Gương biến hình

05/01/2016 - 08:12

PNO - Nếu hiểu biết về tâm lý trẻ, biết tôn trọng người khác và biết tự trọng, các bậc cha mẹ không bao giờ được nói xấu người chồng/vợ của mình.

Guong bien hinh
Ảnh mang tính minh họa - Internet

1. “Đàn ông trăm người như một, không tin được ai nghe chưa, con. Nhìn cái gương tày liếp của mẹ nè. Làm thân con gái phải biết “thủ”. Có chuyện gì, mình thiệt trăm đường. Con mà có làm sao, mẹ không sống nổi. Đừng đi vào vết xe đổ của mẹ, kẻo người ta bảo mẹ nào con nấy, không ngóc đầu lên nổi nha con”.

Ngày này qua tháng nọ, đằng đẵng 16 năm trôi, chị Tuyết luôn “bơm” vào đầu con gái cái nhìn u ám về đàn ông. Riết rồi Ngọc Hạnh “mặc định”: đàn ông = lừa dối, đàn ông = tệ hại, đàn ông = người xấu.

Hôm giỗ ông cố, cả nhà tụ họp đông đủ, mấy dì kéo mẹ Ngọc Hạnh ra ngoài hiên bỏ nhỏ: bà không thấy con Hạnh có gì lạ sao? Lạ? Lạ gì? Nó bình thường mà.

Trong nhà Hạnh nghênh ngang đi đứng như một gã thanh niên, miệng huýt sáo, tay bưng tô canh, lọng cọng đánh rơi, canh rau văng khắp sàn. Chị chịu khó để ý lại con nhỏ. Em thấy nó như con trai…

Giận các dì nói gì mà thẳng tưng, nhưng đêm về chị Tuyết cũng chột dạ. Nằm vắt tay lên trán, chị ngỡ như có cục đá chặn ngang ngực. Bấy lâu chị yên tâm khi con gái không giao du với bạn khác giới. Còn phong thái, cách ăn mặc thì chị xuề xòa, con thích gì mặc nấy. Bật dậy, lục tung tủ quần áo của con, chị ngồi thừ xuống đất. Toàn áo thun, quần short. Không có lấy cái áo đầm “làm vốn”.

Đợi cuối tuần rảnh rỗi, chị nấu món bún riêu con thích. Chờ con ăn no, sạch sành sanh hai tô, không buồn lấy khăn giấy lau miệng, mà lau bằng tay áo, chị Tuyết thủng thẳng: có mấy người nói với mẹ, con… con… giống… con trai, Hạnh à…

Cười giòn khi chị Tuyết chưa dứt câu, Hạnh búng tay tanh tách: con sẽ là thằng đàn ông hoàn hảo nhất cho mẹ coi. Chị chưng hửng.

Con sẽ là đứa con trai tốt nhất trên đời. Để mẹ thấy rằng ít nhất cũng không có thằng con trai đáng bỏ đi.

Giờ thì chị Tuyết mới lờ mờ nhận ra mình sai trong cách giáo dục con. Và, chị không biết phải bắt đầu từ đâu để sửa sai, đưa con ra khỏi mối họa lệch lạc giới tính.

2. Vinh, bartender một quán bar khá nổi tiếng. Đẹp trai, học giỏi, điểm trừ ở Vinh chỉ có thể là hơi ẻo lả. Trên mạng xã hội, ngoài đời thực, Vinh cũng công khai mình là “trai cong”. Vinh tâm sự: “Tôi chán ghét, mà không, phải nói là tôi ghê sợ nhữngthể-loại-người-khác-giới. Lắm điều, ích kỷ, phiền phức, lại không chung thủy. Nên tôi chỉ thích tiếp xúc, kết bạn, thậm chí yêu thương những người đàn ông. Điều đó có gì sai?”.

Với Vinh, có thể không sai. Nhưng việc ông Vĩnh ngày ngày mượn rượu tô vẽ bức chân dung gớm ghiếc của người một thời từng là vợ ông thì thật đáng trách. Mỗi lần cha nói xấu mẹ, nước mắt Vinh rơi lã chã, cậu bé rúm ró nép mình nơi góc cầu thang, bịt chặt lỗ tai. Âm thanh như búa dội vào lòng, vào óc. Chuỗi ngày những năm tháng tuổi thơ hoang mang, bất lực. Dần dà cậu tránh xa cái-gọi-là- phái-nữ.

Rồi cứ thế cậu lớn lên, sống trong ranh giới an toàn mà mình tự vạch ra. Xung quanh là những người đàn ông. Đồng nghiệp, bạn bè, người yêu.

Đau lòng hơn, cha cậu đã cười hềnh hệch: “Mày khá đấy con. Không bị đàn bà cho vào tròng như cha mày…”

Chuyện của Vinh, của Hạnh không còn là cá biệt trong xã hội. Bà Hồ Thị Tuyết Mai, chuyên gia tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết: “Càng ngày tôi càng nhận được nhiều ca tư vấn tâm lý đau lòng như thế. Người cha, người mẹ khi có bất đồng hoặc chia tay bạn đời đã nói xấu họ thậm tệ với các con. Khuyết điểm, lỗi lầm đôi khi được tô vẽ, thêm thắt khiến đứa trẻ hình dung về cha/mẹ mình sao mà kinh khủng quá. Nếu là trẻ gái, chúng thường có xu hướng suy nghĩ: tốt hơn hết mình phải là giới tính ngược lại, để an toàn, yên ổn.

Tương tự, các bé trai cũng có cái nhìn về người khác giới: sao mà lắm điều, sao mà ích kỷ, sao mà xấu xa… và cũng có xu hướng chỉ làm bạn, yêu thương người cùng giới. Nếu hiểu biết về tâm lý trẻ, biết tôn trọng người khác và biết tự trọng, các bậc cha mẹ không bao giờ được nói xấu người chồng/vợ của mình. Đừng vì ham muốn lôi kéo trẻ làm đồng minh, cô lập đối phương mà gây hậu quả tệ hại và lâu dài cho trẻ. Tất cả, trẻ sẽ lãnh đủ từ cuộc chiến của cha mẹ và ảnh hưởng lâu dài đến tương lai”.

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI