Hôn nhân bên bờ vực thẳm

23/11/2020 - 09:30

PNO - Chị tìm đến trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lý khi hôn nhân đang bên bờ vực thẳm và bản thân đang từng ngày chống chọi với cơn khủng hoảng của mình.

Lo lắng khi chồng ra khỏi nhà

Chồng chị là một doanh nhân thành đạt, bên cạnh công việc kinh doanh, anh còn điều hành một quỹ từ thiện do chính mình sáng lập. Chị là CEO của một công ty xuất nhập khẩu tầm cỡ, xinh đẹp, giỏi giang, là típ phụ nữ bao người đàn ông mơ ước. 

Anh và chị quen nhau trong một chuyến đi thiện nguyện về vùng sâu. Cả hai có cùng đam mê, sở thích nên nhanh chóng thu hút nhau. Sau vài tháng hẹn hò, họ quyết định tiến tới hôn nhân. Cả hai ngập tràn hạnh phúc. Sau những bộn bề công việc, anh luôn dành thời gian cho vợ, chăm chị từng chút một.

Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu thay đổi từ khi chị mang thai. Chị luôn lo lắng mỗi khi chồng rời khỏi nhà. Chị hình dung những buổi tiệc tiếp khách của chồng, xung quanh toàn những cô gái xinh đẹp, và cả những lúc anh mệt mỏi ở công ty luôn có nhân viên nữ bên cạnh.

Chị bắt đầu kiểm soát chồng mọi lúc mọi nơi. Chị đặt ra nguyên tắc cứ 30 phút anh phải gửi định vị cho chị một lần, đồng thời chụp ảnh hoặc quay một đoạn clip để chị biết anh đang ở đâu, với ai, làm gì.

Vì yêu vợ, anh chiều chị tất cả, nhưng không tránh khỏi những hôm cuộc họp kéo dài hàng tiếng đồng hồ, anh không thể dừng lại để thực hiện đòi hỏi đó. Những lúc như thế, chị gọi liên tục vào máy chồng, và không ngừng nhắn tin trách móc, nặng nhẹ. Mỗi ngày anh đi làm về, chị đều kiểm tra tin nhắn, Zalo, Facebook, các cuộc gọi đến và đi. Chị còn thường xuyên đem mình ra so sánh với những người phụ nữ xung quanh anh, từ nhân viên cho đến các đối tác để chì chiết anh… dù xét về địa vị, tiền bạc, nhan sắc, không ai sánh bằng chị.

Tình cảm anh dành cho vợ vẫn không hề thay đổi, nhưng hành động ghen tuông, kiểm soát của vợ đã khiến anh bị tổn thương, và lòng tự trọng của một người đàn ông bị xúc phạm. Mệt mỏi, anh quyết định buông tay. Trong phút giây tức giận xen lẫn tự ái, chị đồng ý ký vào tờ giấy thỏa thuận ly thân.

Ghen vì thấy mình không có giá trị

Sau khi anh ra đi, chị cảm thấy cuộc sống của mình như khép lại, mọi thứ xung quanh không còn ý nghĩa. Chị từ bỏ đam mê, sở thích của mình. Chị dần xa lánh mọi người, công việc kinh doanh phải giao cho em trai quản lý. Chị tâm sự, chị rất muốn tin tưởng chồng nhưng không sao làm được. Sự bất an thôi thúc chị phải kiểm soát anh, để tìm cảm giác an toàn cho mình. 

Qua những phiên trị liệu, chị kể về tuổi thơ sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Cha mẹ chị đầu tắt mặt tối kiếm kế sinh nhai cho gia đình. Họ luôn trở về nhà trong tâm trạng mệt mỏi, rệu rã, sẵn sàng bùng nổ những cơn tức giận, đánh đập con cái. Chị chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ dành cho mình. Tuổi thơ của chị là những trận đòn roi, những lời mắng nhiếc, so sánh từ ba mẹ và cả họ hàng…

Chị đã cố gắng rất nhiều để vượt qua nỗi đau của mình và có được thành công như ngày hôm nay. Thế nhưng, khi đạt được điều mình mong muốn, chị lại cảm thấy trống rỗng, tựa như bản thân chưa làm được điều gì ý nghĩa cho chính mình.

Đứa trẻ tổn thương của tuổi thơ theo thời gian vẫn tồn tại trong con người trưởng thành  - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Đứa trẻ tổn thương của tuổi thơ theo thời gian vẫn tồn tại trong con người trưởng thành - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Ngày anh rời đi, chị nhận ra cảm giác ghen tuông với chồng không vì một người thứ ba nào cả, mà nó xuất phát từ nỗi sợ hãi bên trong chị. Có cái gì đó giống như “ghen” nhưng không phải là “ghen”, chập chờn hiện hữu trong tâm trí chị mà chị không thể nào gọi tên được, thế nhưng nó đủ mạnh để điều khiển chị hành động một cách vô thức.

Mơ hồ, trống rỗng, chị điên cuồng lao vào kiểm soát chồng, mong tìm cảm giác bình yên cho mình, nhưng chị không ngờ hành động đó vô tình đẩy anh ngày càng xa chị.

Theo các nhà tâm lý học, trải nghiệm tuổi thơ là một trong những yếu tố nền tảng hình thành nên nhân cách và mối quan hệ gắn bó của từng cá nhân. Cách một cá nhân nhìn nhận về cuộc sống, thiết lập và duy trì các mối quan hệ với những người xung quanh như thế nào, phụ thuộc vào những kinh nghiệm được hình thành từ tuổi thơ.

Nhiều người từng trải qua những thiếu thốn về tinh thần hoặc những nhu cầu không được thỏa mãn khi còn nhỏ, nỗi trống trải đó thôi thúc họ kiểm soát người khác một cách vô lý và quá đáng, để đáp ứng với những nhu cầu còn thiếu thốn của bản thân.

Với chị, tuổi thơ đầy bất ổn, bị bỏ mặc về tình cảm, đã dồn nén và hình thành trong vô thức chị một niềm tin phi lý rằng, mình không đáng được yêu thương. Niềm tin phi lý đó là cảm giác bất an, sợ hãi, lo sợ mất đi người mình yêu, là cảm giác ghen tuông, kiểm soát một cách điên cuồng mà ngay bản thân chị cũng không rõ nó đến từ đâu? Bởi “đứa trẻ bị tổn thương của tuổi thơ” theo thời gian vẫn tồn tại trong con người trưởng thành, và nó vẫn vô thức tin rằng mình không có giá trị, không đáng được yêu thương, dù hiện tại cuộc đời chị đã thay đổi.

Giờ thì chị đã tìm lại được chính bản thân mình, chữa lành những tổn thương tuổi thơ để trở về với con người hiện tại. Hiểu được chính mình khiến chị không còn cảm giác sợ hãi, ngược lại, chị thấy bình an và tự tin hơn. Chị nhận ra rằng, người mình không tin tưởng trước đây không ai khác chính là bản thân mình. Hành trình tìm lại chính mình đã giúp chị tìm lại được tình yêu bên chồng. Hạnh phúc đã trở về nguyên vẹn với anh và chị. Tổ ấm của họ giờ lại giòn giã tiếng cười. 

Linh Giang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI