Khi một chân đã bước ra ngoài bậc cửa hôn nhân, lòng vẫn còn dùng dằng giữa cửa

11/06/2016 - 20:38

PNO - Đó là tình trạng của nhiều cuộc hôn nhân, khi một chân đã bước ra ngoài bậc cửa hôn nhân, nhưng chân kia còn nán chờ, dùng dằng níu kéo.

Cuộc hôn nhân đã qua thời kỳ mật ngọt, đã hết bình yên, thậm chí có nhiều phen đã phải vặn mình trong sóng gió, những tưởng đã có thể kết thúc ngay, như lời dứt tình quyết liệt đã mấy lần quăng ra, nhưng rồi lại nhặt về. Cứ thế, họ cò cưa níu kéo lẫn nhau, lúc lý do này, lúc căn nguyên khác, lúc đợi điều kiện này lúc muốn tránh bớt chuyện kia. Cứ vậy mà thời gian trôi, đến một lúc có buông nhau ra cũng đã rã rời, chẳng ai còn hơi sức mà đi tiếp.

Đã hết, nhưng còn...

Cái cạn kiệt cơ bản nhất trong những cuộc hôn nhân này, là tình yêu thương với nhau, là sự quan tâm vợ chồng, là cảm giác mặn nồng của một cặp đôi hạnh phúc. Những say mê, cuốn hút lẫn nhau đã hết. Có đôi cãi vã, gây gổ, bất hòa, nhưng cũng có đôi lâm vào tình cảnh không có gì đáng để than phiền nhưng cũng chẳng có gì có thể gọi là hạnh phúc. Cuộc sống chung diễn ra một cách lờ đờ, chậm chạp, uể oải. Nhưng khi đặt mọi thứ lên bàn cân, đong đếm tính toán chi li chuyện mất chuyện còn, lại thấy quả cân không hẳn là không dao động.

“Đã hết tình, nhưng còn trách nhiệm” là mối dùng dằng của những đôi đã có con, suy đi tính lại chuyện tự do của mình hay giữ một gia đình đầy đủ cho con trẻ. Bắt đầu bén vào trách nhiệm làm mẹ làm cha, bắt đầu nhìn thấy sự quấn quýt không rời giữa trẻ và cha/mẹ, những lý do để chia tay thường bị trách nhiệm này hóa giải. Nặng gánh hơn cả vẫn là phụ nữ, thường cố tự khuyên mình nín nhịn, để giữ lấy chồng, cũng là giữ cha cho con.

Khi mot chan da buoc ra ngoai bac cua hon nhan, long van con dung dang giua cua
Ảnh mang tính minh họa - Internet

“Đã hết tình, nhưng còn tài sản” là câu chuyện của những năm tháng bước vào tuổi trung niên, bắt đầu tích cóp được ít nhiều kết quả từ những mùa cày cuốc mưu sinh gian khó. Nhà cửa, xe cộ, tài sản chung riêng, đối với họ, vừa là mồ hôi nước mắt, vừa là một thứ bậc xã hội cho phép họ có thêm bạn bè, quan hệ làm ăn. Ở tuổi này, người ta không cam lòng chấp nhận ly hôn, bởi nghĩ tới cảnh “con mình nó sai, chồng mình nó xài, nhà mình nó ở”.

Không ly hôn, nhưng cũng không cam lòng sống một cuộc đời nhạt nhẽo, cuộc dùng dằng ở tuổi này thường đi kèm với “trèo cây hái trái” nhà láng giềng, với ngoại tình, say nắng. Cay cú nhau, oán giận nhau là có. Quyết liệt ly thân, tuyên bố ly hôn, thậm chí đưa nhau tới cổng tòa án cũng có, nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn không dứt khoát chia tay. Những đứa con cũng có khi trở thành một loại tài sản tranh chấp quyết liệt.

“Đã hết tình, nhưng còn nghĩa” là chuyện của những cặp vợ chồng đã đứng tuổi. Lúc này con cái đã lớn, nhưng vợ chồng cũng đã bắt đầu thấm gánh nặng thời gian. Nhiều khi nỗi ngán ngẩm bạn đời lên đến tận chân tóc, nhưng người ta nghĩ thôi thì mình cũng đã chịu đựng chừng ấy năm, hết thời tuổi trẻ rồi. Người Việt hay nói chuyện tình nghĩa. Cái “nghĩa” là cái thường hay được viện dẫn ra, bởi nấp sau đó là an toàn, dễ dàng mà danh giá.

Cái bóng trách nhiệm với con cái, gia đình vẫn dài ra cho tới tận những năm tháng này, thêm vào đó là trách nhiệm xã hội, ý thức giữ gìn hình ảnh gia đình, rồi thì sui gia, họ hàng. Hạnh phúc, vào lúc này, không còn là một khát khao bỏng cháy nữa. Sự an toàn của cuộc sống gia đình càng khiến cho ai có ý muốn phá chiếc “vòng kim cô” của cuộc hôn nhân trở nên dùng dằng, khó quyết. Và cuối đường, đôi khi người đành chặc lưỡi, khoát tay một cái: thôi thì… thôi!

Có thể kể đến vô cùng những cái hết, cái còn, bởi cuộc sống luôn sinh ra những giá trị mới. Tính đếm rạch ròi là điều khó lắm, nhất là khi người ta đã dợm bước chân ra cửa, đã gói theo một vài món đồ, rồi lại ngoảnh vào và nghĩ: nhưng còn cái này, cái này nữa, cái kia chưa xong…

Đừng đặt cuộc đời trên ngưỡng cửa

Chị Thúy vẫn thường lảng đi mỗi khi ai hỏi thăm chuyện làm ăn của vợ chồng chị. Bán nhà sau một lần trả nợ lớn, anh chị đã quyết định chia tay, anh đã dọn hẳn ra ngoài thuê nhà ở riêng, một hai tuần đến thăm con vài tiếng. Tình trạng đó kéo dài đến tận bây giờ đã ba năm. Chị vẫn biết anh có vài cô bạn gái, nhưng chị mệt mỏi, hờ hững đến mức chẳng thèm ghen tuông.

Hỏi chị sao không ly hôn luôn cho nhẹ gánh, chị bảo chờ, sắp làm xong thủ tục đất đai, nhà nội sẽ cắt đất chia cho hai vợ chồng miếng vườn. Lúc đó ly hôn, có tính chuyện bán đi chia đôi cũng… dễ, mà có thêm chút đỉnh cho mấy mẹ con. Giờ mà ly hôn, coi như mình… tay trắng à?

Tôi hỏi chị, vậy giá trị của ba năm tuổi trẻ trong đời chị mới trôi vèo qua đó, chẳng lẽ tính ra không bằng giá trị của miếng đất sao? Cách đây hai năm, lẽ ra chị đã có cơ hội làm lại cuộc đời với một người có ý thương mình, nhưng người ta đợi hoài không được, rồi cũng đành phải tính đường khác.

Lỡ đâu mười năm nữa mới làm xong giấy tờ đất đai hương hỏa, đến lúc đó mình có còn gì để tính toán nữa hay không? Ba năm sống ly thân, người đàn bà như đóa hoa đã qua thời rực rỡ, cứ héo tàn đi trong lạnh lẽo, thờ ơ, có phải đó là lòng kiên nhẫn chờ lấy lại món tiền đã bán nhà trả nợ, hay chỉ là sự ngại ngần không đủ kiên quyết để bước hẳn ra khỏi cuộc hôn nhân này?

Đặt lên bàn cân tất cả những thứ còn níu kéo nhau trong hôn nhân, có lẽ con cái là nặng lòng hơn cả. Nhưng trẻ càng lớn, những thứ đầy thêm trong lòng trẻ không phải lúc nào cũng như mình mong muốn. Hằng, cô con gái lớn trong một gia đình thỉnh thoảng bố mẹ lại ly thân vài tháng, đã viết trên trang cá nhân của mình: phải chi giờ xuất hiện người đàn bà nào đó yêu ba tôi, yêu dữ dội công khai cũng được, để cho mẹ tôi có thể quyết liệt đòi ly hôn, cả hai sẽ hạnh phúc.

Còn bây giờ, tôi biết mẹ tôi không yêu ba tôi nữa, không còn chút tình cảm nào, thỉnh thoảng tôi thấy mẹ chán ngán và coi ba tôi chỉ là người mà mẹ mang nợ đâu từ kiếp trước, kiếp này phải trả. Tiếc là, chẳng có, và có lẽ chẳng bao giờ có người đàn bà nào yêu ba tôi cả. Tôi thương ba, nhưng tôi không thể làm gì để cả ba và mẹ tôi hiểu rằng tôi không muốn, cũng không cần cả hai người gượng gạo sống với nhau như vậy, cho dù ai cũng nói là vì con…

Thời gian chính là cuộc đời con người, nhưng nếu đặt cuộc đời ấy lên ngưỡng cửa của một cuộc hôn nhân, mà rồi cứ dùng dằng mãi không chịu bước ra hay bước vào, thì thời gian sẽ vụt qua ngoài kia, mà mình thì đứng lại. Đừng nghĩ cái ngưỡng cửa ấy là nơi có thể dừng chân, đó thực ra cũng là một kiểu sống bên lề, sống mà không thực sự sống trong một dòng chảy nào cả. Người đã mở cửa ra rồi, gió đã lùa vào nhà không thể tránh. Cứ đứng trên bậc cửa này, nhìn trước nhìn sau dùng dằng mãi, đời mình sẽ mòn đi mà thôi.

Bởi cuộc sống thực sự chỉ ở bên trong, hoặc bên ngoài ngưỡng cửa ấy.

Tịnh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI