Giữ vịt

19/11/2013 - 12:01

PNO - PN - Ở quê tôi nhiều người thường nói: muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt. Nhà tôi nằm giữa đồng, cách xa khu dân cư, có năm nuôi cá nhưng đến mùa nước nổi thì cá tràn bờ ra kinh hết. Có mấy lần nuôi heo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hồi sáu bảy tuổi tôi đã đi giữ vịt, cả vịt đẻ, vịt thịt lẫn vịt con. Đi giữ vịt là để vịt ăn trong ruộng nhà hoặc những khu ruộng của người quen, không chạy sang ruộng người khác, không càn vào ruộng lúa chưa gặt, vào mạ chưa nhổ hoặc để lẫn với vịt của người khác. Ngoài ra, giữ vịt còn để vịt không chạy lạc xuống kinh hoặc lẻ bầy đi đâu mất… Những lúc ít vịt thì tôi giữ một mình, lúc nào nhiều hơn thì đi với đứa em; hai anh em đội nón lá cũ, mặc quần áo rách (có khi còn ở trần), cầm cái sào trúc dài có cột mấy miếng vải nhỏ xanh đỏ ở đầu, có khi mang theo cái thùng thiếc để bắt còng cho vịt ăn hoặc cái giỏ nhỏ để bắt cá, tranh thủ cho bữa cơm chiều…

Đi giữ vịt tuy mệt mà vui. Vịt ăn dưới ruộng - chỗ nào có “mồi” nhiều (tôm cá, lúa rụng, có cỏ…) thì vịt ít chạy tràn bờ, chỉ cắm đầu rúc dưới bùn, anh em chúng tôi ngồi dưới gốc dừa hoặc rặng trâm bầu, lâu lâu huơ sào cho vịt khỏi đi chỗ khác. Nhưng gặp chỗ nào nước sâu, hoặc ruộng gò, không ăn được gì thì vịt táo tác gọi nhau… đi chỗ khác, phải lùa vịt đi tìm chỗ có “mồi”.

Giu vit

Cực nhất là giữ vịt đẻ. Có con vịt ban tối vì lý do gì đó mà chưa đẻ thế nào cũng đẻ ngoài đồng, ngay trên ruộng hoặc ở những cái ổ tạm trên bờ ruộng, ở đám trâm bầu hay trên các đám cỏ rậm rì. Chúng tôi phải coi kỹ vịt ăn tới đâu, thấy chỗ nào trắng sáng dưới ruộng là đến đó xem, lâu lâu phải đi một vòng các chỗ vịt đã đi ăn xem có trứng nào không. Mỗi trứng vịt lượm được cũng góp phần làm đầy giỏ cho mẹ đi “đếm” (bán cho các vựa), có thêm tiền mua quần áo, sách vở…

Nhớ một năm, mẹ hứa khi bán bầy vịt tơ sẽ mua cho tôi cái nón nhung đỏ, loại nón khá thịnh hành hồi 30 năm trước. Vậy mà khi bán vịt, mẹ lại “quên” mất. Tôi hơi buồn. Mãi sau này, lớn lên hỏi lại, mẹ mới nói, năm đó vịt ế, mẹ quảy gánh bán từ khuya đến trưa mà ít người mua, nên phải bán rẻ. Bầy vịt tơ mơn mởn thế mà lỗ tiền giống, tiền lúa, và công giữ vịt của anh em tôi coi như công cốc. Hồi nhỏ thấy mẹ “thất hứa” thì có ý giận, lớn lên lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Tuổi thơ anh em chúng tôi trải qua những tháng ngày giữ vịt như thế. Đó là nguồn sống của gia đình nên chúng tôi luôn tự giác. Cũng có khi, vịt lỡ chạy tràn qua lúa người ta, họ rượt, anh em phải vừa chạy vừa lùa vịt muốn hụt hơi, vậy mà hôm sau còn phải nghe mắng vốn. Cũng có khi lùa vịt về nhà đếm lại thấy thiếu, tức là có vịt bị lạc bầy, bị cá chình rút (với vịt con)… thế nào cũng nghe mẹ tôi xót xa.

 NGUYỄN MINH HẢI

Từ khóa Giữ vịt
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI