Hồi đó, họ yêu nhau thế nào?: Có phải “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”?

11/11/2021 - 11:40

PNO - Họ đã yêu và sống trọn vẹn với vợ/ chồng, không lọc lừa, phản trắc, mà ở đó là sự quên mình vì sự nghiệp của người mà mình yêu. Sự thủy chung - thời nào cũng có, thời nào cũng cần và không bao giờ lỗi thời.

Ta thấy ngày xưa chuyện hệ trọng nhất đời người là hôn sự, nhưng con cái chỉ đóng vai trò thụ động, chứ không có quyền quyết định lựa chọn theo ý mình. Có thật không? Thật đấy. Tức là họ ở trong hoàn cảnh “May nhờ rủi chịu”, “Được ăn cả, ngã về không”.

Đến với hôn nhân do phụ huynh sắp xếp, có người cười hơn hớn như nông dân được mùa, như trúng số Vietlott: “Cơm trắng ăn với chả chim/ Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no”.  

Ảnh mang tính minh họa - Một đám cưới ở Huế năm 1969 - Ảnh tư liệu
Ảnh mang tính minh họa - Một đám cưới ở Huế năm 1969 - Ảnh tư liệu

 

Chẳng hạn chí sĩ Lương Văn Can thời trẻ được cha mẹ cưới cho vợ là cô Lê Thị Lễ, buôn bán ở Hà Nội, dù “đôi trẻ” chưa gặp mặt. Sau khi thành gia thất, hai người đã chung sống với nhau thật hạnh phúc và cùng chịu đựng, vượt qua bao gian nan do thời cuộc đưa đến. Ngược lại do cưới nhau theo ý ba mẹ nên cũng có kẻ thở ngắn than dài: “Người ta sang sông, em cũng sang sông/ Người ta sang sông thành được vợ chồng/ Em sang không rồi lại xách nón về không/ Trước là thẹn thùng với bầu bạn, sau luống công ông chèo đò”. 

Thật ra, quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chỉ phản ánh một phần của cái gọi là tôn ti trật tự trong xã hội ngày trước. Vì rằng, bên cạnh đó, vẫn có sự phản kháng, chống đối lại bất chấp tỷ dụ như: “Dao phay kề cổ, máu đổ không màng/ Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông”. Quyết liệt. Mạnh mẽ. Bằng mọi cách giữ lấy tình yêu của mình.

Thì xem đó, từ ngàn xửa ngàn xưa, đã có mối tình cực kỳ “éo le” như nàng Tiên Dung, con gái vua Hùng Vương đã yêu chàng trai “trên răng dưới khố” là Chử Đồng Tử.  

Đám cưới ngày xưa tại Sài gòn năm 1866 - Photo_d'Emile_Gsell
Đám cưới ngày xưa tại Sài Gòn năm 1866 - Photo_d'Emile_Gsell

 

Lại nhớ đến trường hợp danh nhân Đặng Huy Trứ, dù cửa nhà gia giáo, có của ăn của để nhưng lại yêu cô lái đò ít học, nhà nghèo. Cha mẹ phản đối nhưng ông vẫn vượt qua ngăn cản đó, lén cưới. Biết chuyện, cha mẹ bắt buộc phải viết giấy ly hôn, ông ngẫm nghĩ: “Con trái lời cha mẹ mang tội bất hiếu. Nhưng lấy con gái người ta rồi tìm cách bỏ, tội bất nhân cũng chẳng nhỏ. Hơn nữa, người con gái ấy có ơn lớn với ta lại không phạm một lỗi nào trong “thất xuất” thế mà bỏ sợ rằng mắc điều oan nghiệt”. Suy nghĩ chín chắn như thế nên ông vẫn đoàn tụ với vợ và chung sống hạnh phúc. 

Đây chỉ là một trong nhiều thí dụ cho thấy có trường hợp tự chọn người “đầu ấp tay gối” theo mách bảo của trái tim, chứ nào phải theo sắp xếp của cha mẹ. 

Ở đây, tôi không bàn đến sự lựa chọn này, tích cực hay tiêu cực, cần chấn chỉnh hay phát huy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng đâu là “mẫu số chung” của người xưa khi đến với đời sống hôn nhân của chính mình? Câu trả lời này thế nào nhỉ? 

Sực nhớ ngày xưa, khi ở Huế, cụ Phan Châu Trinh cũng đã từng “say nắng” một giai nhân lá ngọc cành vàng, đôi bên xướng họa thơ cùng rất tâm đắc. Như mọi đàn ông khác, cụ cũng muốn lập “phòng nhì” cho thỏa lòng, nhưng rồi bao nhiêu hăm hở, náo nức dự tính này bỗng tắt ngúm.

Ngày kia, cụ từ kinh đô về Quảng Nam, lúc đến nhà đã thấy vợ xắn váy quai cồng, chân thấp chân cao, tất ta tất tưởi cơm nước chạy ra đồng lo cho thợ gặt. Nói như cụ Nguyễn Khuyến, đó là mẫu người đàn bà: “Nhà chỉn rất nghèo thay! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần mọi việc”.

Từ hình ảnh chịu thương chịu khó ấy đã khiến cụ Phan suy nghĩ, vợ mình lam lũ làm ăn nuôi con nuôi chồng; còn người đẹp kia lại khác, mưa không ướt tóc, nắng không đến đầu, nhất cử nhất động đều có kẻ hầu người hạ, vậy “đem cô ấy về, mình đặt ở đâu?”. Thế là cụ có sự chọn lựa khác.

Rồi một khi đã chung sống với nhau, không vì lý do gì đó mà người đàn ông ruồng rẫy, bỏ vợ. Ta nhớ đến trường hợp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, do chậm sinh con, cha mẹ ông bắt phải bỏ vợ để chắp nối tơ duyên với người khác, có như thế, ngày sau mới có con “nối dõi tông đường”.

Thế nhưng ông bất tuân lệnh, mọi suy ngẫm về tình chồng nghĩa vợ trong trường hợp của mình sao mà éo le, do đó, ông mới thổ lộ qua tác phẩm bất hủ, bản Dạ cổ hoài lang (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng) - về sau sẽ trở thành bài “Vọng cổ” thông dụng nhất trong giới cải lương, bản nhạc vua của sân khấu ca kịch. 

Ảnh mang tính minh họa - Ảnh tư liệu
Cô dâu thời xưa - Ảnh tư liệu

 

Tâm lý chung của phụ nữ Việt ngày trước, một khi đã có chồng thì tình yêu ấy thể hiện qua tâm thế: “Có chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo/ Có chồng thì phải theo chồng/ Đắng cay cũng chịu, mặn nồng cũng vui”. Thế nhưng họ chỉ đứng phía sau, lặng lẽ lo toan gánh vác việc cửa việc nhà. Nhưng xin thưa, đừng tưởng họ không quan tâm đến hoài bão, sự nghiệp của chồng.

Ta nhớ đến cụ bà Phan Bội Châu, dù chồng hay chữ, trong bụng chứa ngàn quyển kinh sách, nức tiếng giỏi giang, còn bà chỉ là người bình dị, nhưng có lúc bà đã cứu chồng “bàn thua trông thấy”. 

Trong thư gửi cho con, cụ Phan kể lại chi tiết này: “Từ năm ta đã ba mươi sáu tuổi cho tới ngày xuất dương, những công cuộc kinh dinh việc nước, mẹ mày ngầm biết hết thảy, nhưng chưa từng hé răng một lời. Duy có một ngày kia, ta tình cờ ngồi một mình, mẹ mày ngồi dựa cột kề bên ta mà nói: “Thầy chắc toan bắt được cọp đó mà? Cọp chưa thấy bắt mà người ta đã biết nhiều, sao thế!”. Mẹ mầy tuy có câu nói ấy, mà lúc đó ta làm ngơ, ta thiệt dở quá! Bây giờ nhắc lại trước khi ta xuất dương, khoảng hơn mười năm. Nghèo đói mà bạn bè nhiều, cùng khốn mà chí khí vững, thiệt một phần nữa là nhờ ân mẹ mày”. 

Không những thế, ca dao có câu: “Chồng giận thì vợ làm lành/ Miệng cười chúm chím: thưa anh giận gì?/ Thưa anh, anh giận em chi?/ Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho”. Không phải là nói xuôi xị. Nói cho vui. Thật đấy. Chẳng hạn chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng do không có con trai để nối dõi, nên hai năm sau vợ đã đứng ra cưới vợ hai cho cụ. Sự hy sinh này đáng để chúng ta suy ngẫm đấy chứ?

Phải nói thật, khi tìm hiểu về tình yêu hôn nhân của người xưa, tôi nhận ra rằng, họ đã yêu và sống trọn vẹn với vợ/ chồng, không lọc lừa, phản trắc, mà ở đó là sự quên mình vì sự nghiệp của người mà mình yêu. Sự thủy chung - thời nào cũng có, thời nào cũng cần và không bao giờ lỗi thời. 

Lê Minh Quốc 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI