edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Hà với mớ đơn từ
RỐI RẮM TÀI SẢN CHUNG - RIÊNG
Năm 1990, anh chị kết hôn, khi đó anh An vừa đi bộ đội về. Chị Hà kể: “Bằng nỗ lực của mình và sự trợ giúp của gia đình, chúng tôi đã có nhà. 5 năm sau, chúng tôi chuyển từ Nam Định vào TP.HCM cùng hai con nhỏ. Anh An yêu cầu tôi ở nhà giữ con, còn anh theo những chuyến hàng Bắc Nam. Năm 1996, chúng tôi bán căn nhà ở Q.Tân Bình, thêm tiền mua nhà ở Q.10. Khá giả, đầy đủ, anh bắt đầu “sinh tật”, quan hệ với nhiều người phụ nữ”.
Suốt từ năm 2007 (tức sau khi chị Hà sinh bé Hiền, đứa con thứ ba) đến 2011, nhiều lần họ đã soạn sẵn đơn ly hôn, chia tài sản… Bất động sản của hai vợ chồng khá nhiều, ở Q.10, Q.12, Q.Tân Bình và huyện Củ Chi (TP.HCM). Lần lượt vào các năm 2008, 2009, anh An ra phòng công chứng để làm thủ tục tặng phần tài sản của mình cho các con chung. Cứ một nửa phần của anh An trong các căn nhà, mảnh đất là dành cho hai đứa con lớn, nửa còn lại là của chị Hà. Kể cả mảnh đất tại Q.12 anh An đứng tên với một người bạn làm ăn từ năm 2007 đến năm 2009, anh cũng xác định là tài sản riêng của chị Hà.
Thấy chẳng còn chút tình yêu nào, năm 2009, chị Hà lại xin ly hôn. Anh An xin vợ hãy vì con, tha thứ cho anh lần nữa. Xuôi lòng, chị lại hủy đơn.
Thế nhưng, năm 2011, tới lượt anh An đòi ly hôn. Anh chuyển hồ sơ ly hôn từ TAND Q.10 về Q.12, đề nghị được toàn quyền sử dụng nhà, xưởng và một mảnh đất ở quận này (trước đó, anh đã công chứng là tài sản riêng của chị Hà). Ở tòa, An bất ngờ trưng ra số nợ chung 170 lượng vàng và đề nghị chia đôi với Hà. Đồng thời, anh yêu cầu được nuôi cháu Hiền.
Phiên sơ thẩm tại TAND Q.12 xét rằng chị Hà đã có được phần sở hữu nhà ở Q.Tân Bình, nhà ở Q.10 và đất ở huyện Củ Chi nên tuyên đồng ý những yêu cầu của anh An, kể cả chấp nhận giao anh nuôi cháu Hiền. Riêng khoản nợ 170 lượng vàng, chị Hà hoàn toàn không biết, nên chị không phải trả nợ. Không đồng tình với những phán quyết này, chị Hà kháng án.
MƯỢN CỚ CON CHUNG
TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm, kết quả y án sơ thẩm. Chị Hà khốn khổ vì vừa “mất con”, vừa mất trọn phần tài sản chị tính giành lại cho ba đứa con. Chị nói: “Theo tôi, tài sản còn lại cứ phải chia đôi. Bởi ngoài những phần tài sản kê trong biên bản gửi đến tòa, chúng tôi còn có ô tô, có công ty, tôi tự nguyện không tranh chấp”.
Điều bất hợp lý là bản án ghi nhận: “Anh An thường xuyên đi công tác xa” và “chị Hà buôn bán (tại nhà trên đường Cộng Hòa) nên không đủ điều kiện chăm sóc giáo dục, nuôi dưỡng ba đứa con” và vì thế “quyết định giao bé Hiền cho ba nuôi dưỡng”! Quyết định này của tòa không xem xét kiến nghị của đại diện Viện Kiểm sát. Tại phiên tòa, bà Hồ Thị Thanh Hương - Kiểm sát viên đã nói: “Cháu Hiền từ nhỏ đã ở với mẹ, lại là bé gái, vì sự phát triển tâm sinh lý của bé, rất cần sự chăm sóc của người mẹ, kháng cáo của bà Hà xin được nuôi cháu Hiền là hợp lý”. Hai con lớn của chị Hà đều có kiến nghị gửi đến tòa, ghi rõ: “Từ khi bé Hiền ra đời, ba tôi thường xuyên bỏ nhà đi. Việc ăn, học của chúng tôi và em Hiền một mình mẹ tôi quán xuyến. Xin quý tòa xem xét cho em được sống cùng mẹ con chúng tôi”. Chị Hà còn đến trường bé Hiền đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp và Ban giám hiệu xác nhận bằng văn bản việc không có anh An nào đưa đón bé Hiền; công an phường cũng khẳng định tại hộ khẩu nhà trên đường Cộng Hòa chỉ có bốn mẹ con chị Hiền thường trú và từ 5 năm nay, anh An không hề đăng ký tạm trú, tạm vắng ở đây. Nhưng những giấy tờ đó vẫn không được tòa xem là chứng cứ.
Chị Hà kể: “Gần như suốt học kỳ vừa qua, chỉ mình tôi đưa đón cháu như bao năm nay tôi vẫn làm. Việc anh ấy đòi nuôi cháu Hiền mục đích chính là yêu cầu chia phần hơn tài sản về mình mà thôi”. Bằng chứng là sau khi được tòa phúc thẩm giao quyền nuôi dưỡng con, anh An chỉ ghé nhà đưa đón Hiền đi học được… đúng ba tuần. Lấy cớ chưa được trả hết tài sản, anh An vẫn thi thoảng ra vào nhà chị Hà (ở Q.Tân Bình) như ông chủ. Chị Hà bực bội: “Tôi không muốn con bị thiệt thòi vì thiếu vắng tình cha, nhưng với người đàn ông này thì tôi chỉ mong dứt khoát. Mấy lần anh ta đột nhập vào nhà riêng của tôi, thậm chí còn bẻ ổ khóa, trèo tường. Có lần tôi phải gọi công an vào lập biên bản”. Lý giải cho hành động của mình, anh An nói: “Vì cô ấy thôi chứ tôi đâu muốn ly hôn”. Anh vẫn bày tỏ cùng các con mong muốn được quay về chung sống với gia đình. Hai người con lớn đều “lắc đầu” trước yêu cầu này của ba. Cậu con trai nói: “Ba tôi là nguyên đơn trong vụ án ly hôn, tranh chấp tài sản, vậy mà ông vẫn đổ lỗi cho mẹ. Ông đang chung sống và đã có con với người khác ngay trước lúc ly hôn mẹ tôi, rõ ràng ba đã vi phạm pháp luật, vậy mà ông vẫn nói cần có gia đình, muốn chung sống cùng mẹ con tôi”.
Thiết nghĩ, với lời của những đứa con vừa đủ tuổi trưởng thành này, người cha ấy nên suy gẫm…
NGHI ANH
(*)Tên nhân vật đã được thay đổi.
KHÔNG THỂ ĐƯỢC “CẢ CHÌ LẪN CHÀI” Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM ngày 27/8/2013 cho thấy việc giao cháu Hiền cho anh An là chưa thỏa đáng và không bảo đảm quyền lợi của cháu. Việc này, chị Hà cần khiếu nại, yêu cầu xem xét thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, qua hồ sơ của vụ án ly hôn này, tôi nhận thấy việc tòa tuyên về phần tài sản là có cơ sở. Đặc biệt là ở điểm không buộc chị Hà phải “chia đôi” số nợ 170 lượng vàng với anh An là hoàn toàn khách quan. Chị Hà cảm thấy bất bình tòa "xử ép" chị vì không thể hiện quyền tài sản của con cái. Xin khẳng định là con cái không được hưởng tài sản của cha mẹ khi cha mẹ ly hôn. Dù theo điều 44, Luật Hôn nhân và gia đình, con cái cũng có quyền tài sản, nhưng đó là phần tài sản đã được bố, mẹ tự nguyện cho tặng riêng các con. Hai đứa con lớn đã được anh An tặng một nửa phần tài sản của mình khi chia các tài sản chung bước đầu với vợ. Riêng các tài sản chưa chia, anh An có quyền tặng/cho hoặc không tặng/cho các con. Tòa không tính đến “phần” của các cháu như nguyện vọng của chị Hà là có căn cứ. Nếu chị Hà cho rằng chị và anh An còn những tài sản chung khác để đề nghị chia đôi số tài sản còn lại này ở tòa, thì bắt buộc chị phải kê khai ngay từ đầu. Riêng phần anh An, việc anh yêu cầu chị Hà trả lại giấy tờ nhà theo quyết định của tòa là yêu cầu hợp lý, nhưng việc anh mượn cớ “vì con” để tiếp tục làm ông chủ, đột nhập, bẻ khóa vào ngôi nhà đã là tài sản riêng của chị Hà; đòi chung sống như một đại gia đình là vi phạm pháp luật. Ly hôn, chắc chắn mỗi người trong cuộc phải “mất” rất nhiều và luật pháp cũng rất công bằng, không thể để một người “được” cả “chì” lẫn “chài” để bên còn lại chịu số phận hẩm hiu. Luật sư Phạm Lĩnh Sơn (Phó trưởng Văn phòng trợ giúp pháp lý phụ nữ số 6) |