“Idol” cùng lứa của tôi

22/07/2025 - 06:00

PNO - Không còn là cầu thủ ngôi sao, tay cơ thủ lừng danh hay chủ công uy lực, chú Út của tôi đứng đó, trong chiếc áo giản dị của 1 nhà nông chân chất, nụ cười hiền và ánh mắt trong veo.

Chú Huy - em của cha tôi - là út trong gia đình 10 anh chị em. Tôi là cháu đích tôn, thế nên tuổi của 2 chú cháu không cách nhau bao nhiêu.

Cùng lứa tuổi, cùng lớn lên bên nhau, chú Út cũng là người ảnh hưởng nhiều nhất đến tuổi thơ và tôi xem chú như người hùng. Theo cách ví von của giới trẻ thời nay thì chú chính là “my idol”.

Idol thời thơ ấu của tôi (bìa trái) giờ sống an nhiên bên vườn tược giữa núi rừng.
"Idol" thời thơ ấu của tôi (bìa trái) giờ sống an nhiên bên vườn tược giữa núi rừng.

Chú tập cho tôi cầm cây cơ đánh bida, tập cho tôi vẽ đủ thứ hình thù ngộ nghĩnh lên tường rồi bị người lớn mắng tới tấp. Chú chở tôi trên chiếc xe thồ từ ruộng về nhà, vừa đi vừa chỉ tôi hát những bài đồng dao khi tôi nằm lọt thỏm trong thùng xe. Chú kể những câu chuyện 1 thời vất vả, những huyền thoại bóng đá tít trời Âu mà chú mê mẩn... Cứ thế, chú đúng nghĩa là 1 người hùng song hành cùng những ngày thơ bé của tôi.

Chú Út cũng không chỉ toàn vẽ đường cho con hươu tôi mấy điều nghịch phá. Chú cũng đã tạo dựng nên 1 người ham đọc, ham viết. Công việc hiện tại, có những lúc liên quan đến viết lách, tôi thường viết rất nhanh và được khen hay. Tôi nghĩ một phần cũng nhờ chú Út.

Vì mê bóng đá nên chú luôn mua cuốn Thể Thao Văn Hóa để đọc về các đội bóng đá và các cầu thủ yêu thích. Chơi với chú nhiều, tôi "nghiện" đọc báo hồi nào không hay. Từng chồng báo cao, tôi đọc không sót 1 dòng nào. Vốn liếng từ ngữ tích lũy dần nên sau này việc viết lách với tôi có phần dễ dàng.

Chú Út tôi ham chơi nên cũng chẳng thiết tha tìm hiểu bạn gái hay lập gia đình. Rồi cuộc sống rẽ theo những hướng khác. Tôi lên TPHCM học, rồi bám trụ lại thành phố. Còn chú, vẫn ở quê như 1 đứa trẻ không chịu lớn.

Cái tính háo thắng trên sân cỏ, sự liều lĩnh trên bàn bida đã theo chú vào những cuộc vui không hồi kết, rồi chú biền biệt xa quê. Hình bóng chú trong tôi những ngày đó là sự vắng mặt, là những cuộc họp gia đình mà mọi người nhắc tới chú với tiếng thở dài.

Tôi cũng bận rộn với cuộc sống phố thị nên hình bóng người hùng rắc rối năm nào cũng dần nhạt nhòa. Cho đến một ngày tình cờ, trong chuyến đi chơi hè cùng lũ trẻ, duyên may đưa tôi gặp lại chú giữa 1 ngọn đồi cao nguyên.

Không còn là cầu thủ ngôi sao, tay cơ thủ lừng danh hay chủ công uy lực, chú Út của tôi đứng đó, trong chiếc áo giản dị của 1 nhà nông chân chất, nụ cười hiền và ánh mắt trong veo. Đôi tay từng ve vuốt mỗi đường cơ giờ chai sần vì vun đất trồng sầu riêng. Đôi chân từng là nỗi khiếp sợ của hàng phòng ngự đối phương giờ an nhiên bước hàng chục cây số đường rừng để tìm nấm, tìm chuối, tìm ốc núi.

Sự sôi nổi, ngông cuồng ngày nào đã lắng lại, nhường chỗ cho một vẻ bình yên đến lạ. Tôi có nhiều điều định hỏi chú về quãng dài gần 20 năm chú cháu ít nói chuyện, nhưng có vẻ chẳng cần thiết nữa. Chú cũng không có vẻ muốn kể gì nhiều mà bận rộn chơi với 2 nhóc con tôi - những đứa phải gọi chú là ông.

Thời gian trôi nhanh đến không tưởng tượng được, nhưng chú tôi vẫn thế, vẫn biệt tài chơi với bọn con nít y như ngày xưa chú từng chơi với tôi. Chỉ một chút xíu mà mấy ông cháu đã thân thiết không rời. Mấy nhóc quyến luyến, xin ba lần tới lại lên thăm ông Út dù mới lần đầu gặp.

Nhìn chú thoăn thoắt đi giật những trái sầu riêng tặng cho bọn nhỏ, tôi như nhìn thấy 1 bản ngã khác của chính mình. Ngày ấy, nếu tôi không sợ các máy cưa ở xưởng gỗ, không cảm thấy trống vắng khi các bạn đã lên phố học, nếu tôi chọn cuộc sống ở quê, tôi đoán phần nhiều mình cũng tiếp tục rong chơi y chang cách của chú tôi. Và rất có thể tôi cũng sẽ mỏi chân mà tìm về một trang trại heo hút, làm bạn với lũ chó, lũ gà, ngắm nhìn núi rừng mỗi ngày... Thật là một tôi khác lạ, một cuộc đời khác mà tôi mải mê nhìn ngắm.

V.Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI