay mặc cảm về điều này, mà ngược lại còn thấy tự tin.

Mẹ là tấm gương cho tôi soi mỗi ngày. Bà mạnh mẽ kiên cường như một người đàn ông, nhưng cũng đầy dịu dàng trìu mến. Dù thiếu thốn, nghèo khó, bà luôn giữ gìn nhân cách của một người giáo viên.

Từ nhỏ, tôi hay sợ mẹ buồn, nên cố gắng học tập, làm gì cũng lắng nghe lời mẹ khuyên. Tôi có những người anh chị em bà con cùng trang lứa đủ cha mẹ, họ thường không hiểu hoàn cảnh của tôi. Một tổ ấm đầy đủ, mẹ cha chịu khó làm ăn thì con cái ấm êm, gia đình sung túc. Nhà tôi chỉ mình mẹ bươn chải, lo liệu mọi mặt nên mua sắm gì cũng tính toán, chắt chiu. 

Thật may là tôi không đua đòi cho bằng bạn bè. Cho đến bây giờ, tôi thấy đó là diễm phúc vì sự biết đủ từ lúc nhỏ tập cho tôi không chạy theo các giá trị bên ngoài. Không có cha, nhưng tôi không cảm thấy thiệt thòi, mà luôn tự ý thức tự lập để xứng đáng với sự tảo tần của mẹ. 

May mắn lớn nhất trong cuộc đời của tôi là được làm con gái mẹ. Mẹ luôn động viên tôi học hành, học cách kiếm sống và cách sống. Tôi có cơ hội nhìn ra thế giới, tự do trên hành trình tìm kiếm tri thức là nhờ có bữa cơm ngon của mẹ, nhờ bàn tay mẹ may từng cái áo, nhờ mẹ chăm sóc khi đau ốm. Mẹ là cô giáo mầm non, bên mẹ, tôi lớn cỡ nào cũng luôn như đứa trẻ, luôn được yêu thương.

Thạc sĩ Hiếu Hạnh bên người mẹ đơn thân
Thạc sĩ Hiếu Hạnh bên người mẹ đơn thân

 

Tôi tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Khoa Báo chí. Tấm bằng thạc sĩ là món quà tôi tặng mẹ. Thời gian công tác ở kênh Truyền hình An Viên, tôi chọn làm phim tài liệu chân dung để truyền đi lối sống đẹp của các nhân vật tích cực, giàu nghĩa tình và đầy ý chí.

Dạy học ở Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, tôi hướng dẫn sinh viên khắc họa hình ảnh con người và văn hóa qua thể loại phim tài liệu. Tôi nghiệm ra phương pháp truyền thụ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, là bên cạnh việc dạy một lớp vài chục đến vài trăm học viên với giáo án chung, còn phải nhìn nhận rằng mỗi người như một cá thể độc lập với tính cách riêng biệt, theo đó mỗi cá nhân cần một chương trình đào tạo dành riêng. 

Tôi gọi đó là “nhân hiệu”, không chỉ dành cho người nổi tiếng, mà mỗi người đều có một “nhân hiệu độc quyền” không ai giống ai, dựa trên thói quen, cảm xúc, cách hành xử rất khác biệt. 

Tháng Bảy, tôi bắt tay vào hành trình mới để biến suy nghĩ thành hiện thực, với sự ra đời của dự án Nhà WAO phiên bản online mang sứ mệnh “đồng hành chuyển hóa nhân hiệu” cho mọi người thấy cần. (WAO là viết tắt của chữ We are one - chúng ta là một). Đây là dự án phi lợi nhuận, nhằm giúp người đang bị căng thẳng, rối loạn… tìm lại chính mình qua việc chấp nhận thực tại, nhận biết rõ bản thân và từng bước hoàn thiện mình.

Trên hành trình tôi đang tiến bước này, mẹ bên cạnh ủng hộ và chia sẻ nhiều kinh nghiệm sống với tôi. Tôi trở về Bình Dương sống bên cạnh mẹ, cảm thấy mình luôn đủ đầy.  

Câu chuyện và công việc của tôi chỉ là hạt cát trong biển đời mênh mông. Dịch bệnh đã và đang quét qua, nhiều gia đình bị buộc nếm vị đau khổ, nhiều trẻ em chịu cảnh mồ côi. Đối mặt với hiện thực này, đối tượng dễ bị thương tổn nhất là trẻ em… Cũng trong dự án, thông điệp tôi muốn gửi gắm các bạn nhỏ là nên nuôi dưỡng lòng biết ơn và yêu thương với cuộc đời này, trên hết là cha mẹ mình.

Bên cạnh đó, phải không ngừng học tập, tiếp cận tri thức bởi hiểu biết càng thấu thì thương càng sâu. Có thêm ý chí thì con đường chúng ta đi sẽ an vui, gieo và gặt nhiều điều tốt đẹp, chuyển hóa những khiếm khuyết thành động lực hoàn thiện bản thân. 

Thạc sĩ Trần Lê Hiếu Hạnh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI