Giúp trẻ yêu sớm dừng ở vạch an toàn: Những cuộc yêu quá sức

27/04/2021 - 06:10

PNO - LTS: Một bà mẹ đến Báo Phụ Nữ TP.HCM với tâm trạng rối bời. Con gái 15 tuổi của chị đã yêu được một năm, và bao nhiêu tiền bạc ba mẹ cho, bé đều để dành cho bạn trai 18 tuổi. Độ tuổi của tình yêu học trò nay đã xuống tới “bọn nhóc” cấp II.
Không thể cấm yêu, cho nghỉ học, cũng không thể kết tội các em, vậy người lớn sẽ làm gì để giúp các em dừng ở vạch an toàn?
Để nhìn vấn đề này khách quan, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của nhà tâm lý, nhà giáo, phụ huynh, và của cả người trong cuộc...

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỗi năm học, khi nhận lớp chủ nhiệm, để phần nào hiểu học sinh, tôi thường đặt vài câu hỏi, trong đó có câu: Điều gì từng khiến em rất vui, rất hạnh phúc? Điều gì đã khiến em hối tiếc nhất?

Kết quả: có năm, đến 1/3 lớp thậm chí là 1/2 lớp kể về mối tình đầu của mình ở năm lớp Tám, lớp Chín với những thương yêu, tiếc nuối, là một phần ký ức sâu đậm trong tâm trí các em. 

Trong thế giới ấy có những cái nắm tay, vòng tay ôm, cả nụ hôn...

Người lớn hay nghĩ nếu các em có xúc cảm giới tính thì cũng chỉ là trò trẻ con, là những tò mò thoáng qua như gió thoảng mây bay, như hôm nay con thích siêu nhân ngày mai thích lego vậy thôi. Sự thật không phải thế! 

Và tôi nhớ, 13-14 tuổi chúng tôi đã có những cảm giác ngại ngùng trước người khác giới, có cái rụt tay, đỏ mặt khi vô tình chạm phải hay bắt gặp ánh mắt của người bạn mình “thinh thích”!

Có cả những buổi chiều tan học cứ lẳng lặng đạp xe phía trước, biết rõ phía sau có người cũng lẳng lặng thả từng vòng bánh xe theo mình mà không dám một lần quay lại, sao thấy con đường về nhà bỗng dưng ngắn quá…

Chỉ vậy, chúng tôi thời ấy còn lo về nhà phụ nấu cơm, quét dọn nhà cửa sân vườn, giữ em, hay còn phụ một tay vào gánh nặng mưu sinh của cha mẹ. Hiếm hoi và gần như hồi ấy không có một cuộc tình “có hình có khối” có những niềm vui thậm chí là nỗi buồn cũng như những kỷ niệm riêng tư của mối tình đầu như các em bây giờ.

Hồi ấy, lá thư tình nếu có, cũng rụt rè mãi, có khi nằm luôn trong trang vở học trò và không bao giờ được gửi đi. Hồi ấy, loay hoay chín mười tháng đi học chung trường chung lớp, cũng không có không gian riêng tư cho những thổ lộ đôi lứa.

Bây giờ, điện thoại quá phổ biến. Lời yêu thương chưa kịp cân nhắc, tiếng gọi “chồng”, “vợ”, “anh yêu”, “em yêu” đã thốt ra dễ dàng. Các em hồn nhiên cuốn mình vào cuộc yêu đôi khi không hề biết đã quá sức với mình.

Tôi hay trò chuyện thân tình với các em, không ít các em hé lộ có bạn trai bạn gái từ năm, sáu năm trước, đến lớp 12 vẫn còn. Nghĩa là trẻ yêu nhau từ hồi lớp Sáu.

Tuổi 13-14 còn quá nhỏ cả về sức khỏe, trải nghiệm, điều kiện vật chất và rất nhiều thứ khác để có thể chạm tay vào tình yêu. Tựa thứ trái còn xanh, ăn thì ăn được, nhưng chẳng ngon gì! Những xúc cảm giới tính nên chăng chỉ dừng lại ở vạch an toàn, hơn tình bạn một chút!

Nhưng làm thế nào để giữ cho các em dừng lại ở vạch an toàn ấy? Theo tôi, cần cả một sự thấu hiểu, thương yêu, chấp nhận và kiên nhẫn của gia đình và thầy cô. 

Triệu Vẽ

(Giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI