Học ở con

05/04/2013 - 17:16

PNO - PN - Một bữa tình cờ xem chương trình Gương mặt thân quen, nghe xướng tên Khởi My, con gái chín tuổi của tôi bỗng reo lên: “Chị Khởi My, thần tượng của con!”.

Tôi hết sức ngỡ ngàng hỏi lại: “Khởi My là ai, ba chưa biết?”. Tức thì con gái giảng giải, Khởi My tham gia làm MC trong chương trình nào, ở kênh nào, hát bài gì… Tôi thử kiểm tra trên mạng, thì ra Khởi My là ca sĩ khá nổi tiếng. Từ hôm đó, đến chương trình Gương mặt thân quen vào mỗi tối thứ Bảy, gia đình tôi đều xem và ủng hộ “thần tượng của con gái”.

Qua việc đó, tôi bắt đầu thay đổi cách nhìn về các con của mình. Có lẽ như nhiều cha mẹ khác, tôi luôn nghĩ con mình còn bé bỏng lắm, ở tuổi tiểu học, chắc chưa có điều gì vượt ra khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Thực ra tôi đã nhầm, mà chắc không ít cha mẹ cũng như vậy. Dù còn ít tuổi, nhưng trong điều kiện tiếp nhận thông tin nhiều chiều và đa dạng hiện nay, trẻ có thể biết nhiều hơn chúng ta nghĩ. Hay sự nhanh nhạy của trẻ cũng khiến người lớn phải ngạc nhiên. Có lần tôi mở nhạc từ ổ cứng di động (cắm qua đầu USB trên ti vi) ở một thư mục khó tìm, vậy mà nghe một lần, con gái tôi đã biết cách mở…

Hoc o con 

Tôi nghĩ, cha mẹ nên học ở con, học để biết, học để chơi và chia sẻ với con, học để hướng dẫn và học để định hướng cho con. Trước hết là học cách phân tích, lý giải các tình huống, sự kiện theo cách của trẻ. Có những điều ta nhìn bằng lăng kính người lớn, tuy đúng nhưng khó thuyết phục được trẻ, không làm cho trẻ hiểu và cũng vì vậy không tạo được niềm tin cho trẻ. Chẳng hạn, nếu con hỏi vì sao mặt trời buổi sáng mọc ở hướng này mà buổi chiều thấy ở hướng kia, với một đứa trẻ học mẫu giáo mà giải thích rằng do sự vận động của trái đất… thì không ăn thua, đơn giản nhất vẫn là “mặt trời đi”; còn với một trẻ học tiểu học có thể đem quả địa cầu ra xoay và giải thích…

Ở trường các cháu có thể học được những kiến thức mà ta chưa biết hoặc đã quên. Những ai xem chương trình Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 sẽ thấy, các cháu bé 10 - 11 tuổi đã có những kiến thức mà người lớn… không biết. Ngày nay, với vô số phương tiện cung cấp thông tin, kiến thức, chắc chắn trẻ biết nhiều hơn điều chúng ta biết và chúng ta nghĩ. Vậy thì nên học ở con để không lạc hậu với con.

Dĩ nhiên, việc học đó không dừng lại. Học không chỉ để làm giàu kiến thức cho bản thân mà còn giúp con có những hiểu biết đúng đắn, xử sự hợp lý. Có lần con tôi đi học về kể, trong lớp con có bạn thường có nhiều tiền, hay mua bánh kẹo cho các bạn ăn. Đó là một thông tin mà cha mẹ nên quan tâm, bởi cho thấy trẻ tám - chín tuổi đã biết tiêu tiền và có thể dùng tiền để... tạo quan hệ. Vì vậy, tôi dặn con không được bắt chước bạn; khi con có tiền hoặc có quà thì nên chia sẻ với bạn; đồng thời cũng chỉ cho con thấy, nếu con quen xài tiền như bạn, dễ tập một số thói quen không tốt (như ăn uống không điều độ, ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, lãng phí…).

Dân gian hay nói: trứng mà đòi khôn hơn vịt. Tôi nghĩ nhận định đó quá chủ quan và không thực tế. Với điều kiện sống hiện nay, “trứng” hoàn toàn có thể “khôn” hơn “vịt” và chúng ta phải thấy rằng điều đó là hợp lý. Điều quan trọng là chúng ta phải định hướng cho trẻ khôn đúng, khôn hợp lý chứ không phải dạng khôn vặt…

Trúc Giang

Từ khóa Học ở con
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI